Tập trung nguồn lực cho bảo vệ biển, đảo

Tin tức - Ngày đăng : 07:46, 13/06/2014

Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết như vậy trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu QH chiều 12-6.


Đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Đình Nam

Ngày 12-6, Quốc hội (QH) bước vào ngày làm việc thứ 20. QH dành cả ngày để các đại biểu QH chất vấn và nghe trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) và Bộ trưởng Bộ Tư Pháp.


Chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó


Báo cáo QH về tình hình Biển Đông và biện pháp ứng phó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, cơ quan chức năng dự báo các khả năng có thể xảy ra, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó cả trước mắt và lâu dài; theo dõi sát diễn biến tình hình để áp dụng giải pháp phù hợp trong một số lĩnh vực có quan hệ lớn với Trung Quốc như xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp, các dự án tổng thầu EPC gắn với vốn vay ưu đãi, du lịch... Cùng với đó, cần tập trung nguồn lực đầu tư phương tiện, trang thiết bị và có chế độ, chính sách phù hợp đối với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, bảo đảm an ninh, an toàn, hỗ trợ kịp thời cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển.

Chính phủ đang khẩn trương chỉ đạo triển khai việc sử dụng 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư theo nghị quyết QH vừa thông qua.

Việt Nam không phụ thuộc kinh tế vào bất cứ nước nào


Trong phần chất vấn, nhiều đại biểu đã dồn dập nêu vấn đề Chính phủ có giải pháp gì để kinh tế Việt Nam tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc vào bất cứ nước nào. “Tôi có đầy đủ tài liệu, căn cứ chứng minh. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong một thế giới phẳng chắc không có nền kinh tế nào độc lập một cách hoàn toàn”, Phó Thủ tướng nói.

Việt Nam đang có thế mạnh thu hút đầu tư nên thời gian tới cần phát huy ưu thế này để thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam chủ trương mở rộng đa dạng hóa thị trường, cả nhập khẩu và xuất khẩu. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, chủ trương giữ quan hệ làm ăn hợp tác với Trung Quốc thông qua các hoạt động quan hệ đa phương và song phương với tinh thần hai bên cùng có lợi.

3.000 người có dấu hiệu kê khai tài sản không trung thực

Là người đầu tiên chất vấn Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh, đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu: “Cử tri cho rằng tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, vậy kết quả của việc kê khai tài sản và tác dụng của nó đến nay như thế nào?”. “TTCP kết luận sai phạm tại Đà Nẵng nhưng UBND TP Đà Nẵng đã phủ định kết luận đó, báo chí đăng tải làm dư luận phân tâm, đề nghị đồng chí cho biết kết luận của TTCP sau đó có thay đổi không, để cử tri yên tâm?”, đại biểu Rinh hỏi tiếp.

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho rằng: “Từ năm 2013 đến nay, sau khi thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi thì việc kê khai có hiệu quả hơn. Trong giai đoạn 2012 - 2013 đã có 98% số cán bộ công chức trong diện kê khai tài sản thực hiện, công khai 59%. Giai đoạn 2013 đến nay, đối tượng kê khai đạt 98%, công khai đạt 97%. Qua kê khai đã phát hiện 3.000 người kê khai không trung thực, chúng tôi đã xác minh làm rõ và xử lý 88 cán bộ vi phạm”.

Về kết luận thanh tra tại Đà Nẵng, Tổng TTCP khẳng định quá trình thực hiện thanh tra và kết luận đã bảo đảm đúng theo quy định pháp luật và hiện nay Đà Nẵng đang thực hiện xử lý kết luận sau thanh tra, trong đó có việc kiểm điểm trách nhiệm cán bộ liên quan trong thời kỳ thanh tra.

Trước câu hỏi của nhiều đại biểu về tình hình tham nhũng hiện nay, Tổng TTCP cho biết: “Trong thời gian qua có nhiều đánh giá, nhận định nhưng đều thống nhất cho rằng tham nhũng chưa được đẩy lùi, hành vi tham nhũng có nhiều dạng tinh vi, ở hầu hết lĩnh vực. Tham nhũng vặt diễn ra thường xuyên”.

Theo Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh, trong 3 năm qua thanh tra đã chuyển 200 vụ với 240 đối tượng sang cơ quan điều tra. Riêng TTCP đã xử lý kỷ luật 12 cán bộ: “Đánh giá về mức độ thì chưa nhiều, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng. Điều này yêu cầu TTCP phải có những biện pháp, giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới”, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết.

Giàu mà không chứng minh được nguồn sẽ bị truy tố


Trả lời chất vấn của các đại biểu QH về việc sửa đổi chính sách pháp luật như thế nào đối với tội

 Ngày 13-6, buổi sáng, QH làm việc tại tổ. Buổi chiều, QH họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và thảo luận Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

phạm tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Trong Bộ luật Hình sự sửa đổi sắp tới, Ban Soạn thảo và Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ và được ra định hướng. Trong đó về tội tham nhũng đã được Ban Nội chính Trung ương làm việc trực tiếp theo hướng bổ sung một số tội phạm tham nhũng, nội địa hoá một số tội quốc tế. Ví dụ: Làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được nguồn nào làm giàu thì cũng bị truy tố”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm của ngành mình trong việc vẫn còn tình trạng điều chỉnh xin lùi, rút trong triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Bộ trưởng cũng đã đề cập tới các giải pháp trong đó có việc tách bạch giai đoạn làm chính sách và xây dựng pháp luật.

Như vậy, sau 2,5 ngày làm việc, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã đi thẳng vào các vấn đề nóng được dư luận quan tâm, các câu trả lời chất vấn đã cơ bản giải đáp các thắc mắc của cử tri cả nước.

TTXVN-TN-NA


Minh bạch tài sản góp phần phòng, chống tham nhũng


Tôi rất quan tâm đến giải trình của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh về minh bạch tài sản đối với những cán bộ lãnh đạo thuộc diện kê khai tài sản tại phiên trả lời chất vấn ngày 12-6, trong đó có giải trình về thông tin một số đồng chí nguyên lãnh đạo, đương là lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ có tài sản lớn từ nhà cửa, đất đai, biệt thự; việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ trong thời gian ngắn trước khi nghỉ hưu... Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thỏa mãn với những thông tin đã được giải trình. Tổng Thanh tra Chính phủ vẫn còn vòng vo, chưa đi vào vụ việc cụ thể mà cử tri mong muốn.


Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, theo tôi, việc kê khai tài sản phải được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch. Trong đó, vai trò người đứng đầu cần được thể hiện rõ. Cần công khai bản kê khai tài sản ở nơi cán bộ đó công tác và cư trú chứ không chỉ kê khai rồi nộp cho đơn vị có thẩm quyền. Tôi đề nghị những vụ việc sai phạm của cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ sẽ được Thanh tra Chính phủ sớm làm rõ và xử lý nghiêm theo pháp luật, phải phòng, chống tham nhũng ngay trong các lực lượng phòng, chống tham nhũng. 


HOÀNG ĐIỂN PHAN (Chủ tịch Hội Nghề nghiệp Y tế tư nhân tỉnh)


Chưa rõ trách nhiệm

Hiện nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành nhưng chưa được thực thi


do còn phải chờ văn bản hướng dẫn, do đó việc tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật chậm. Tại cuộc chất vấn chiều 11-6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời về vấn đề này nhưng tôi thấy vẫn chưa cụ thể. Theo tôi, Bộ trưởng Tư pháp cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của mình để hạn chế việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhưng thiếu tính thực tế hoặc trái với quy định của pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân...


BÙI VĂN LÂN(Trưởng khu 11, phường Bình Hàn, TP Hải Dương)