Đề phòng ngộ độc thực phẩm
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 10:08, 16/06/2014
Đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng bức mùa hè, thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn là nguyên nhân làm cho ngộ độc thực phẩm gia tăng. Người bị ngộ độc thường có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn, mất nước, mất điện giải, sốt.
Theo bác sĩ Đỗ Văn Nguyên, Trưởng Khoa Nội 4 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm ở tình trạng cấp tính không nhiều, song thực tế tỷ lệ người nhiễm bệnh về đường tiêu hóa tăng dần hằng năm. Một số người dân bị ngộ độc nhẹ với các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt... nhưng do chủ quan, không để ý nên không phát hiện được nguyên nhân. Đối với những người sử dụng thực phẩm không bảo đảm dễ gây các chứng bệnh rối loạn tiêu hóa kéo dài, hội chứng tiêu chảy mạn tính, không hấp thu được chất dinh dưỡng và dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng. Người mắc ngộ độc mạn tính sẽ suy kiệt sức khỏe, sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác. Ngộ độc thức ăn do nhiễm vi khuẩn ngoài việc sử dụng kháng sinh cần được bù dịch chống mất nước, song đối với bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, việc bù nước cần được theo dõi sát sao, vì bù dịch có thể làm tăng huyết áp, phù phổi. Ngoài ra, mất nước trong ngộ độc thức ăn (do nôn, tiêu chảy) làm giảm huyết áp, trụy mạch. Mất nước gây mất điện giải, trong đó có mất ka-li có thể dẫn đến co cơ, thậm chí liệt cơ. Việc bù điện giải trong đó có bù ka-li sẽ giúp khắc phục tình trạng này.
Vào mùa hè, mùa du lịch cũng là “mùa” của ngộ độc thức ăn ở trẻ nhỏ. Theo bác sĩ Lê Thanh Duyên, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh), những ngày hè trẻ em thường được cho ăn nhiều loại thức ăn không được kiểm soát dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Thậm chí ăn thức ăn lạ có thể gây dị ứng, ngộ độc, nôn ói. Đáng ngại hơn, khi đi chơi, du lịch, việc chế biến không chu đáo như tại gia đình, vệ sinh khó bảo đảm, thức ăn dễ ô nhiễm làm tăng nguy cơ ngộ độc ở trẻ nhỏ. Khi trẻ nôn, tiêu chảy, cần lập tức được bù nước (dung dịch uống oresol). Trẻ bị nôn, tiêu chảy nhiều, tốc độ mất nước nhanh, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nguy hiểm của mất nước khi tiêu chảy là làm giảm khối lượng tuần hoàn, rối loạn điện giải, gây co giật, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong do trụy tim mạch. Trong gia đình, khi đi chơi xa nên mang theo oresol. Trẻ sốt cao, tiêu chảy rất cần được bù nước kịp thời.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, mỗi chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc "ăn chín, uống sôi"; thực phẩm chín cần được bảo quản riêng biệt trong môi trường thoáng sạch, tránh ô nhiễm. Cần có thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, là biện pháp đơn giản mà hiệu quả nhất giúp giảm nguy cơ gây ô nhiễm cho thực phẩm. Giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh tay trước khi ăn cần được duy trì khi đi du lịch, dã ngoại.
HẢI ĐƯỜNG (Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Hải Dương)