Băn khoăn cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi

Tin tức - Ngày đăng : 04:54, 20/06/2014

Ngày 19-6, Quốc hội (QH) bước vào ngày làm việc thứ 25. Buổi sáng, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân.



Ðại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) phát biểu ý kiến về Dự án Luật Căn cước công dân

Gây phiền hà, tốn kém không cần thiết

Băn khoăn về quy định cấp thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi của dự án luật, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nhận định, theo cơ quan soạn thảo, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi nhằm bảo đảm quyền giao dịch của công dân theo quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo chưa làm rõ được mục đích quản lý nhà nước đối với những người dưới 14 tuổi, báo cáo đánh giá tác động chưa làm rõ được vai trò và ý nghĩa của các thông tin trong thẻ căn cước công dân đối với người dưới 14 tuổi đóng góp như thế nào cho công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội hay trong hoạch định chính sách. Đại biểu Thụy đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá lại tác động của quy định này bởi việc quản lý nhóm đối tượng này thông qua các cơ quan, tổ chức, trường học hiện rất hiệu quả. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong mọi trường hợp, kể cả xuất trình thẻ căn cước công dân, những giao dịch giữa những người dưới 14 tuổi hoặc phải có người đại diện theo pháp luật thực hiện hoặc phải được sự đồng ý của họ. Vì vậy, so sánh giữa chi phí phải bỏ ra là hơn 648 tỷ đồng và lợi ích của chính sách này mang lại cần phải được tính toán kỹ hơn.

Đại biểu Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái) cho rằng, trẻ dưới 14 tuổi chưa phải chịu trách nhiệm hình sự và trong các giao dịch dân sự cũng cần cha mẹ hay người giám hộ làm người đại diện. Việc được cấp giấy khai sinh khi sinh ra là quyền của trẻ em đã được quy định tại Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự và Công ước Liên hợp quốc về quyền của trẻ em. Việc cấp thẻ căn cước từ khi sinh ra sẽ gây thủ tục phiền hà cho công dân, tạo sự tốn kém không cần thiết...

Liên quan đến quy định về số định danh cá nhân, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) tán thành với việc quy định số định danh cá nhân trong dự án luật và cho rằng quy định này sẽ góp phần thực hiện tốt yêu cầu quản lý xã hội, dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Tuy nhiên, các đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) lại tỏ ra băn khoăn với việc thay đổi từ 9 số trong chứng minh nhân dân lên 12 số trong định danh cá nhân sẽ gây tốn kém, ảnh hưởng đến 68 triệu người đã được cấp giấy chứng minh nhân dân.

Nhiều nội dung của Luật Hộ tịch trùng Luật Căn cước công dân

Buổi chiều, QH thảo luận dự án Luật Hộ tịch. Thảo luận về luật này, nhiều đại biểu nhất trí với quy định cấp thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân nhằm đơn giản hóa nhiều loại thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, đồng thời phù hợp với xu hướng hiện đại trong quản lý nhà nước về dân cư. Tuy nhiên, một số đại biểu nhận xét, nhiều nội dung của Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân trùng nhau.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, Bộ Công an trình Luật Căn cước công dân, Bộ Tư pháp trình Luật Hộ tịch. Cả 2 luật đều nêu sẽ cấp thẻ căn cước cho công dân từ khi mới sinh ra, vì vậy gây chồng chéo, đề nghị phải phân công rõ nhiệm vụ cụ thể của từng bộ. Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, Luật Hộ tịch đưa ra cách đổi mới đột phá về quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho người dân, giảm bớt được các giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, luật này chỉ nên điều chỉnh về các vấn đề hộ tịch, không điều chỉnh các vấn đề về khai sinh, thẻ căn cước... để tránh trùng lặp với Luật Căn cước công dân. Đại biểu Dũng đồng tình cấp giấy khai sinh, giấy chứng nhận hôn nhân vì nó có ý nghĩa hàm chứa nhiều thông tin cơ bản, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công dân; những loại giấy tờ khác chỉ cần cấp trích lục khi công dân có yêu cầu...

Cũng trong ngày 19-6, QH đã biểu quyết thông qua Luật Phá sản (sửa đổi), Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).

TTXVN-TT-NA

Ngày 20-6, QH làm việc tại hội trường. Buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi); thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Buổi chiều, QH họp riêng, thảo luận dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).