Quốc hội mạnh mẽ lên án Trung Quốc

Tin tức - Ngày đăng : 11:18, 24/06/2014

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói Quốc hội mạnh mẽ lên án Trung Quốc trong lời phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc Diễn văn bế mạc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Sau hơn 1 tháng làm việc, Quốc hội đã bế mạc Kỳ họp thứ 7 vào sáng 24-6. , Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Quốc hội đã nỗ lực làm việc với tinh thần khẩn trương, tích cực và trách nhiệm cao.

Đề cập đến tình hình Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội nói: Với ý đồ lấn chiếm biển Đông, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

“Độc lập, chủ quyền quốc gia, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng”, chủ tịch Quốc hội nói.

Quốc hội khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển Đông, làm tổn hại sâu sắc tới tình hữu nghị, đoàn kết láng giềng của nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Đến diễn đàn này, hòa chung với nhịp đập trái tim với đồng bào, chiến sỹ cả nước, các vị đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của Trung Quốc.

“Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không được có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”.

Quốc hội đánh giá cao những phát biểu tâm huyết, thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của các vị đại biểu Quốc hội và của toàn dân ta. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí, hành động ủng hộ và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, gìn giữ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước láng giềng Việt Nam - Trung Quốc”.

“Quốc hội Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Quốc hội, nghị sỹ Quốc hội, các tổ chức, cá nhân và bạn bè trên thế giới đã và đang tiếp tục đồng tình ủng hộ Việt Nam, lên tiếng bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc đình chỉ ngay những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam”, chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh trong bối cảnh độc lập, an ninh, chủ quyền của đất nước đang bị đe dọa thì nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và những năm tiếp theo là khó khăn.

Chúng ta cần tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đoàn kết, thống nhất, phát huy cao nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ và tình toàn kết quốc tế để phát triển đất nước. Kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Trước đó, với đa số phiếu thuận, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, trong đó đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với Chính phủ và các bộ trưởng.

Phải bảo đảm an toàn nợ công

Đối với lĩnh vực tài chính, qua phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Quốc hội yêu cầu phải có các giải pháp cần thiết bảo đảm an toàn, an ninh tài chính về nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép; tái cơ cấu nợ công theo hướng chuyển từ cơ cấu vay ngắn hạn sang vay dài hạn, phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài hơn; giảm bội chi ngân sách, hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ cũ; rà soát, đánh giá tổng thể nợ công, nợ của Chính phủ để có giải pháp cân đối vay và trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công trong dài hạn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Đồng thời, Quốc hội lưu ý cần triển khai thực hiện tốt Luật giá; tăng cường kiểm soát, điều tiết, bình ổn giá, công khai giá, tập trung vào những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân; bảo đảm cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Chấn chỉnh tình trạng tuyển sinh tràn lan

“Có biện pháp triển khai kịp thời, có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8” - Nghị quyết đưa ra yêu cầu đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tiếp thu, hoàn chỉnh Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trình Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp thứ 8 để triển khai trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

“Căn cứ vào kết quả dự báo lao động việc làm hàng năm để có định hướng đối với hoạt động tuyển sinh, đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Tiếp tục rà soát, có giải pháp chấn chỉnh tình trạng mở trường đại học và tuyển sinh tràn lan, nâng cao chất lượng đào tạo, đưa giáo dục đại học vào nền nếp” - nghị quyết viết.

Giảm nợ đọng văn bản pháp luật

Đối với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Quốc hội yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp mới.

Theo đó, tập trung rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, xác định các quy định trái Hiến pháp để đình chỉ thi hành, các quy định cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để cụ thể hóa Hiến pháp. Cần đôn đốc việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp phục vụ triển khai thi hành Hiến pháp trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua trong các năm 2014 và 2015, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thi hành Hiến pháp.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ tư pháp trong việc thẩm định, kiểm tra quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giảm số văn bản nợ đọng; nâng cao chất lượng công tác kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý sai phạm.

Giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo

Với Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Quốc hội yêu cầu có biện pháp chỉ đạo kiên quyết, dứt điểm đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Từ nay đến hết năm 2014, chuẩn bị, trình Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hiện kết luận thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Cơ quan thanh tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm toán nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có biện pháp đẩy mạnh sự tham gia của nhân dân, MTTQ Việt Nam và các cơ quan thông tin, tuyên truyền, báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bảo đảm sự công tâm, khách quan, chính xác trong quyết định, kết luận của Thanh tra. Đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay đến cơ quan có trách nhiệm để điều tra, truy tố, xét xử theo quy định. Có kế hoạch tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm xử lý đến cùng kết luận của cơ quan thanh tra..

LÊ KIÊN (Tuổi trẻ)