Kỳ cuối: Trung Quốc càng lộng hành, Việt Nam càng kiên quyết bảo vệ chủ quyền

Tin tức - Ngày đăng : 09:53, 26/06/2014

Hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là cuộc đấu tranh gay go, phức tạp và lâu dài.





>>Kỳ 6: Tổ chức quản lý hành chính từ năm 1950 đến nay

>>  Kỳ 4: Xác lập và thực thi chủ quyền






Nhà nghiên cứu Phan Thuận An (TP Huế) trao tặng tờ châu bản đời Bảo Đại liên quan đến việc
bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa


Ngày 23-6-1994, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Việt Nam là nước thứ 63 phê chuẩn UNCLOS 1982. Ngày 15-5-1996, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS 1982.

Mặc dù phê chuẩn UNCLOS 1982 nhưng Trung Quốc không tuân thủ UNCLOS 1982 mà ngày càng hung hăng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Ngoài các tuyên bố về ngoại giao và ban hành các văn bản pháp lý hòng áp đặt chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc còn ngăn chặn các tàu thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và trên những vùng biển khác thuộc lãnh hải Việt Nam. Thậm chí, tàu Trung Quốc còn nổ súng vào tàu cá của ngư dân Việt Nam, gây cháy tàu và làm bị thương và làm chết ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong vùng biển Hoàng Sa; tổ chức tập trận trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa; cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam...

Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục chính sách kiên định trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đây là cuộc đấu tranh cân não cả trên mặt trận pháp lý, ngoại giao, lẫn trên thực địa.

Tháng 11-2007, Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn thành lập thành phố Sansha (Tam Sa) có phạm vi quản lý ba quần đảo trên Biển Đông là Xisha (Hoàng Sa), Nansha (Trường Sa) và Zhongsha (Trung Sa), cùng vùng biển có diện tích bằng 1/4 diện tích Trung Quốc.

Ngày 3-12-2007, Việt Nam ra tuyên bố cực lực phản đối hành vi này của Quốc vụ viện Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 7-12-2007, tại kỳ họp thứ 10, khóa VII, HĐND TP Đà Nẵng ra nghị quyết khẳng định Hoàng Sa là đơn vị hành chính thuộc Đà Nẵng và phản đối Trung Quốc đòi quản lý quần đảo này.

Ngày 7-5-2009, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc gửi Công hàm tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kèm tấm bản đồ Trung Quốc vẽ “đường chín đoạn” bao trùm khoảng 80 % Biển Đông, cho đó là lãnh hải của Trung Quốc. Ngay hôm sau, ngày 8-5-2009, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gửi Công hàm số 86/HC-2009 đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bác bỏ công hàm của Trung Quốc về tấm bản đồ vẽ “đường chín đoạn”. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc là “không có giá trị và không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn”, đồng thời tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 14-5-2009, Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá tại một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông từ ngày 16-5 đến ngày 1-8-2009. Ngày 16-5-2009, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố phản đối lệnh cấm vô lý này.

Ngày 25-11-2011, tại kỳ họp thứ 2, khóa XIII, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “...Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

Ngày 21-6-2012, tại Kỳ họp thứ 3, khóa XIII, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Luật khẳng định chủ quyền của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán, đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của UNCLOS 1982 và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế.

Cũng trong ngày 21-6-2012, Quốc vụ viện Trung Quốc đã chính thức phê chuẩn thành lập thành phố cấp địa khu Sansha (Tam Sa), bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 24-7-2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và là vô giá trị”.

Ngày 29-11-2013, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ra tuyên bố yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải nhận được sự đồng ý của giới chức trách địa phương nước này mới được đánh bắt hoặc khảo sát ở 2/3 Biển Đông kể từ ngày 1-1-2014, trong đó có vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam cùng Philippines lập tức phản đối tuyên bố này của chính quyền tỉnh Hải Nam.

Nghiêm trọng hơn, từ ngày 1-5-2014, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đưa giàn khoan dầu Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để thăm dò dầu khí. Đây là hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định tại UNCLOS 1982. Để bảo vệ cho hành động xâm phạm ngang ngược này, Trung Quốc đã điều động hơn 80 tàu thuyền bán vũ trang (lúc cao điểm có hơn 130 tàu thuyền) của các lực lượng hải giám, hải cảnh, tàu cá vỏ sắt… lẫn tàu quân sự của lực lượng vũ trang Trung Quốc và nhiều máy bay đe dọa, uy hiếp và tấn công các lực lượng thực thi pháp luật và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và đe dọa an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông. Chính phủ Việt Nam đã lên tiếng phản đối, cử các lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư ra ngăn chặn, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đưa vụ việc này ra các diễn đàn quốc tế, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối và có những biện pháp buộc Trung Quốc phải chấm dứt hành động ngang ngược và nguy hiểm này. Cộng đồng quốc tế cũng lên án việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông thông qua việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan này khỏi vùng biển Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy rằng Việt Nam đã  có quá trình khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền thực sự đối với quần đảo Hoàng Sa một cách hòa bình và liên tục, muộn nhất là từ thế kỷ XVII và đã được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam, của Trung Quốc và các nước khác. Trong khi, chỉ từ năm 1909 trở đi, Trung Quốc mới bắt đầu tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, Trung Quốc đã từng bước tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, xâm lấn từng phần, rồi dùng vũ lực xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1-1974 và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ đó cho đến nay.

Tuy nhiên, dù quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng, nhưng các Nhà nước Việt Nam, kể từ năm 1974 đến nay vẫn liên tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trên các phương diện chính trị, ngoại giao và pháp lý, đồng thời vẫn tiếp tục thực thi việc quản lý nhà nước về mặt hành chính đối với quần đảo Hoàng Sa.

Hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là cuộc đấu tranh gay go, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực trên nhiều phương diện, nhiều mặt trận. Trong đó, việc sưu tầm, nghiên cứu và công bố những tư liệu và bằng chứng chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam nói chung là hết sức cần thiết. Những hoạt động này sẽ góp thêm chứng lý xác đáng cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

TS. TRẦN ĐỨC ANH SƠN