Phép thử cho Trung Quốc ở Hồng Kông

Tin tức - Ngày đăng : 08:52, 03/07/2014

Cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông được xem là minh chứng mới nhất cho bài toán khó mà Trung Quốc cần phải giải ở đặc khu này.


Người biểu tình Hồng Kông giằng co với cảnh sát hôm 2.7 - Ảnh: Reuters

Sáng 2-7, hơn 500 người trong số 2.000 người tham gia biểu tình ngồi ở Hồng Kông đã bị bắt giữ với cáo buộc “tụ tập trái phép và cản trở cảnh sát”, theo AFP. Theo mô tả của các nhân chứng, khi cảnh sát tiến hành giải tán, nhiều người biểu tình đan tay vào nhau, đấm đá, gào thét để chống trả nhưng cuối cùng họ vẫn bị khiêng lên xe. Đến chiều qua, khoảng 50 người đã được thả, số còn lại chưa biết sẽ bị giam giữ đến khi nào. 

Cuộc biểu tình ngồi hôm qua tiếp nối cuộc tuần hành quy mô lớn chưa từng có kể từ năm 1997 trong ngày 1-7 nhằm phản đối điều gọi là sự can thiệp quá sâu của chính quyền trung ương vào Hồng Kông. Phía tổ chức cho biết có đến 510.000 người tham gia trong khi cảnh sát nói khoảng 98.600 người đã xuống đường. Đoàn tuần hành diễu qua các địa điểm quan trọng như công viên Victoria và Trung Hoàn, trung tâm tài chính - hành chính của đặc khu. Họ giương cao cờ Hồng Kông thời còn thuộc Anh cùng các biểu ngữ viết “Chúng tôi muốn có dân chủ thực sự”, “Chúng tôi đoàn kết chống can thiệp”.

“Dân chủ thực sự”

Từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông tương đối độc lập về chính trị, tài chính và luật pháp nhưng một bộ phận lớn người dân không hài lòng về sự hiện diện ngày càng sâu rộng của đại lục. Hồi đầu năm nay, AFP dẫn kết quả một cuộc khảo sát của Đại học Hồng Kông cho thấy “tiến bộ về chính trị” đứng thứ 2 sau giá nhà tăng cao trong danh sách các vấn đề mà người dân đặc khu cho rằng chính quyền cần quan tâm giải quyết trong năm 2014.

Lo ngại càng gia tăng vào tháng 6, khi chính phủ Trung Quốc công bố Sách trắng về Hồng Kông. Theo tờ The Japan Times, văn bản trên “nhắc nhở” Hồng Kông rằng Trung Quốc giữ quyền quản lý tối cao đối với lãnh thổ đặc biệt này. “Mức độ tự trị của Hồng Kông không phải là quyền cố hữu, mà quyền đó chỉ đến từ sự cho phép của ban lãnh đạo trung ương”, tờ báo trích văn bản trên viết. Ngay sau khi Sách trắng được công bố, gần 800.000 người đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý không chính thức do Tổ chức Occupy Central (Chiếm Trung Hoàn) phối hợp với Đại học Hồng Kông và Đại học Bách khoa Hồng Kông phát động về bảo đảm dân chủ, đặc biệt trong vấn đề bầu chọn  lãnh đạo đặc khu. Theo giới quan sát, nhiều người không chỉ mong muốn có dân chủ hơn ở Hồng Kông mà còn muốn một nền “dân chủ thật sự” theo những chuẩn mực chung trên thế giới chứ không phải nền dân chủ đặc thù như lâu nay.

Theo thể chế hiện nay, người đứng đầu Hồng Kông được chọn bởi một ủy ban gồm 1.200 thành viên, nhưng nhiều người cáo buộc phần lớn thành viên ủy ban đều thân trung ương, dẫn đến việc Hồng Kông chịu ảnh hưởng quá lớn từ Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết người Hồng Kông sẽ được tự bầu trực tiếp lãnh đạo vào năm 2017 nhưng các ứng viên tranh cử phải được một ủy ban thông qua, điều mà nhiều thành phần ở Hồng Kông quyết liệt phản đối. Reuters dẫn lời cựu nghị sĩ Trần Phương An Sinh, một chính khách cực kỳ uy tín ở Hồng Kông, tuyên bố: “Chúng tôi muốn người dân Hồng Kông có được lựa chọn thật sự đối với các vị trí lãnh đạo đặc khu”. Tổ chức Occupy Central cảnh báo cuộc trưng cầu dân ý và biểu tình vừa qua chỉ là bước khởi đầu. Nếu vẫn không có gì thay đổi, họ sẽ phát động phong trào chiếm cứ và phong tỏa Trung Hoàn trong thời gian sắp tới.

Bài toán khó

Ngày 2-7, tờ China Daily ở Bắc Kinh đăng bài xã luận viết cuộc biểu tình ở Hồng Kông chứng tỏ “người dân tiếp tục được hưởng những quyền tự do từ khi được trao trả”. Tuy nhiên, tờ báo chỉ trích “những người chống đối lợi dụng cải cách dân chủ và có nhiều hành động phạm pháp để đạt mục tiêu”. Trước đó, Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của Quốc vụ viện Trung Quốc khẳng định cuộc trưng cầu dân ý nói trên là “bất hợp pháp và vô giá trị” còn Hoàn Cầu thời báo chỉ trích cuộc trưng cầu là “một trò hề bất hợp pháp” và tuyên bố 1,3 tỷ dân đại lục đủ sức “đè bẹp” ý kiến của dân Hồng Kông.

Những lời lẽ của báo chí đại lục khiến Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh, người thường xuyên bị chỉ trích là quá thân Bắc Kinh, cũng phải bức xúc. Trang tin Channel News Asia dẫn lời ông Lương khẳng định cử tri Hồng Kông có quyền bày tỏ nguyện vọng và đòi hỏi của mình. Song song đó, tờ Apple Daily ở Hồng Kông hôm qua ca ngợi cuộc tuần hành, còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf ra tuyên bố ủng hộ việc trao cho cử tri Hồng Kông tiếng nói mạnh hơn trong việc bầu chọn lãnh đạo.

Theo giới quan sát, những diễn biến trên cho thấy chính quyền trung ương đang đối mặt với bài toán khó giải ở Hồng Kông, một trong những vùng lãnh thổ giàu nhất thế giới và là một mũi nhọn kinh tế của Trung Quốc. Chấp nhận những tiếng nói cải cách ở Hồng Kông là đụng chạm tới mô hình “một nhà nước hai chế độ” tồn tại suốt 17 năm qua và có thể dẫn tới thay đổi cơ bản liên hệ ràng buộc chính trị, pháp lý giữa Hồng Kông và đại lục. Chưa kể là theo Reuters, nhượng bộ ở Hồng Kông có thể dẫn tới hiệu ứng dây chuyền ở đại lục. Vì thế, khó có khả năng chính quyền trung ương sẽ thỏa hiệp, nhất là khi ban lãnh đạo Trung Quốc đang tỏ ra cứng rắn về đối nội lẫn đối ngoại. Như vậy tình hình sắp tới ở Hồng Kông có thể sẽ khó sớm lắng dịu.

Trùng Quang