Kịp thời phát hiện vướng mắc khi thực hiện chính sách dân tộc
Tin tức - Ngày đăng : 17:26, 08/07/2014
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hiện nay có 130 chính sách dân tộc, được thể hiện qua 177 văn bản, tại 37 nghị định và nghị quyết của Chính phủ, 140 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Ủy ban Dân tộc quản lý 9 chính sách và các bộ, ngành quản lý 121 chính sách.
Các chính sách dân tộc khá đầy đủ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn dân tộc và miền núi. Cơ chế chính sách đã từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ; từ cho không chuyển sang cho vay. Nhờ đó, vai trò của người dân và đối tượng thụ hưởng được phát huy, tạo được sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương trong các khâu xây dựng, thực hiện, kiểm tra và đánh giá chính sách.
Các chính sách do Ủy ban Dân tộc trực tiếp quản lý đã đi vào cuộc sống và phát huy tích cực góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho đồng bào, từng bước giảm nghèo, chuyển đổi nghề, nâng cao nhận thức và năng lực sản xuất cho người dân, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tăng cường khối đại đoàn kết, giữ vững lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu nhận định, việc thực hiện các chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý còn một số khó khăn như việc bố trí nguồn vốn chưa đảm bảo theo kế hoạch thiếu đồng bộ, định mức thấp và không thống nhất với các chính sách đang triển khai trên địa bàn. Kinh phí thực hiện các chính sách vùng dân tộc và miền núi chưa được lồng ghép. Đối tượng thụ hưởng nhiều nhưng nguồn lực cấp chưa đủ vốn...
Ủy ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ xem xét cấp kinh phí năm 2014, 2015 cho các chính sách đang thực hiện ở vùng dân tộc và miền núi. Đối với chính sách dân tộc giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2030, Chính phủ cho phép xây dựng các đề án, chính sách theo hướng đa mục tiêu dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực và giảm dần đầu mối văn bản quản lý. Từ chính sách hỗ trợ sang trọng tâm là chính sách đầu tư. Những vùng khó khăn cần có các dự án trọng điểm cụ thể, giảm bớt các đầu mối quản lý, đảm bảo tập trung nguồn lực thực hiện chính sách; có quy chuẩn cụ thể ưu tiên và tính đặc thù trong từng chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi...
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Báo cáo về tình hình vùng dân tộc thiểu số và một số vấn đề thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Báo cáo rà soát chính sách dân tộc hiện hành và đề xuất chính sách giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Dân tộc. Hai báo cáo đã đánh giá tổng thể, khái quát những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại hạn chế và đề xuất nhưng giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước là vấn đề chiến lược, cơ bản không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kết quả đạt được của chính sách dân tộc sẽ quyết định sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước; thể hiện tính ưu Việt của chế độ... Do vậy, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hiệu quả, từ cương lĩnh, Hiến pháp đến các Luật, các chính sách, dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào dân tộc... Nhờ đó, chính sách dân tộc đã phát huy hiệu quả thiết thực đối với đồng bào dân tộc nói riêng và đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung.
Chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ hiện nay có quá nhiều chính sách được ban hành nhưng chồng chéo; nhiều chính sách ban hành thiếu tính khả thi; cơ chế phối hợp chưa tốt; bố trí nguồn lực chưa tương xứng, sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả; kiểm tra đôn đốc thực hiện chính sách dân tộc chưa sát...
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc rà soát, đánh giá lại các chính sách dân tộc đã triển khai; tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị các biện pháp xử lý để làm tốt hơn, hiệu quả hơn chính sách dân tộc thời gian tới.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan chăm lo tốt hơn nữa đời sống và sản xuất cho đồng bào dân tộc; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; chú trọng công tác đào tạo cán bộ cho vùng đồng bào dân tộc; đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp với đặc thù từng vùng, miền...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tính toán lại, bố trí tối đa nguồn lực để triển khai hiệu quả chính sách dân tộc thời gian tới.
Lưu ý các bộ, ngành liên quan phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng dự thảo kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ sẽ có Chỉ thị xác định nhiệm vụ trọng tâm và những công việc các bộ, ngành liên quan phải làm thời gian tới để thực hiện chính sách dân tộc hiệu quả hơn...