Brazil thảm bại: Sai lầm hệ thống của Scolari
Quốc tế - Ngày đăng : 17:19, 09/07/2014
Đồng thời, HLV này cũng nhận tất cả trách nhiệm về bản thân. Nhưng trong “thảm họa” của Selecao, Scolari không phải người mắc lỗi duy nhất? “Tôi là người quyết định đội hình xuất phát, chiến thuật của đội. Đó đều là lựa chọn của tôi.” Scolari thừa nhận. “Chúng ta cũng không nên tìm cái cớ cho thất bại này từ Neymar.”
Scolari được Brazil bổ nhiệm làm HLV trưởng vào tháng 11/2012 với nhiệm vụ rất rõ ràng, đưa Selecao lên ngôi vô địch thế giới trên sân nhà sau đó gần 2 năm. Trong suốt thời gian chuẩn bị, HLV này được toàn quyền quyết định. Ông có đủ thời gian và quyền lực để đưa ra những lựa chọn cho bản thân và Selecao. Kết quả chứng minh, Scolari đã sai và không có cách nào để sửa sai. Thất bại 1-7 trước Đức giống như cái kết không thể tránh khỏi của cả một quá trình sai lầm, chỉ có điều, nó nghiệt ngã hơn người ta tưởng.
Rất dễ để đổ lỗi cho Scolari, hay chỉ trích các sai lầm của HLV này sau khi ông đã thất bại. Nhưng thực tế, trước khi gặp người Đức, Scolari đã vấp phải nghi ngờ ngay từ khâu triệu tập cầu thủ, cho đến trận khai màn VCK, cũng như trận knock-out đầu tiên.
Một loạt vấn đề được đưa ra, nhưng đáp lại là sự bảo thủ, cứng nhắc đến khó hiểu của Scolari. Có thể Brazil đang bước vào giai đoạn thiếu hụt nhân tài trầm trọng, nhưng nó không có nghĩa Big Phil không có đủ những con người chất lượng và buộc phải biến Brazil thành một cỗ máy như chúng ta đã thấy.
Không ai hiểu tại sao Scolari lại đẩy Neymar vào giữa, “cướp” chỗ của Oscar, cũng như việc ông đặt niềm tin mù quáng vào Fred và Jo. Hulk, một cầu thủ đã quen chạy cánh phải, với những pha ngoặt bóng sở trường bó vào trong để dứt điểm, cũng không thể thích nghi bên cánh đối diện và gây thất vọng.
Ở tuyến giữa, một Hernanes tài hoa bậc nhất Serie A được gọi lên cho có, bất chấp việc những Paulinho, Fernandinho thay nhau gây thất vọng. Việc Scolari ưu tiên các “máy chém” hơn các “nghệ sĩ” có lẽ để phục vụ cho lối đá rất rắn mà ông xây dựng cho Brazil, lối đá lấy sức bù kỹ chiến thuật. Lối đá này giống như con dao 2 lưỡi, chưa kể việc họ có được trọng tài ưu ái hay không. Khi Howard Webb bắt chặt, Brazil đã toát mồ hôi hột trước Chile, và khi được ưu ái, họ nhẹ nhàng vượt qua Colombia.
Fernandinho tệ không kém Paulinho
Hơn một lần, các chuyên gia chỉ ra sự thiếu kết dính của Brazil ở VCK năm nay, nhưng mọi góp ý đều bị bỏ ngoài tai. Sự thiếu kết dính đó là hệ quả của một quá trình thay đổi sai lầm, mà mấu chốt là việc đẩy Neymar vào trung tâm, biến tiền đạo này thành “ông hoàng” trên sân đấu. Neymar đã có những giây phút lóe sáng, nhưng thực tế, lối chơi của Brazil không vì thế mà thuyết phục hơn. So với một “nhạc trưởng” như Oscar, khả năng phối hợp đồng đội, điều phối thế trận của Neymar gần như không có.
Ngay cả việc Scolari cố gắng nhét Ramires trở lại vị trí cầu thủ chạy cánh phải cũng mang đến những câu hỏi. Hoặc HLV này quá bảo thủ, hoặc ông chỉ có bấy nhiêu bài.
Tuy nhiên, đó đều là đối thủ dưới cơ Brazil, khi gặp một đội bóng ngang tầm, có kỹ- chiến thuật đều tốt như Đức, kiểu đá “phổi bò” của Selecao ngay lập tức bị đối phương khai thác triệt để. Trong thất bại trước Đức đêm qua, ngay cả cơ hội để Brazil phạm lỗi cũng không có. Cả trận, họ chỉ 11 lần khiến trọng tài cắt còi, tức bằng 1/3 trận đấu với Colombia.
Sai lầm tiếp theo của Scolari, cụ thể trong trận đấu với Đức là không biết mình biết người. Scolari đã để Brazil nhập cuộc như thể họ đá với những Chile, Mexico hay Cameroon, bất chấp việc không có lực lượng mạnh nhất. HLV này hoặc đánh giá quá cao đội bóng của ông, hoặc không tìm hiểu bất cứ điều gì về Đức, một trong những đội tuyển lầm lì và khó đoán nhất năm nay.
Nhiều người cho rằng sức ép từ người hâm mộ khiến Scolari phải như thế. Đó là quan điểm sai lầm. Không người hâm mộ nào thích Brazil đá “chém đinh, chặt sắt”, nhưng Scolari vẫn yêu cầu các học trò làm thế. Nếu có sức ép, thì đó là sức ép buộc phải thắng. Mà với sức ép như thế, Scolari càng phải thận trọng hơn khi nhập cuộc, thay vì lao lên để rồi lộ sơ hở, và cuối cùng là vỡ trận.
Tất nhiên, nếu chia trách nhiệm trong thất bại của Brazil thành 10 phần, Scolari chiếm 7 thì các học trò của ông cũng phải gánh 3. Trong một đêm đen tối, hầu hết các vị trí của Brazil đều mắc sai lầm, không lớn thì bé, họ đều chơi dưới sức (hay đúng sức?). Ấu trĩ nhất là David Luiz, người đeo băng đội trưởng Selecao ở trận này. Vẫn là một Luiz người ta thường nói đến ở Chelsea, thường xuyên bỏ vị trí, mắc lỗi kèm người và ham tấn công. Khi không có một Thiago Silva đẳng cấp bọc lót, Luiz trở thành “miếng mồi ngon” cho đối thủ săn đuổi.
Luiz không thể thay thế Silva
Trong bàn thua đầu tiên của Brazil, David Luiz không những bỏ quên Muller, mà còn tự mình phá ngang hàng phòng ngự đội nhà khi cố gắng đuổi theo tiền đạo người Đức. Bàn thứ 2, Luiz đi bộ kể từ khi Kroos nhận bóng cho đến khi Klose ghi bàn. Một khoảng trống mênh mông ở sau lưng trung vệ này bị khai thác dễ dàng... Brazil bắt đầu sụp đổ từ đây.
Một lần nữa các chuyên gia lại đúng, Scolari có thể không tìm cớ thất bại từ sự vắng mặt của Neymar, nhưng ông có thể đổ lỗi một phần cho án treo giò lãng xẹt của Thiago Silva. Nếu có Silva trên sân, ít nhất Brazil sẽ không thua dễ và thua đậm đến thế.
Bóng đá số