Mang cơ hội tới cho người khuyết tật

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:53, 19/07/2014

Nhiều người khuyết tật đã vươn lên sau khi được hưởng lợi từ dự án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế, xã hội và việc làm cho người khuyết tật"...



Chị Nguyễn Thị Vê ở thôn An Liệt, xã Thanh Hải (Thanh Hà) sau khi tham gia dự án được Doanh nghiệp
tư nhân Tuyết Thịnh tạo điều kiện cho mang hàng may mặc về nhà làm và sửa quần áo thêm
có thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng


Dựa án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế, xã hội và việc làm cho người khuyết tật" do Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha tài trợ đã mang đến cơ hội cải thiện cuộc sống vật chất và tinh thần cho nhiều người khuyết tật, giúp họ vươn lên trong cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tạo thu nhập ổn định


Anh Hoàng Văn Vân sinh năm 1981 ở thôn Bắc, xã Cổ Dũng (Kim Thành) không may mắn như nhiều người khác khi mắc một dị tật ở chân trái, đi lại hết sức khó khăn. Để vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, anh Vân đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự cố gắng của bản thân cộng với sự cảm thông chia sẻ của người thân và cộng đồng, đến nay anh đã có một gia đình hạnh phúc, tự lập về kinh tế, nuôi dạy 2 con ăn học đàng hoàng. Thời gian trước, vợ chồng anh Vân chỉ trông vào cửa hàng bán hoa nhỏ tại nhà để trang trải cuộc sống. Anh cũng tự tìm hiểu sửa chữa đồ điện tử cho bà con trong xóm nhưng cũng chỉ làm cho vui chứ thu nhập chẳng đáng là bao. "Từ năm 2012, được tham gia dự án “Hỗ trợ hòa nhập kinh tế, xã hội và việc làm cho người khuyết tật" do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh tổ chức, tôi đã được học nghề sửa chữa điện tử bài bản và đầy đủ hơn. Khi dự án kết thúc, tôi được hỗ trợ một bộ bàn ghế và dụng cụ sửa chữa tại nhà. Sau khi học, tay nghề của tôi đã được nâng lên, nhiều người từ xa cũng mang đồ đến sửa chữa. Hiện tại, công việc này mỗi tháng mang đến cho tôi nguồn thu nhập từ 1-2 triệu đồng. Đối với một người khuyết tật (NKT) như tôi, kiếm thêm từng ấy tiền giúp vợ con là niềm hạnh phúc rất lớn", anh Vân vui vẻ cho biết.

Chị Nguyễn Thị Anh năm nay 43 tuổi ở thôn An Lư, xã Đồng Quang (Gia Lộc) cũng là một người chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Từ khi sinh ra, chị đã bị cong vẹo cột sống, đi lại khó khăn và chỉ làm những việc nhẹ nhàng. Chồng chị Anh sức khỏe cũng không tốt, hằng ngày ai thuê gì làm nấy. Trước đây, chị Anh có một chiếc máy may cũ và thường chỉ dùng để sửa chữa quần áo cho bà con trong xóm. Tháng nào cao nhất chị cũng chỉ kiếm được vài trăm nghìn. Năm 2013, sau khi tham gia dự án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế, xã hội và việc làm cho NKT", chị Anh đã có thể tự cắt may tại nhà. Do đủ điều kiện, chị Anh đã được dự án hỗ trợ miễn phí máy vắt sổ và máy may. Chị cho biết: "Được học nghề và có phương tiện làm việc tôi đã có thể kiếm được từ 2-3 triệu đồng/tháng. Việc nuôi dạy con cái ăn học cũng đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Hiện nay, một số người trong xóm có nhu cầu tôi còn nhận dạy nghề với mục đích giúp đỡ là chính".

Dự án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế, xã hội và việc làm cho NKT" do Hội CTĐ Tây Ban Nha tài trợ giai đoạn 1 được triển khai từ tháng 4-2012 đến tháng 12-2013 tại 3 huyện Kim Thành, Thanh Hà và Gia Lộc. Dự án đã giúp 125 NKT đủ điều kiện được tham gia học 8 nghề khác nhau như: cắt may, cắt tóc, sửa chữa điện tử, điện dân dụng... Tham gia dự án, họ còn thường xuyên được khám, tư vấn sức khỏe miễn phí; 9 người được hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình như nẹp chân, sơ men cân bằng chân và tập vật lý trị liệu tại Trung tâm Vietcot Hà Nội; 9 người được hỗ trợ máy trợ thính. Đặc biệt, 18 NKT trong số đó đã được tham gia lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, đủ điều kiện được hỗ trợ bộ dụng cụ kinh doanh (máy móc, trang thiết bị mở cửa hàng riêng) với giá trị 6 triệu đồng/người. Có 3 doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho NKT theo chương trình của dự án, ngoài số tiền hỗ trợ theo quy định còn được nhận kinh phí để cải thiện điều kiện tiếp cận cho NKTvới số tiền 8 triệu đồng/doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, cán bộ điều hành dự án của Hội CTĐ tỉnh cho biết: "Sau khi được tham gia dự án, NKT đã tự tin, cởi mở, thân thiện hơn, xóa bỏ mặc cảm, tự ti. Có 95 trong tổng số 125 NKT tham gia học nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định. Trong đó, nhiều người được các doanh nghiệp đào tào nhận vào làm lâu dài".

Để niềm vui nối tiếp niềm vui


Từ những kết quả đạt được trong giai đoạn 1 của dự án, Hội CTĐ Tây Ban Nha tiếp tục hỗ trợ kinh phí, điều kiện để Hội CTĐ tỉnh triển khai giai đoạn 2 từ tháng 4-2014 đến tháng 9-2015 . Lần này, dự án sẽ được triển khai ở 2 huyện Thanh Hà và Cẩm Giàng. Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp với Hội CTĐ 2 huyện trên tổ chức các buổi tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của dự án; hội thảo nâng cao nhận thức cho gia đình NKT; phỏng vấn lựa chọn người sẽ được hưởng lợi. Theo đó, 90 NKT tại các địa phương trên đã được lựa chọn tham gia dự án trong giai đoạn này. Trong tháng 7-2014, Hội CTĐ tiếp tục tổ chức chương trình định hướng nghề nghiệp cho NKT tham gia. Tuy nhiên, theo cán bộ của Hội CTĐ tỉnh, trong buổi phỏng vấn lựa chọn người hưởng lợi, hầu hết NKT đều có nhu cầu học 2 nghề chính là may công nghiệp và tẩm quất. Chị Lê Thị Thúy ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) bị mờ một mắt, cũng là NKT được lựa chọn tham gia dự án giai đoạn 2 này cho biết: "Nhà tôi đang có 2 mẹ con. Do bệnh lý tôi không có việc làm ổn định để có thể tự lập về kinh tế, cuộc sống của cả 2 mẹ con đều phải phụ thuộc vào bố mẹ tôi. Tôi mong muốn được học nghề may. Dù khả năng nhìn mọi vật của tôi bị giảm sút nhưng nếu được kèm cặp, chỉ bảo chắc chắn tôi sẽ làm tốt".

Với mục đích cải thiện việc làm cho NKT dựa theo khả năng và nguyện vọng của họ, dự án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế, xã hội và việc làm cho NKT" là dự án phù hợp, mang tính nhân văn sâu sắc. Tham gia dự án, NKT còn được cung cấp một số dụng cụ hỗ trợ, tư vấn y tế miễn phí nhằm cải thiện tình trạng khuyết tật. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được tạo điều kiện, hỗ trợ về kinh phí trong quá trình đào tạo NKT. Năng lực của cán bộ Hội CTĐ được nâng lên...

PV