Hai chủ đò tranh chấp, giải quyết mãi chưa xong

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 05:23, 20/07/2014

Do xã buông lỏng quản lý bến đò Nhân qua sông Văn Úc nên đã dẫn đến tình trạng “một bến, hai đò”...



Con đò của bà Nghĩa và một số hộ dân (phải) hiện không được cấp phép hoạt động


Thời gian qua, một số hộ dân ở xóm Đồng Ngành, xã Hợp Đức (Thanh Hà) có đơn kiến nghị gửi các cấp về việc lãnh đạo UBND xã cho phép họ đóng đò mới thay thế con đò cũ đã xuống cấp để phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, khi đò đóng xong phải nằm “đắp chiếu” tại bến do xã không cấp phép cho hoạt động.

Một bến, hai đò

Xã Hợp Đức có bãi soi Đồng Hạ, ngoài đê sông Văn Úc. Muốn sang bãi soi chỉ có một con đường duy nhất là đò Nhân qua sông Văn Úc. Để thuận tiện cho việc gieo trồng, giảm công đi lại, trên 40 hộ dân xã Hợp Đức và trên 20 hộ dân xã Thanh Bính chuyển sang sinh sống hẳn bên bãi soi. Từ năm 2003 đến cuối năm 2013, ông Trịnh Văn Sơn và Đặng Văn Đang (ở xã Hợp Đức) đã 2 lần ký hợp đồng có thời hạn 5 năm chuyên chở đò phục vụ nhân dân sinh sống ở bãi soi, với mức thù lao 50 kg thóc/hộ/năm. Trước khi hết hạn hợp đồng vài tháng, bà Nguyễn Thị Nghĩa, xóm trưởng xóm Đồng Ngành đã nhiều lần lên UBND xã xin phép được đóng đò mới. Lý do bà Nghĩa đưa ra là con đò của ông Đang, ông Sơn đang dùng đã cũ nát, không bảo đảm an toàn. Theo như đăng kiểm, con đò này chỉ chở được khoảng 5 -6 người, 6 tạ hàng nhưng thường xuyên chở gấp 2-3 lần tải trọng cho phép. Lãnh đạo UBND xã yêu cầu bà Nghĩa phải tổ chức họp, nếu nhân dân đồng ý đóng đò mới thì xã sẽ cho phép. Ngày 5-11-2013, bà Nghĩa tổ chức họp dân bàn về việc đóng đò mới với sự tham gia của Phó Chủ tịch HĐND, UBND xã và 32 người dân trong xóm. Tại cuộc họp, ông Đang không nhất trí việc đóng đò mới mà chỉ hứa cơi nới, nâng cấp đò và 2 bên đầu bến để phục vụ nhân dân, còn ai có nhu cầu đóng đò mới thì ông nhường. Còn ông Đặng Văn Đằng xin đứng ra đóng đò mới và nếu được đưa vào sử dụng sẽ thu 1 tạ thóc/hộ/năm. Một số hộ dân không đồng tình với ý kiến của ông Đằng, bà Nghĩa nên bỏ về. Ngày 7-11-2013, bà Nghĩa làm đơn ra UBND xã xin xác nhận để về đóng đò mới và được Chủ tịch UBND xã Lê Văn Hiền ký xác nhận. Ông Hiền cho biết có chỉ đạo miệng, yêu cầu bà Nghĩa về tiếp tục tổ chức họp dân nhưng ngay ngày hôm sau, bà cùng các ông Nguyễn Văn Lai, Đặng Văn Đằng lên một cơ sở đóng tàu tại TP Hải Dương thuê đóng đò, đặt cọc trước 117 triệu đồng. Cùng thời điểm đó, ông Đang cũng đi đóng một con đò mới. Ngày 13-12-2013, con đò của ông Đang về bến trước đò của bà Nghĩa. Ông Đang cho biết, sau cuộc họp ngày 5-11-2013, ông đi tìm mua đò cũ đủ tiêu chuẩn chở khách ở một số xã xung quanh nhưng không được nên buộc phải đóng đò mới. Việc này ông có báo cáo với lãnh đạo UBND xã và được Chủ tịch UBND xã cấp giấy để lên Sở Giao thông vận tải xin cấp phép, đăng ký, đăng kiểm. Còn việc bà Nghĩa đóng đò mới, hơn chục ngày sau ông mới biết. Hiện con đò của ông Đang vẫn hoạt động phục vụ nhân dân do ngày 7-11-2013 ông đã làm hợp đồng chuyên chở trong thời hạn 10 năm, mức thù lao 70 kg thóc/hộ/năm.

Bà Nghĩa bức xúc vì lãnh đạo xã đồng ý cho bà tổ chức nhân dân đi đóng đò mới nhưng không hiểu sao ông Đang lại có giấy phép của xã để xin Sở Giao thông vận tải làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm. Số hộ đứng tên đóng đò đã vay mượn, đầu tư hơn 300 triệu đồng nhưng nay con đò lại bị "đắp chiếu", không được hoạt động.

Quản lý yếu kém

Để giải quyết vấn đề “một bến, hai đò” này, lãnh đạo huyện Thanh Hà và xã Hợp Đức đã nhiều lần tổ chức đối thoại với toàn thể người dân Đồng Ngành cũng như với các chủ đò. Tại các cuộc họp, huyện, xã đều thống nhất chủ trương “một bến, một đò” và gợi ý một trong hai bên bán đò, huyện, xã sẽ hỗ trợ một phần kinh phí. Qua rất nhiều cuộc họp, các bên vẫn chưa thống nhất được. Ông Đang cho rằng, con đò của ông có đăng ký, đăng kiểm đầy đủ. Hơn nữa, ông đã bán 3/4 con đò cho trên 60 hộ dân của xóm Đồng Ngành và xã Thanh Bính, các hộ này không đồng ý bán lại đò. Ông cũng đã có hợp đồng chuyên chở với các hộ. Bà Nghĩa cho biết hiện đã có người muốn mua đò với giá gần 400 triệu đồng nhưng bà không bán, vì đò này được đóng ra là để phục vụ nhân dân. Chủ tịch UBND xã đã đồng ý cho bà và các hộ dân đóng đò mới thì phải cho đăng ký đò, trích mục bến để đò hoạt động.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều hộ dân ở xóm Đồng Ngành cho biết họ không đồng ý để bà Nghĩa đóng đò. Con đò bà Nghĩa đóng chủ yếu do anh em ruột của bà góp tiền vào. Bà Mai Thị Loan (sinh năm 1966), một hộ dân ở Đồng Ngành cho biết: “Ngày 8-11-2013, gia đình tôi tổ chức cưới cho con trai, anh Lai cùng một số người nữa vừa là họ hàng của bà Nghĩa vừa là họ nhà tôi bảo vợ chồng tôi ký vào một tờ đơn để bà Nghĩa đi xin tài trợ về đóng đò, nhân dân không phải đóng góp. Nhưng thực tế không hề có tiền tài trợ".

Phần lớn các hộ dân xóm Đồng Ngành nhất trí chỉ đi đò của ông Đang. Bởi theo họ, ông Đang đã làm công việc này hơn chục năm nay và ông phục vụ bà con tận tình. Nếu ông Đang không được chở đò nữa, họ sẽ tự sắm phương tiện qua sông chứ nhất định không đi đò của ông Đằng, bà Nghĩa.

Theo chúng tôi, để xảy ra tình trạng này, lỗi trước hết thuộc về UBND xã, bởi xã đã buông lỏng quản lý bến đò Nhân từ nhiều năm nay, để các hộ dân tự quyết định thuê người chở đò, tự thỏa thuận mức phí... Trong vòng hơn 10 năm qua, ông Đang cũng đã ba lần bị các ngành chức năng của huyện Thanh Hà đình chỉ hoạt động do không đáp ứng được các yêu cầu về chuyên chở, bảo đảm an toàn cho hành khách, nhưng ông không chấp hành. Xã cũng không có biện pháp gì yêu cầu ông Đang phải chấp hành quyết định trên. Chủ tịch UBND xã xác nhận đồng ý cho bà Nghĩa đóng đò mới khi hợp đồng giữa các hộ dân với ông Đang chưa được thanh lý. Xã cũng đã biết việc bà Nghĩa cùng một số hộ khác đóng đò mới nhưng vẫn đồng ý và cấp giấy cho ông Đang đi đăng ký, đăng kiểm con đò mới của mình. Khi sự việc xảy ra, xã không có biện pháp xử lý dứt điểm, gây khiếu kiện vượt cấp kéo dài, mất ổn định ở địa phương.

PV