Người yêu cũ
Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:21, 22/07/2014
Mai chị đi công tác ở Lào Cai mấy ngày. Có lên Sapa nữa!
Nghe chị Hằng thông báo đến lần thứ bao nhiêu chẳng biết, tôi phì cười:
- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Đi Lào Cai rồi có cơ hội để gặp người yêu cũ…
Chị Hằng cười thẹn thùng. Chính chị đã tiết lộ cho tôi cái bí mật “tày đình” này. Ba mươi tám tuổi, vậy mà nói đến chuyện người yêu cũ, má chị cũng hồng như má con gái mười lăm. Ừ, con Mai Lan nhà chị năm nay cũng đã học lớp 9, tròn mười lăm tuổi chứ ít gì. Nhà tôi sát tường nhà chị, chắc do hợp tính, hợp tuổi nên chị em ríu rít suốt ngày. Chị Hằng bảo tuy có hai cô em gái ruột, một cô em gái chồng, nhưng chị chẳng thân, chẳng quý đứa nào bằng tôi. Kém chị Hằng đúng một giáp, tôi lúc nào cũng là con bé khờ khạo trong mắt chị, được chị chỉ bảo rất nhiều. Và ngược lại, có bất cứ chuyện gì dù vui, dù buồn trong cuộc sống, chị cũng chạy sang chia sẻ với tôi. Có hôm đêm rồi, chị còn gọi điện, réo Phương ơi, Phương ời… Chồng tôi nói đùa: "Chắc hai mụ này đồng tính quá". Chuyện đi Lào Cai của chị có tình tiết cực kỳ “éo le, giật gân” như tôi từng đùa với chị. Số là trong chuyến đi này, chị có cơ hội được gặp lại anh chàng người yêu cũ, nói chính xác hơn là mối tình đầu, mối tình học trò của chị. Chuyện kể ra thì dài lắm, nhưng đại loại có thể tóm tắt thế này: Hồi học THPT, chính xác là năm lớp 11, khi chị Hằng tròn 17 tuổi, có một anh bạn cùng trường, cũng học lớp 11 thầm yêu trộm nhớ. Trong lời kể của chị Hằng thì anh chàng ấy đúng là một “bạch mã hoàng tử”, vừa hào hoa phong nhã, lại vừa học giỏi, hát hay. Chả thế mà chàng được giữ chức Bí thư Đoàn trường. Đám con gái trong trường khối đứa phát rồ vì chàng bí thư điển trai, ăn nói có duyên lại rất nhiều thành tích ấy. Tuy nhiên, chỉ có chị Hằng, lớp trưởng giỏi văn là lọt vào mắt xanh của chàng. Tình yêu học trò thời ấy lãng mạn và run rẩy ghê lắm. Hai người tình trong như đã, nhưng mặt ngoài còn e. Những lúc đi họp trên trường, chỉ dám liếc trộm nhau rồi lại quay đi. Trong một lần cắm trại, chàng mới bứt một chiếc lá bàng, viết bâng quơ mấy câu thơ tình rồi dúi cho nàng. Lá thư tình có một không hai ấy được nàng gìn giữ mãi, nhưng rồi đến khi hai người trục trặc thì nàng cũng đốt luôn. Điều này khiến cho chị Hằng day dứt mãi. Chuyện tình yêu tan vỡ của họ cũng thông thường như bao đôi lứa học trò khác. Đầu năm học lớp 12, “bạch mã hoàng tử” của chị phải chuyển trường theo bước chuyển công tác của hai đấng sinh thành. Thế là hai người ở cách nhau hơn trăm cây số. Tuy nhiên, khoảng cách địa lý không thể ngăn cản tình yêu học trò đầy say mê. Những lá thư bay đi bay về thường xuyên khiến bọn con gái trong trường phát ghen. Nhưng rồi, chỉ do một chút hiểu lầm cỏn con cộng với cá tính ngang bướng của cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” khiến cho chị Hằng và người ấy giận nhau. Cả hai cố tình thi gan, không ai liên lạc với ai trước… Rồi thời gian qua, trưởng thành hơn, mỗi người đều có một cuộc sống của mình… Không biết có phải định mệnh không mà sự lựa chọn nghề nghiệp của họ giống nhau đến không ngờ. Qua bạn bè chung, cả hai đều thầm theo dõi cuộc sống của nhau, nhưng lại không một lần gặp lại… Cho đến bây giờ, có một cuộc tập huấn toàn ngành, tổ chức tại Lào Cai…
Tôi vẫn nhớ vẻ mặt rất lạ của chị Hằng khi chìa cho tôi xem tờ công văn kèm theo danh sách những người tham gia tập huấn. Trong danh sách ấy có “bạch mã hoàng tử” ngày xưa của chị. Bây giờ, họ vẫn ở cách nhau hơn trăm cây số. Ngần ấy năm không hề gặp lại. Nhưng điều quan trọng hơn, khi nhận được công văn, chính anh ấy chủ động gọi điện cho chị Hằng. Nếu không có cuộc điện thoại ấy, chị cũng chả thèm quan tâm đến cái danh sách dài dằng dặc hơn trăm người… Nhìn vẻ mặt vừa hồi hộp, vừa căng thẳng của chị Hằng, tôi đã phì cười bảo: “Chị làm như đi vào chỗ chết không bằng! Làm gì mà mặt mũi trông “hình sự” thế kia”. Chị Hằng cứ trăn trở mãi: “Chị có nên đi tập huấn không nhỉ? Danh sách có rồi, nhưng mà… cứ ngại ngại thế nào ấy! Anh ấy lại bảo: "Đến Lào Cai mình gặp nhau nhé, lâu lắm rồi chẳng nhìn thấy nhau”. Tôi hỏi lại: "Chị thấy thế nào?". Chị Hằng cười ngượng nghịu: "Khó nghĩ quá!". Tôi đáp bừa: "Cứ đi đi, ảnh hưởng gì đâu cơ chứ! Tình yêu xa lắc xa lơ từ thuở học trò rồi. Em mà có người yêu cũ như chị, em cũng đi, để gặp lại nhau!". Chị Hằng hỏi: "Gặp lại nhau để làm gì?" Tôi lè lưỡi: "Thì nói chuyện, hỏi thăm nhau, ít nhất là biết nhau sống thế nào, chứ chị còn định để làm gì nữa?". "Nhưng mà chị cứ thấy… ngại quá cơ" - chị Hằng vẫn cứ băn khoăn. Tôi lại khuyên kiểu rất ấm ớ: "Vậy thì thôi, không đi nữa!". Chị lại ngồi trầm ngâm. Thật không thể hiểu nổi cái “bà già rắc rối” này (những lúc chị Hằng cứ mãi trăn trở về việc gì đó, tôi toàn gọi chị là bà già rắc rối). Sau, chị tâm sự thật rằng chẳng hiểu sao chị cũng rất muốn gặp lại anh. Bao nhiêu năm rồi, nhưng mỗi khi nghĩ đến anh là tim chị lại thấy rộn ràng, là trong ký ức lại hiện lên tuổi học trò thần tiên, đáng nhớ. Ngày ấy, cả nụ cười và nước mắt đều trong veo. Tình yêu học trò cũng trong veo. Hai đứa mới chỉ dám cầm tay nhau đúng hai lần. Giờ mà kể, chắc bọn trẻ con cười cho. Chúng sẽ không tin có một mối tình như thế.
- Chị nên mang những bộ quần áo nào đi Lào Cai nhỉ?
Giời ạ! Giờ lại đến những băn khoăn rất đàn bà ấy nữa. Tôi sang, bới tung cả tủ quần áo của chị Hằng để chọn lựa. Tất nhiên là chọn lúc anh Quân - chồng chị đi vắng. Chứ không, kiểu gì anh cũng bảo: "Chị em nhà cô hết việc để làm rồi à". Mà biết đâu, anh sẽ nghi ngờ. Bao nhiêu lần chị Hằng đi công tác rồi, có lần nào phải có “quân sư váy áo” thế này đâu. “Không sao, không sao, ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ. Chị đã đọc bài thơ này chưa? Không phải cổ vũ cho chuyện “ăn chả ăn nem” gì đâu nhá, chỉ là chút xao xuyến rất riêng tư thôi", tôi vừa xếp quần áo cho chị vừa ngân nga. Của đáng tội, thấy chị Hằng xao xuyến về cái vụ “cố nhân” này, tôi cũng thấy tò mò. Chả hiểu mười hai năm nữa, khi ở vào tuổi chị bây giờ, tôi có còn xao xuyến được hay không. Giờ chỉ mải đánh vật với con nhỏ cũng thấy mướt mồ hôi, thấy đời chẳng còn gì là thi vị nữa.
Chị Hằng đi, chả thấy điện đóm gì. Không như những lần trước, hễ đi công tác xa đến vùng nào là chị gọi điện về, ríu rít chuyện trò, kể lể, rồi hỏi tôi có thích mua cái này, cái kia không. Lần này tịnh không liên lạc gì. Tôi cười thầm nghĩ: a ha, gặp người yêu cũ có khác! Quên cô em lắm mồm này ngay. Chả biết anh chị sẽ nỉ non tâm sự những gì. Chả biết rồi sao nữa… Tôi định bụng khi nào chị về, sẽ bắt kể cho bằng hết. Nhưng rồi nhịn không nổi, cái tính tò mò cứ trỗi dậy, tôi phải nhắn tin cho chị, hỏi bâng quơ: “Chuyến đi thú vị không chị?”. Chị Hằng trả lời: “Không, buồn kinh khủng!” Thế là thế nào? Tôi đâm tò mò hơn. Cố hỏi thêm một câu: “Sao lại buồn cơ chứ?”. Thì chị bảo: “Về nhà chị kể cho mà nghe”.
Rồi chị Hằng cũng về. Nhìn chẳng có gì là tươi tắn, lấp lánh sau chuyến đi được gặp người yêu trong mộng. Cũng không còn cái vẻ ngượng ngùng trước chuyến đi. “Gặp nhau không? Thế nào hả chị?”, nghe tôi hỏi dồn, chị lại thở dài mới chán. Tôi hơi hơi chột dạ, nghĩ hay có chuyện gì không tốt đẹp xảy ra? Để kệ cho chị Hằng ngồi rũ rĩ một lúc, tôi mới nghiêm trang: “Em nghĩ là dẫu có chuyện gì đi chăng nữa, cũng chẳng việc gì mà buồn bã thế”. Chị Hằng khe khẽ thở dài… Hóa ra mọi chuyện cũng đơn giản thôi, nhưng mà bi kịch. Lúc nhận phòng xong, chị Hằng xuống nhà ăn. Mọi người đã tập trung cả ở đó. Chuông điện thoại reo, chị hồi hộp nghe, vì “hoàng tử trong mơ” của chị gọi. Anh hỏi chị đến chưa? Đang ở chỗ nào, vì nhà ăn đông đúc và ồn ào quá. Rồi hẹn lát nữa ăn xong thì đi uống cà phê… Chị vừa nghe, vừa nói, vừa đánh mắt tìm kiếm xung quanh… Và chị đã nhận ra anh, cũng đang vừa nghe, vừa nói, vừa đánh mắt kiếm tìm… Hai mươi năm đã trôi qua, hoàng tử trong mơ của chị kia! Một anh chàng bụng phệ, béo tốt và lạ lẫm. Lại còn ria mép nữa chứ! Cái nốt ruồi duyên bên má trái ngày xưa của anh, giờ cũng hóa vô duyên… Họ tiến đến gần nhau, chào nhau vẻ gượng gạo… Trong mắt anh cũng thoáng nét sững sờ. Nhận ra điều này, chị càng thêm sững sờ hơn… Thế là tan bữa ăn, chị về phòng, đứng rất lâu trước gương, buồn bã đến tận bây giờ. Vì trong đầu óc của chị, anh luôn là một “bạch mã hoàng tử” trẻ trung, điển trai, duyên dáng hút hồn. Không ngờ gặp lại, thấy hiện diện trước mình một con người khác hẳn. Rồi chị nhìn mình trong gương. Chắc hẳn trong ký ức của anh, cũng chỉ có một cô bé mười bảy tuổi mảnh khảnh, mắt trong veo, hai bím tóc cài nơ trắng lúc la lúc lắc, tà áo dài đồng phục quấn quýt từng bước chân. Chứ trong đầu anh không có chị bây giờ, một người đàn bà gần bốn mươi tuổi, thân hình sồ sề, bao nhiêu mỡ đọng ngấn ở vòng 2, má đã nhiều nốt nám và những mệt mỏi của cuộc sống thường nhật in sâu nơi những nếp nhăn nằm quanh mắt… Không có cuộc điện thoại nào của anh nữa. Lời hẹn đi uống cà phê cũng không được nhắc lại. Từ đó cho đến hết cuộc tập huấn, họ tuyệt nhiên không chạm mặt nhau, không nhìn thấy nhau. Rất may là hội trường đông. Chị chọn một góc và cứ cố thủ ở đó cho đến buổi cuối cùng…
Tôi an ủi chị Hằng: "Buồn làm gì, cuộc sống là như thế mà! Thời gian trôi chảy, đến sông cũng cạn, đá cũng mòn, bãi bể cũng thành nương dâu, huống chi con người. Đến tượng đồng, tượng đá cũng còn bị hư mòn, biến đổi theo thời gian, chứ nói chi đến tuổi trẻ và nhan sắc! Quan trọng là chúng ta đã nếm trải, đã sống có ý nghĩa quãng thời gian qua chị ạ!". Chị bảo: "Mày triết lý cứ như một cụ già ấy. Chưa đầy ba mươi cái tuổi đầu mà suy tư gớm!". Tôi ngắm chị một lúc rồi cười phá lên: "Em vẫn không thể nào nhịn được cười khi nghĩ đến sự chưng hửng của anh chàng hoàng tử của chị, khi hiện lên trước mặt không phải là công chúa ngày xưa, mà là một bà già khó tính… Còn chị cũng chưng hửng vì…". Chị Hằng đưa tay bịt miệng tôi, không cho nói tiếp, nhưng rồi cũng phá lên cười.
Truyện ngắn của VIỆT NGA