Dịch chuyển giàn khoan chưa phải bước đi cuối cùng của Trung Quốc

Tin tức - Ngày đăng : 17:00, 26/07/2014

Việt Nam cần chuẩn bị nhiều phương án để đối phó với một Trung Quốc không bao giờ chịu công nhận mình làm sai...


Cảnh giác trước mưu đồ của Trung Quốc


Ngày 26-7, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam và Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”. Tham dự có 50 học giả là những chuyên gia về luật quốc tế đến từ 12 quốc gia, đại diện một số cơ quan ngoại giao đoàn, tổ chức quốc tế và các nhà nghiên cứu của Việt Nam.




Toàn cảnh tại Hội thảo quốc tế "Những khía cạnh pháp lý liên quan đến việc sự kiện Trung Quốc
hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam"


Tại hội thảo, các học giả đều khẳng định, Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch và có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực mà trên toàn thế giới. Do vậy, việc duy trì môi trường ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông là nghĩa vụ của các quốc gia và là yếu tố quan trọng để bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế.

Với những phân tích độc lập, khách quan và khoa học, các học giả đã làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý quốc tế của sự kiện này; phân tích kỹ càng các quy định của các văn bản pháp lý quốc tế liên quan đến việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp chính trị, ngoại giao. Đồng thời thảo luận về khả năng áp dụng các biện pháp pháp lý để giải quyết các tranh chấp hiện nay trên Biển Đông; phân tích sâu sắc hơn những điều kiện, cơ chế khởi kiện và giá trị pháp lý của các phán quyết của các tòa án quốc tế cũng như các trọng tài quốc tế.



Từ trái qua: các diễn giả luật sư Pierre Shifferli,  bà Jeanne Mirer (chủ tịch Hiệp hội Luật sư
dân chủ quốc tế), GS.Ts Alexander Yankov trả lời phỏng vấn của báo giới


Giáo sư, tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh nói: “Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rõ ràng đã đặt ra những vấn đề chính trị, pháp lý. Các học giả dù ít hay nhiều cũng đều nói về khía cạnh quyền con người, về quyền lợi chính đáng của các ngư dân và cách thức mà Trung Quốc đã xử lý. Chính vì lẽ đó đòi hỏi phải có câu trả lời cho những câu hỏi mà cả dân tộc Việt Nam quan tâm”.



Các học giả trong nước và quốc tế đều nhất trí rằng việc duy trì môi trường ổn định, hợp tác và
phát triển ở Biển Đông yếu tố quan trọng để bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế


Bà Jeanne Mirer, Chủ tịch của Hiệp hội Luật sư dân chủ quốc tế (IADL), nói: “Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận mình làm sai, kể cả những cái sai mà cộng đồng thế giới lên án mạnh mẽ như việc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Và tham vọng của một nước cho mình quyền bất tuân luật pháp quốc tế vẫn còn đó”. Bà Mirer nói tiếp: “Do vậy, mặc dù giàn khoan Hải Dương 981 đã tạm dịch chuyển khỏi vùng biển Việt Nam, không ai biết trước Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo mà tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ không dừng lại. Vì vậy, ngay cả khi Trung Quốc đã dịch chuyển giàn khoan, vẫn vô cùng cần thiết để quy tụ các chuyên gia luật pháp quốc tế nhằm tìm ra phương án tối ưu nhất để đối phó với những bước đi tiếp theo rất khó lường của Bắc Kinh”.



Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao của hội nghị

Đồng quan điểm trên, luật sư Pierre Schifferli (Thụy Sỹ) cảnh báo: “Việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan vẫn chưa phải là kết thúc của câu chuyện. Điều cần kíp là cần phải thống nhất hành động nào tiếp theo để ngăn chặn những động thái tương tự trong tương lai của Bắc Kinh. Biện pháp pháp lý là một lựa chọn, nhưng chúng ta cũng không nên bỏ qua nhiều khả năng khác”.



Trung tướng Anup Singh (bìa phải, nguyên tổng tư lệnh hải quân miền Đông Ấn Độ) trao đổi với các đại biểu

Giáo sư Alexander Yankov, nguyên thành viên của Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) đúc kết: “Một khi đã đạt được đồng thuận về các hành động đó, chúng ta cần phải tiến hành ngay. Ngay từ hôm nay hoặc ngày mai. Tôi e rằng thậm chí nếu để đến ngày kia cũng đã là quá muộn”.

Mỹ kêu gọi tránh hành động leo thang mới tại Biển Đông

Ngay sau khi Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tuần trước, Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh động thái “giảm nhiệt” này của Trung Quốc. Ngày 25-7 (giờ Việt Nam), Washington một lần nữa ghi nhận tình hình căng thẳng tại Biển Đông có giảm bớt “đôi chút” nhưng tiếp tục kêu gọi các bên tránh có thêm những hành động leo thang mới. Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Washington, bà Marie Harf, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận rằng, Biển Đông vào thời điểm hiện nay có “hơi khác” so với lúc Trung Quốc gia tăng các hành động gây “căng thẳng” và “bất ổn định” nhằm mục tiêu “thay đổi nguyên trạng". Dù ghi nhận tình hình căng thẳng đã giảm phần nào nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tiếp tục kêu gọi các bên dùng biện pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp, và tránh “mọi hành động leo thang mới".

Trong thời gian qua, Quốc hội cũng như chính quyền và ngành ngoại giao Mỹ đã liên tục tố cáo Trung Quốc có những hành động khiêu khích làm cho tình hình Biển Đông mất ổn định. Theo nhiều nhà phân tích, sức ép này của Mỹ đã góp phần thúc đẩy Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam của Việt Nam hôm 15-7.

PHƯƠNG LINH (tổng hợp)