Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Xã hội - Ngày đăng : 10:05, 03/08/2014
Hiện tượng cuồng thần tượng khá phổ biến ở giới trẻ. Nguyên nhân sâu xa là do các em phụ thuộc thái quá vào các trò giải trí trên các phương tiện truyền thông, chưa tìm được con đường đi cho mình cũng như chưa xác định được mục tiêu của cuộc đời. Cùng với đó là sự tác động chưa thực sự hiệu quả của việc giáo dục từ gia đình và xã hội. Trẻ ở tuổi vị thành niên dễ bị lôi cuốn bởi những thứ mới mẻ, hào nhoáng bên ngoài, vì thế nhiều em chưa thực sự hiểu về thần tượng nhưng vẫn tôn sùng vì chịu ảnh hưởng của “hiệu ứng đám đông”, thích a dua. Nhiều em còn cho rằng, phải biết hâm mộ mới là “sành điệu” vì ai ai cũng hâm mộ thần tượng, nếu mình không hâm mộ sẽ bị cho là “quê”. Mặt khác, hiện nay sức ép học tập từ phía gia đình, nhà trường lên học sinh rất lớn. Nhiều em mất dần động cơ học tập, cho rằng việc học là bị ép, học cho bố mẹ chứ không phải học cho chính mình nên không hứng thú. Trong khi đó, thế giới của thần tượng lại có nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn, vì thế trẻ mong muốn được giống như thần tượng, thoải mái vui chơi, ăn mặc đẹp… Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ vì mải mê với công việc nên dành ít thời gian cho gia đình khiến con cái của họ cảm thấy thiếu vắng các mối quan hệ thực tế từ người thân. Cha mẹ cũng không quan tâm xây dựng hình tượng của mình trong mắt con cái để trẻ noi theo.
Xã hội ngày càng phát triển, trẻ em sớm được tiếp cận với công nghệ thông tin. Tuy nhiên lại có quá ít những hình tượng mẫu mực trong các lĩnh vực khoa học bổ ích… để giới trẻ ngưỡng mộ, tôn làm thần tượng. Trong khi đó trẻ có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin liên quan đến thần tượng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau đó lại dễ dàng chia sẻ với nhau ở ngoài đời và trên các diễn đàn xã hội.
Việc giới trẻ cuồng thần tượng dễ dẫn đến những hậu quả xấu. Đối với bản thân gây tốn kém tiền bạc và thời gian. Khi giới trẻ hâm mộ thần tượng, họ sẵn sàng làm mọi điều liên quan đến thần tượng của mình. Nếu không cân bằng được hành vi và cảm xúc của bản thân thì sẽ gặp những sự cố trong cuộc sống mà các bạn trẻ khó có thể vượt qua được. Việc chán chường, khủng hoảng tâm lý, trầm cảm vì thần tượng sụp đổ là điều rất dễ xảy ra. Ở tuổi vị thành niên dễ bị lôi cuốn bởi những thứ mới mẻ, hào nhoáng bên ngoài và bị ảnh hưởng rất lớn từ bạn bè, vì thế nhiều em chưa thực sự hiểu về thần tượng nhưng chịu ảnh hưởng của “hiệu ứng đám đông” nên vẫn tôn sùng. Điều này về lâu dài ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách sau này của các em.
Khi giới trẻ cuồng thần tượng đến mức độ không coi trọng bất cứ giá trị nào trong cuộc sống thì chứng tỏ cha mẹ, nhà trường và xã hội đã không còn ý nghĩa với các em. Vì thế, để trẻ tránh rơi vào tình trạng cuồng thần tượng thì "phòng bệnh” chính là cách khắc phục hiệu quả nhất. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, tìm hiểu tâm sinh lý của con ở từng lứa tuổi để có cách giáo dục và ứng xử phù hợp. Hơn cả, mỗi bậc cha mẹ cần là tấm gương để con cái thấy nể phục, kính trọng, thương yêu và chính những bậc cha mẹ cần trở thành thần tượng của con mình. Khi trẻ có những biểu hiện của hội chứng này, các bậc cha mẹ không nên ngăn cản, mắng mỏ hay cấm đoán trẻ bởi càng cấm chúng sẽ càng làm. Các bậc cha mẹ nên gần gũi, cư xử nhẹ nhàng, dần dần uốn nắn, giúp trẻ nhận thức đúng đắn về những ưu điểm cũng như khuyết điểm của thần tượng để trẻ tự biết cách cân bằng cảm xúc.
ĐỒNG THỊ YẾN (Thạc sĩ tâm lý học, Trường Cao đẳng Hải Dương)