Cánh thư bay
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 08:40, 05/08/2014
Cánh thư bay là tập truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Thu Hằng, một cô giáo ở huyện Cẩm Giàng, do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành. Phải là một tác giả rất yêu quý và hiểu biết sâu sắc về học sinh của mình mới miêu tả được những sinh hoạt "trẻ con" như vậy, qua mười hai câu chuyện. Trẻ con mới có những giấc mơ gặp bà Tiên, gặp chị Hằng, được nhận búp bê Baby, được ăn kẹo (Có một giấc mơ biết bay), được biết đến một Thiên sứ tương lai cứu chim chích chòe sống lại, niềm vui của Út Lâm (Giấc mơ lạ). Sinh hoạt trẻ thơ thật hồn nhiên và giàu tính cách. Cu Hưng chơi ve sầu có tiếng. Cây nhãn già nua của bà Mười xóm Chùa là tổ ve cho Hưng. Cậu ta hào phóng tặng ve cho cả đứa cháu gái bà Mười mới quen. Cô bé rất thích thú. Nhưng khi Hưng đem ve nướng mời ăn thì cô nhất định không ăn và mắng anh là ác (Thực đơn mùa hè). Còn anh chàng Mạnh "mẽ", tưởng là bạo lắm, chẳng sợ ao chùa, gốc đa nhiều ma bao giờ. Ấy thế mà khi thấy hai bóng bạn gái vốn yếu bóng vía xuất hiện giữa đêm đen, chính cậu ta lại chạy, sợ vãi đái cả ra quần (Anh hùng thỏ đế). Chuyện Hoa lộc vừng là một bài học sinh động về việc ươm cây, trồng cây, được cô giáo hết lời khen ngợi.
"Cánh thư bay còn có những câu chuyện gắn với thời sự mà trong những ngày Biển Đông nóng bỏng, người đọc không thể bỏ qua". |
|
Trong tập truyện, có những câu chuyện kể khá cảm động. Chuyện của Mai, đã từng được giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi viết "Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2011, kể lại, mẹ Mai chuyên nghề đi thu gom sắt vụn bán lấy tiền nuôi em ăn học. Mẹ không thể sánh với các bà mẹ khác có con học cùng lớp. Lại không có cả thì giờ đi họp phụ huynh như lời mời của cô giáo. Nhưng qua bài văn của Mai về người em yêu thương nhất, cô giáo và các bạn rất cảm động, nhận ra vẻ đẹp đáng quý ở người phụ nữ này. Hay chuyện Khách chưa qua đò nói về trường hợp bạn Phú, bố bị tai nạn lao động qua đời, em phải bỏ học để đi làm phụ vữa, góp phần nuôi hai em ăn học. Rồi Phú lại cố gắng sắp xếp thời giờ đi học bổ túc, được thầy rất quý. Bó hoa mà Phú mua tặng thầy nhân ngày 20-11 ấy thật nhiều ý nghĩa...
Cánh thư bay còn có những câu chuyện gắn với thời sự mà trong những ngày Biển Đông nóng bỏng, người đọc không thể bỏ qua. Đó là tình cảm của người dân trong đất liền đối với người lính đảo xa. Nhà trường phát động các em viết thư gửi các chú bộ đội ở đảo Trường Sa. "Cứ như thế, hai tháng viết một lá, đều như vắt chanh... Chỉ cần được viết thư cho các chú, lá thư được bay đến Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió đó là ai cũng thấy hãnh diện trong lòng...". Thế rồi các em nhận được thư của chú bộ đội Trường Sa có tên là Cánh Sóng, "cảm ơn các em đã làm dịu đi nỗi nhớ nhà trong lòng lính đảo và làm tăng thêm nhiệt huyết cho bọn anh với đảo quê hương". Và lá thư Trường Sa đã nên duyên nên nghĩa. Cánh Sóng sau này trở thành chú Kiên. "Thích quá, lúc nào chú về, cháu phải đòi chú kể chuyện ngoài đảo cho nghe mới được".
Dịu dàng, nhỏ nhẻ, toàn chuyện tuổi học trò. Cánh thư bay rất dễ đến với các em đang ngồi trên ghế nhà trường bậc THCS và có tác dụng giáo dục tốt.
VƯƠNG BẠCH