Phát huy giá trị các di tích cách mạng

Di tích - Ngày đăng : 02:51, 25/08/2014

Do chưa chú trọng việc quảng bá cũng như công tác trùng tu, tôn tạo nên nhiều di tích cách mạng của tỉnh còn ít người biết đến...


Hiện di tích cách mạng đình Đầu, xã Hợp Tiến (Nam Sách) vẫn chưa có người giới thiệu, thuyết minh cho khách

Mặc được quan tâm bảo tồn, song việc khai thác, phát huy giá trị của các di tích cách mạng ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế.  

Nhiều di tích

Theo thống kê của Phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tỉnh ta hiện có trên 120 di tích cách mạng, kháng chiến. Trong đó, có 2 di tích, địa điểm thuộc giai đoạn từ 1930 trở về trước là nhà số 3 phố Chợ Tây (nay là số 45 Bùi Thị Cúc) và số 17 phố Đông Môn (nay là phố Phạm Hồng Thái, đều ở TP Hải Dương); 10 di tích gắn với giai đoạn 1930 -1945 như: đình Đọ Xá, phường Hoàng Tân (Chí Linh), nơi thành lập một trong 3 chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh; nhà cụ Lê Thị Thạnh ở thôn Đầu, xã Hợp Tiến (Nam Sách), nơi thành lập Tỉnh ủy lâm thời ngày 10-6-1940; 9 địa điểm, di tích in dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn nhiều đình, chùa là những địa điểm tổ chức các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh trong thời kỳ đầu kháng chiến.

Những năm qua, công tác đánh giá, xếp hạng các di tích cách mạng, kháng chiến luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Đến nay, tất cả các di tích liên quan đến các sự kiện cách mạng đã được kiểm kê. Nhiều di tích được công nhận xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh  như: đình Đông (xã Thanh Tùng, Thanh Miện), đền Từ Hạ (xã Thanh Bính, Thanh Hà), chùa Trâm Khê (Bình Giang)... Một số di tích, địa điểm được gắn biển, dựng bia ghi nhớ. Năm 2009, thị xã Chí Linh đã khôi phục và tôn tạo đình Đọ Xá với kinh phí trên 30 tỷ đồng. Năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Thanh Hà tu bổ di tích đền Từ Hạ (xã Thanh Bính). Năm 2011, khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn An Rặc, xã Hồng Thái (Ninh Giang) được xây dựng trên diện tích trên 1,5 ha. Các địa phương được Bác Hồ về thăm như Nam Chính (Nam Sách), Hiệp Lực (Ninh Giang), Ái Quốc (TP Hải Dương) đã xây dựng nhà lưu niệm, tượng đài kỷ niệm...

Vắng du khách

Xã Hợp Tiến (Nam Sách) và cụm di tích đình Đầu gắn liền với nhiều sự kiện cách mạng quan trọng, là nơi đặt Ban Cán sự Đảng của Liên tỉnh B (Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hồng Quảng), nơi thành lập Chi bộ Tạ Xá ngày 19-5-1940, nơi thành lập Phủ ủy Nam Sách ngày 30-7-1940. Đình, chùa, nhà trưng bày, nhà mẫu, nhà văn hóa ở đây đã được xây dựng khang trang. Các hạng mục phụ trợ như cổng, tường bao, sân vườn đang trong quá trình hoàn thiện. Anh Nguyễn Thế Thập, cán bộ văn hóa xã cho biết, là di tích cách mạng trọng điểm, năm 1992, cụm di tích đình Đầu đã được xếp hạng quốc gia. Từ năm 2011, cụm di tích được cấp trên quan tâm trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 40 tỷ đồng. Hằng năm, vào các dịp lễ, kỷ niệm, cụm di tích đón hàng chục đoàn cán bộ trong tỉnh đến tham quan. Cụm di tích còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử cho học sinh các trường ở địa phương. Tuy nhiên, lượng khách đến với di tích khá khiêm tốn (khoảng 1.000 lượt người/năm), chủ yếu là con em xa quê. Khu di tích hiện không có người giới thiệu, thuyết minh cho khách. Do nhà truyền thống chưa hoàn thiện nên các hiện vật vẫn để ở nhà văn hóa thôn.


Đình Đông (Thanh Miện) là di tích cách mạng nhưng còn ít người biết


Tương tự, di tích đình Đọ Xá được xây dựng và hoàn thiện năm 2013 nhưng ngoài con em quê hương thì khách đến tham quan, chiêm bái không nhiều. Bởi vậy di tích không có người trông coi thường xuyên. Ai muốn đến làm lễ thì gọi điện thoại cho thủ đền ghi trên cửa.

Theo ông Nguyễn Đức Ngọc, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Nam Sách, huyện hiện có hàng chục di tích liên quan đến các sự kiện cách mạng, trong đó có 2 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Tuy nhiên, các di tích cách mạng này chưa trở thành nơi sinh hoạt chính trị thiết thực, ý nghĩa. Công tác quản lý, quảng bá về di tích chưa được chú trọng, chưa có người thuyết minh, giới thiệu. Bởi vậy số người biết và đến với các di tích, ngay cả người dân địa phương chưa nhiều. Ý thức, trách nhiệm của người dân với các di tích cũng chưa cao.

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch hệ thống di tích cách mạng và kháng chiến, ghi nhận bằng hình thức xây dựng tượng đài, đài chiến thắng, gắn bia, biển còn chậm. Ấp Dọn, xã Thái Dương (Bình Giang) là một ví dụ. Đây là nơi đồng chí Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng từng hoạt động và xây dựng cơ sở cách mạng, in báo Công Nông năm 1932 - 1933. Thế nhưng, đến nay nơi đây chưa được xếp hạng di tích cách mạng, chưa có bia, biển ghi dấu. Ngoài ra, nhiều di tích cách mạng đang phải đối mặt với sự xuống cấp, bị lấn chiếm hoặc xâm hại do chưa được xếp hạng…

Để phát huy hiệu quả các di tích cách mạng, trước hết, ngành văn hóa cần làm tốt công tác quy hoạch, tăng cường nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh tạo cơ sở pháp lý để giữ gìn, phát huy giá trị di tích. Mỗi ngành cần có trách nhiệm tu bổ, tôn tạo những di tích cách mạng liên quan đến ngành mình. Ngành văn hóa phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch nhằm khai thác hiệu quả các di tích lịch sử cách mạng, giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế. Tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bố trí người đủ năng lực, trình độ, am hiểu để trông nom giới thiệu về di tích. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di tích lịch sử cách mạng, đưa vào chương trình học tập của các trường học, định kỳ tổ chức cho các học sinh tham quan, học tập ngoại khóa tại các di tích...

HẰNG TRẦN