Người nông dân viết sử bằng thơ
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 02:10, 27/09/2014
Ông Phạm Duy Khóa và cuốn sách thơ “Lịch sử các triều đại Việt Nam”
Mê sử từ nhỏ
Lần đầu tiên gặp ông, tôi có cảm giác mình đang nói chuyện với một ông giáo già mực thước, bởi phong thái và những kiến thức trong câu chuyện của ông. Nhưng tôi đã nhầm, thực ra ông chỉ là người nông dân đã ngoại thất tuần ở làng quê Kim Lôi, xã Bạch Đằng (Kinh Môn). Ông cười bảo: “Tôi thích tìm hiểu về lịch sử và những kiến thức xã hội nói chung. Khi ra ngoài giao tiếp, những hiểu biết này rất cần thiết, giúp nâng tầm con người. Phải hiểu biết người ta mới tự tin, tự tại. Bởi vậy, những gì người khác nghe và nhìn thấy đấy là do niềm đam mê lịch sử đã mang lại cho tôi”.
Yêu thích lịch sử nên ông cũng có cách làm tỉ mỉ và cẩn trọng như những nhà sử học. Mặc dù có kiến thức sẵn trong đầu, song ông không chủ quan sử dụng mà sưu tầm nhiều sách về lịch sử Việt Nam làm nguồn tư liệu để viết thơ. |
Sống ở nông thôn, trong điều kiện kinh tế của gia đình cũng như bối cảnh chung của đất nước còn muôn vàn khó khăn, những năm tháng tuổi trẻ, ông Phạm Duy Khóa vẫn sưu tầm được một tủ sách lớn. Năm 20 tuổi, khi khoác ba lô lên đường vào mặt trận phía Nam, nghĩ chẳng biết mình có còn trở lại hay không, ông đã chia sẻ tủ sách ấy cho bạn bè, những người cũng ham học hỏi. Trong hành trang vào chiến trường của người lính năm ấy có những quyển sách lịch sử mà ông tâm đắc nhất. Theo bước chân hành quân ngày một nặng nề, vất vả, đầu tiên những cuốn sách được lột bỏ bìa cho nhẹ bớt. Sau rồi những trang bên trong cũng chẳng thể giữ được, ông đành gửi sách lại dọc đường. Không còn cuốn sách nào ở bên mình, nhưng những câu chuyện lịch sử đã nằm lòng, tình yêu với lịch sử thấm vào từng tế bào, mạch máu. Những lúc dừng chân trên đường hành quân, những giờ nghỉ ngơi giữa hai trận đánh, ông lại kể chuyện lịch sử cho đồng đội nghe. “Kể chuyện lịch sử phải biết cách sao cho người nghe tò mò, theo dõi. Thường tôi kể giới thiệu đoạn hấp dẫn nhất trong câu chuyện cho người nghe thấy thích thú, muốn biết chuyện gì đã diễn ra. Có những câu chuyện dài thì phải chia ra làm nhiều đoạn nhỏ, mỗi hôm một đoạn kết thúc ở cao trào để người nghe còn muốn hôm sau nghe tiếp. Nhờ thế mà tôi thường xuyên được đồng đội vây quanh đòi nghe chuyện”, ông bồi hồi nhớ lại và “biểu diễn” luôn một đoạn kể chuyện cho tôi nghe. Giọng kể của ông sinh động, hấp dẫn chẳng kém những diễn viên kịch truyền thanh. Ông làm cho tôi nhớ đến hình ảnh những người kể chuyện dân gian đã có từ thời Hô-me, từ khi lịch sử chưa được ghi lại bằng những cột mốc có tháng năm cụ thể. Những nông dân như ông là những người đã và đang giữ một phần tinh hoa, linh hồn của những làng quê Việt Nam.
Viết sử bằng thơ sẽ dễ đến với người đọc
Bên cạnh niềm say mê lịch sử đến rất tự nhiên, từ khi bắt đầu đọc cuốn sách lịch sử đầu tiên, trong ông Khóa khi nào cũng ghi nhớ lời thơ căn dặn của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Bởi thế, tuy cũng mê lịch sử thế giới nhưng ông luôn dành cho lịch sử Việt Nam sự quan tâm đặc biệt, đặc biệt tới mức ông tự nhận: “Tôi tôn thờ, đam mê lịch sử đất nước mình”. Hiểu biết về lịch sử không chỉ giúp ông nâng cao kiến thức xã hội mà còn cho ông nhiều bài học về đối nhân xử thế, về cả cách răn dạy con cháu trong nhà. Bởi vậy, ông luôn yêu sử bằng tình yêu máu thịt và cả lòng hàm ơn những năm tháng cha ông đã đi qua, những di sản vô hình vô giá mà người đời xưa để lại.
Không chỉ giữ tình yêu sử cho riêng mình, ông muốn truyền ngọn lửa ấy cho những thế hệ sau này. Nhìn vào thực tế học sinh ngày nay càng ngày càng ít hiểu biết về lịch sử, mà không hiểu những gì dân tộc đã trải qua thì làm sao biết con đường đi tới tương lai cho đúng đắn, ông đau đáu nỗi niềm muốn làm điều gì đó góp phần truyền bá kiến thức lịch sử một cách dễ nhớ, dễ tiếp thu. Học cách làm của Bác Hồ, viết lịch sử bằng những vần thơ dễ hiểu, ông quyết định viết một cuốn sách lịch sử bằng thơ.
Yêu thích lịch sử nên ông cũng có cách làm tỉ mỉ và cẩn trọng như những nhà sử học. Mặc dù có kiến thức sẵn trong đầu, song ông không chủ quan sử dụng mà sưu tầm nhiều sách về lịch sử Việt Nam làm nguồn tư liệu để viết thơ. Cuối cùng, ông lựa chọn cuốn “Các triều đại Việt Nam” (tác giả Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng- Nhà xuất bản Thanh Niên) để lấy các mốc chính của các sự kiện lịch sử. Trong 4 năm liền ròng rã, từ năm 2008 đến năm 2012, hằng ngày từ 2 giờ sáng ông đã thức giấc, ngồi vào bàn viết đến khi trời sáng. Làm thơ bình thường với ông không khó vì thơ là tiếng nói của cảm xúc, có cảm xúc là có thể thành thơ. Nhưng thơ về lịch sử vừa cần độ chính xác, dễ hiểu lại vừa phải theo một tiến trình với những sự kiện cố định thì rất khó làm. “Có những hôm ngồi cả buổi không viết nổi 2 câu thơ, thấy bứt rứt khó chịu trong người lắm. Nhưng có những hôm làm một mạch được một đoạn dài thì thấy sảng khoái vô cùng”, ông tâm sự.
Ông lựa chọn song thất lục bát và lục bát làm thể thơ chính để viết về lịch sử bởi đây là hai thể thơ gần gũi với người dân Việt Nam, dễ thuộc dễ nhớ. Ông chia các sự kiện lịch sử thành những bài nhỏ nối tiếp nhau theo đúng tiến trình để người đọc dễ nắm được. Tuy đã dựa vào một cuốn sách nhưng viết đến đâu ông tiếp tục tra cứu, đối chiếu đến đó để bảo đảm độ chính xác cho những thông tin mình nêu. Quá trình sáng tác ấy không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Ông âm thầm làm việc một mình, không nguồn động viên, chia sẻ. Cũng có những lúc thấy quá khó khăn, vất vả, ông đã muốn bỏ cuộc. Nhưng sau khi ngẫm lại về những câu thơ khuyên dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”, ông lại cầm bút, tiếp tục công việc đầy ý nghĩa của mình.
Ông Phạm Duy Khóa mong muốn truyền lại niềm đam mê lịch sử cho thế hệ sau
Phải nên cảnh tỉnh từ xa
Chớ nên tự phụ cho ta hơn người
Hoặc trong bài thơ về triều đại nhà Hồ (1400-1407), ông cũng có kết thúc ngắn gọn chỉ ra nguyên nhân thất bại của triều đại ngắn ngủi này:
Bởi vì không được lòng dân
Nhà Hồ thất bại chịu phần đắng cay
Cuốn sách thơ của ông không chỉ có những kiến thức lịch sử đã được “mềm hóa” bằng vần điệu mà còn thấm nhuần tình yêu với đất nước, quê hương, lòng tôn kính những thế hệ tiền nhân đã dựng xây nên lịch sử đất nước này. Đây là những câu thơ đầy xúc cảm ông viết về ngày giỗ tổ Hùng Vương:
Hạnh phúc này là ân huệ của tổ tiên
Cây có gốc mới nẩy cành xanh lá
Có nước nguồn biển cả những độ sâu
Công đức tổ tiên lưu mãi đời sau
Truyền sức sống cho mọi nhà đều ấm
Nhà văn Tạ Duy Anh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), người chịu trách nhiệm biên tập chính cho cuốn sách thơ này cho biết: “Trong cuộc đời biên tập của mình, tôi thấy cuốn sách thơ này là một trường hợp khá đặc biệt. Cuốn sách hàm chứa quá nhiều thông tin lịch sử nên chúng tôi đã phải tra cứu rất vất vả. Cuốn sách thể hiện tác giả là người đam mê lịch sử, làm việc rất nghiêm túc, khoa học”. Và kết quả là ông Phạm Duy Khóa, nhà thơ nông dân của huyện miền núi Kinh Môn đã hoàn thành một phần mơ ước cuộc đời mình khi cầm trên tay cuốn sách thơ dày dặn. Hiện một số trường học ở huyện Kinh Môn như Trường THPT Quang Thành, Trường THPT Phúc Thành, Trường THPT Kinh Môn 2, Trường THCS Thất Hùng đã lấy sách của ông đưa vào thư viện, làm tài liệu tham khảo cho học sinh. Niềm vui đến được với độc giả đang bắt đầu nhen nhóm trong ông, tiếp thêm cho ông lòng quyết tâm viết tiếp cuốn sách lịch sử bằng thơ về giai đoạn sau này, tính từ khi triều đại phong kiến Việt Nam cuối cùng sụp đổ.
“Truyền lại niềm đam mê lịch sử là mong ước cuối cùng và cũng là lớn nhất của cuộc đời tôi. Với tôi, hoàn thành cuốn sách mới là chặng đường đầu tiên giúp truyền bá niềm đam mê ấy”, nhà thơ nông dân bày tỏ ước mong của mình, với ánh sáng của ngọn lửa tình yêu lịch sử chưa bao giờ tắt trong ông.
VIỆT HÒA