Anh Tươi đi tìm ánh sáng

Việc tử tế - Ngày đăng : 08:03, 27/09/2014

Tuy mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, đôi bàn tay không còn lành lặn nhưng anh Tươi vẫn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.



Với anh Tươi hạnh phúc là được làm việc


Tai nạn bất ngờ

Anh Nguyễn Văn Tươi ở thôn Nhẫm Dương, xã Duy Tân (Kinh Môn) năm nay 41 tuổi, là người thứ 11 trong gia đình có 12 người con. Đông anh em nên gia cảnh nghèo khó đeo bám anh suốt những năm tháng tuổi thơ. Những bữa cơm độn khoai, độn sắn đã thôi thúc anh Tươi quyết tâm học tập để thay đổi cuộc đời. Anh ham học và học rất khá nhưng cuối cùng vì hoàn cảnh gia đình nên ước mơ trở thành chiến sĩ đặc công của chàng trai trẻ đành phải khép lại. Hai năm sau khi tốt nghiệp THPT, anh lập gia đình. Chọn cho mình nghề khai thác đá, những tưởng cuộc sống cứ thế yên bình trôi đi khi chàng trai trẻ chăm chỉ làm việc, biết lo toan, vun vén cho cuộc sống gia đình nhưng cho tới một ngày, vụ tai nạn lao động đã làm đảo lộn tất cả. Giọng anh Tươi trầm xuống khi kể về những ngày tháng đau buồn. Đó là một buổi làm việc như bao lần khác, nhưng mìn nổ sớm hơn so với dự kiến đã làm anh bất tỉnh với nhiều thương tích. Khi đó, những người đưa anh đi viện chẳng ai dám nghĩ anh có thể sống sót. Mặc dù giữ lại được mạng sống nhưng vụ tai nạn đã khiến đôi mắt của anh vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng, cướp đi bàn tay phải, bàn tay trái chỉ còn lại 3 ngón. Mới chỉ ngoài 20 tuổi - cái tuổi còn quá trẻ để gác lại những ước mơ, trong khi đứa con đầu lòng sắp chào đời, nhiều lúc anh Tươi bị bủa vây bởi những ý nghĩ tiêu cực. Phải mất một khoảng thời gian anh mới có thể lấy lại niềm tin và nghị lực sống. Nhớ về khoảng thời gian ấy, giọng anh Tươi pha chút hài hước: “Khi đó, tôi là tỷ phú thời gian, suy nghĩ, chiêm nghiệm nhiều hơn về những gì xảy ra trong cuộc sống, rồi dần dần học cách chấp nhận thực tại. Chấp nhận nhưng không có nghĩa là phó mặc cho số phận, không thành gánh nặng của vợ con và phải trở thành người sống có ích".

Còn hơi thở là còn làm việc

Hành trình đi tìm ánh sáng của anh bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đó là tự phục vụ sinh hoạt cá nhân. Mất đi bàn tay thuận, anh thích nghi dần với việc cầm, nắm các vật dụng bằng 3 ngón của bàn tay trái và lấy khuỷu bàn tay phải  làm điểm tì. Không ít lần thất bại, khuỷu tay của anh đau buốt nhưng anh không nản chí, mỗi ngày đều chăm chỉ tập luyện từng chút một. Cuối cùng nhờ sự kiên trì, anh cũng đã có thể sử dụng các vật dụng một cách thành thục. Năm 2001, qua nghe đài, được biết chữ nổi Braille giúp người khiếm thị có thể tiếp cận với thế giới nên anh Tươi nhờ anh trai chở đi tìm nơi học loại chữ này. Nhận thấy trong huyện có những người cùng hoàn cảnh như mình, anh là một trong những người đầu tiên viết đơn đề nghị thành lập Hội Người mù huyện Kinh Môn và được Hội Người mù tỉnh chấp thuận, được tạo điều kiện cho học chữ nổi. Những người khiếm thị khác còn đôi bàn tay lành lặn để học chữ, anh chỉ còn lại 3 ngón tay để nhận ra “mặt chữ”, bởi thế sự chăm chỉ, cố gắng của anh càng nhiều hơn gấp bội. Kết thúc khóa học, anh trở thành học sinh giỏi của lớp. Bên cạnh việc học chữ nổi, anh là một trong những người tích cực vận động những người khiếm thị trong huyện tham gia để thành lập hội. Sau bao nỗ lực, đến năm 2003, Hội Người mù huyện Kinh Môn được thành lập. Cùng thời điểm đó, anh Tươi được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành khóa I và được chỉ định làm Chi hội trưởng Chi hội Người mù xã Duy Tân. Anh thường xuyên đến nhà những người khiếm thị trong xã để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống và vận động họ tham gia sinh hoạt hội để xóa bỏ tự ti, mặc cảm, sống hòa nhập với cộng đồng.

Không chỉ nhiệt tình với công tác hội, anh còn có nhiều trăn trở để tìm công việc phù hợp mong cải thiện kinh tế gia đình. Thời gian đầu, anh mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, nhiều khi anh trực tiếp đi lấy hàng về bán. Thấy ở nơi nào trong tỉnh có cơ sở tạo việc làm cho người khiếm thị, người khuyết tật anh đều cố gắng cất công tới xem xét, học hỏi. Có thời kỳ anh mua máy cắt giấy, đóng gói để cung cấp giấy ăn cho các nhà hàng nhưng thua lỗ. Không ít lần đổ bể, nhưng anh luôn tâm niệm “thất bại là mẹ thành công”. Sau quá trình bươn chải với nhiều nghề, qua tìm hiểu, anh Tươi nhận thấy nghề đóng gạch ba banh khá phù hợp nên năm 2010 anh bàn với vợ, thông qua Hội Người mù huyện Kinh Môn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và thế chấp “sổ đỏ” để có vốn đầu tư sản xuất. Trung bình một tháng, gia đình anh sản xuất được khoảng 5.000 viên, gạch làm ra đến đâu bán hết đến đó. Sau năm đầu tiên, vợ chồng anh đã đủ tiền trả nợ ngân hàng. Chị Lê Thị Thơm, vợ anh Tươi tham gia sản xuất gạch cùng 2 lao động, mỗi năm tiền lãi từ bán gạch và tiền công của chị Thơm cũng thu về khoảng 40 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn nuôi 1 cặp chó lai sinh sản để có thêm thu nhập. Việc nấu cám, cho chó ăn đều do anh đảm nhiệm. Những lúc vợ bận rộn, anh còn tự nấu cơm, làm việc nhà. Anh Tươi chia sẻ: "Mỗi khi làm việc là tôi cảm thấy hạnh phúc, như thế mới thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Bởi thế, tôi luôn đặt ra mục tiêu cho mình là còn hơi thở thì còn phải cố gắng". Về những dự định trong thời gian tới, anh Tươi cho biết: “Tôi đang tập làm quen với máy tính. Thời gian tới, tôi sẽ tham dự một khóa tin học dành cho người khiếm thị để mở rộng kiến thức”. Trong cuộc gặp gỡ với anh Tươi, điều khiến tôi ấn tượng nhất là khi anh dùng những ngón tay còn lại và những ngón chân để sử dụng bàn phím máy tính. Hình ảnh ấy thể hiện quyết tâm vươn lên của một người khuyết tật.

HUYỀN TRANG