Bệnh nhân bỏ trốn, bệnh viện mất tiền oan
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 04:53, 28/09/2014
Bệnh nhân không chi trả viện phí, bỏ trốn đang gây khó khăn cho công tác điều trị và làm thâm hụt quỹ phúc lợi ở nhiều cơ sở y tế...
Sau những giờ khám, chữa bệnh mệt nhọc, một số cán bộ, nhân viên các bệnh viện
lại phải lo bệnh nhân trốn viện
Đủ kiểu “bùng” viện phí
Đêm 19-7, Khoa Ngoại 1, Bệnh viên Đa khoa (BVĐK) tỉnh tiếp nhận một ca cấp cứu. Nạn nhân là một nam thanh niên 22 tuổi, quê ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) có vết thương ở cẳng tay trái khá sâu, mất nhiều máu, tổn thương đến gân tay. Nạn nhân khai do tai nạn, nhưng sau này các bác sĩ mới biết nguyên nhân là đánh nhau. Kíp trực đã khẩn trương cấp cứu và chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân. Đến ngày 28-7, bệnh nhân này đã trốn viện và không làm thủ tục thanh toán viện phí. Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Quyết được giao trách nhiệm liên lạc với bệnh nhân để hoàn tất thủ tục. Tuy nhiên, khi gặp được bệnh nhân, người này thản nhiên trả lời với thái độ vô trách nhiệm là “không có tiền nên không trả viện phí”. Một số bác sĩ cũng rất bức xúc cho biết bệnh nhân này là dân “anh chị”, trong những ngày nằm viện thường xuyên có từ 5 - 7 thanh niên ngổ ngáo đến thăm gây mất trật tự tại khoa. Khi được nhắc nhở, những thanh niên này tỏ thái độ hung hăng, thách thức cán bộ bệnh viện. Vì thế đến nay, cán bộ của Khoa Ngoại 1 cũng không dám gặp gia đình bệnh nhân để giải quyết thủ tục xuất viện. Đây chỉ là một trong nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” khi bệnh nhân trốn viện.
Bác sĩ Trương Trọng Phương, người đã có 34 năm công tác tại Khoa Ngoại 1, BVĐK tỉnh vẫn nhớ như in trường hợp của nữ bệnh nhân có tên Nguyễn Thị My (50 tuổi, quê ở xã Tân Dân, Chí Linh). Đầu năm 2012, bệnh nhân My nhập viện do tai nạn giao thông, bị gẫy xương đùi và được mổ cấp cứu. Sau 9 ngày nằm viện, bệnh nhân đã dần phục hồi nhưng vẫn chưa đi lại được bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân My vẫn trốn viện và không làm các thủ tục thanh toán hơn 3 triệu đồng viện phí. Bác sĩ Phương được giao trách nhiệm đến gia đình để xác minh gia cảnh. Khi đến địa chỉ bệnh nhân khai báo lại không có người tên này. Phải nhiều lần về xã trên tìm kiếm, dựa vào các mối quan hệ, cuối cùng bác sĩ Phương mới tìm được bệnh nhân có tên là My. "Đến nhà, nhìn gia cảnh quá khó khăn, không ai trong nhà có việc làm ổn định, tài sản cũng chẳng có gì đáng giá, tôi lại ngậm ngùi sang UBND xã xin dấu xác nhận rồi về báo cáo với lãnh đạo bệnh viện để giải quyết. Cuối cùng, BVĐK tỉnh lại phải trích quỹ phúc lợi đóng viện phí cho bệnh nhân", bác sĩ Phương kể.
Khó kiểm soát
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Huấn, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Bệnh viện có tới 47 khoa, 2 trung tâm trực thuộc, hằng ngày phải tiếp đón từ 700 - 900 người dân đến khám và điều trị. Chính vì vậy, việc theo dõi và kiểm soát bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Các bệnh nhân trốn viện tập trung chủ yếu ở các khoa: Ngoại 1, Nội tiết...”. Những bệnh nhân trốn viện đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên dù số tiền viện phí phải đóng chỉ từ 100 nghìn đồng đến 2 triệu đồng nhưng khó có khả năng chi trả. Cá biệt, có trường hợp bệnh nhân nợ số tiền viện phí lên đến hàng chục triệu đồng. Việc này gây khó khăn không nhỏ đến hoạt động của bệnh viện, nhất là việc hoàn tất thủ tục bảo hiểm y tế (BHYT).
Từ đầu năm 2013 đến tháng 7 - 2014, BVĐK có 7 bệnh nhân trốn viện với tổng số tiền viện phí phải thanh toán gần 30 triệu đồng.
Thực trạng bệnh nhân trốn viện còn diễn ra ở một số bệnh viện khác. Ông Nguyễn Khánh Duy, Phó trưởng Phòng Tổ chức phụ trách bảo hiểm (BVĐK TP Hải Dương) cho biết: “Mỗi năm, bệnh viện có 3 - 4 bệnh nhân không làm thủ tục xuất viện và thanh toán viện phí. Những bệnh nhân này đều có BHYT và số tiền còn lại phải đóng không nhiều, nhưng bệnh viện cũng phải trích kinh phí từ quỹ phúc lợi để chi trả”.
BVĐK Hòa Bình cũng có bệnh nhân trốn viện và bỏ lại thẻ BHYT. Tính từ đầu năm đến tháng 7, đã có 21 bệnh nhân không thanh toán viện phí với số tiền hơn 2,9 triệu đồng. Bác sĩ Nguyễn Hữu Phấn, Giám đốc BVĐK Hòa Bình cho biết: “Các bệnh viện đều có quy định bệnh nhân phải đóng tiền tạm ứng trước, số tiền phải đóng tùy theo tình trạng của bệnh nhân nhưng bệnh viện vẫn rất khó kiểm soát việc bệnh nhân trốn viện. Thông thường, người dân nợ viện phí do có hoàn cảnh quá khó khăn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị cao”.
Không chỉ phải chi trả viện phí khi bệnh nhân không thanh toán, một số trường hợp bệnh nhân chết do tai nạn giao thông nhưng không xác định được nhân thân nên bệnh viện đều phải lo mai táng. Ví dụ như trường hợp ngày 24 - 5, một bệnh nhân khoảng 56 tuổi ở Kim Thành bị tai nạn giao thông được đưa lên BVĐK tỉnh cấp cứu đã chết. Bệnh viện đã mời cơ quan công an đến lập biên bản nhưng không xác định được nhân thân. Sau đó, bệnh viện phải tiến hành thủ tục chôn cất nạn nhân với chi phí hơn 16 triệu đồng. Có trường hợp xác định được nhân thân nhưng do gia cảnh quá khó khăn, lại ở tỉnh xa, gia đình đã viết đơn xin bệnh viện lo ma chay giúp. Không còn cách nào, cán bộ bệnh viện lại phải thay người thân làm tròn trách nhiệm hậu sự cho người xấu số.
Việc bệnh nhân trốn viện không phải là phổ biến, số chi phí khám, chữa bệnh họ phải chi trả cũng không quá lớn, nhưng điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện. Để hạn chế điều này, hơn ai hết, các bệnh viện phải tăng cường quản lý bệnh nhân, yêu cầu bệnh nhân thực hiện đúng quy định tạm ứng tiền viện phí trước khi nhập viện.
LÊ VINH