Thiếu thiết chế văn hóa trong khu công nghiệp

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 03:41, 22/10/2014

Công nhân lao động trong các khu công nghiệp đang chịu nhiều thiệt thòi về đời sống tinh thần...



Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh phải đến các nhà trọ để tặng sách, báo cho công nhân lao động


Ở tỉnh Hải Dương có hơn 7 vạn người đang làm việc trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, họ vẫn thiếu "sân chơi" mang tính cộng đồng phù hợp với yếu tố nghề nghiệp của mình để nâng cao đời sống tinh thần.

Thiếu "sân chơi"

Ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi ghé vào mấy khu nhà trọ của công nhân ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương). Đây là nơi có nhiều công nhân làm việc trong khu công nghiệp (KCN) Đại An thuê trọ. Phần lớn các phòng trọ đều đóng kín cửa. Hỏi hàng xóm mới biết những ngày nghỉ công nhân thường tranh thủ về quê. Trong một căn phòng trọ còn mở cửa, một cô gái chừng 30 tuổi giới thiệu mình tên là Phạm Thị Nhung quê ở Bắc Ninh. Chị Nhung đang làm tại Công ty TNHH một thành viên Masan Hải Dương. Chồng chị cũng làm công nhân trong KCN Đại An. Cả hai vợ chồng chị thuê nhà trọ trong khu này đã được hơn 3 năm nay. Tôi hỏi: "Từ đây về Bắc Ninh cũng không xa lắm, sao vợ chồng anh chị không về quê?". Chị Nhung trả lời: "Hôm qua, tôi làm ca tối, sang tuần sau lại làm ca ngày nên nếu về quê chỉ có 1 ngày thôi. Thời gian ít như thế về càng mệt thêm vì phải đi lại đường xa". Vì chỉ có một ngày nghỉ nên nhiều công nhân khác cũng không muốn về quê. Nhưng ở lại nhà trọ họ không có bất kỳ hoạt động vui chơi giải trí nào. Thu nhập của công nhân cũng chẳng dư giả gì nên không thể thường xuyên đi mua sắm hay đến các khu vui chơi giải trí trong trung tâm thành phố được.

Những chia sẻ trên của chị Nhung có lẽ cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều công nhân, lao động (CNLĐ) đang làm việc trong các KCN. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, tỉnh Hải Dương hiện có 10 KCN đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tại các KCN việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cho CNLĐ vẫn chưa được quan tâm. Công ty nào có điều kiện thì tự mình trang bị. Đến nay, mới có 10 doanh nghiệp trong các KCN trang bị được tủ sách (số đầu sách và chất lượng còn rất hạn chế), 10 đơn vị xây dựng được sân thể thao, 15 đơn vị thành lập được đội văn nghệ và duy nhất 1 đơn vị xây dựng phòng hát karaoke cho công nhân. Chưa có bất kỳ đơn vị nào xây dựng được nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao, khu vui chơi, thư viện... Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất mà việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao của các doanh nghiệp cũng rất hạn chế. Có 27,3% số công ty trong các KCN không tổ chức được bất kỳ một cuộc giao lưu liên hoan, hội diễn văn nghệ nào; 45,5% số đơn vị thỉnh thoảng tổ chức, còn lại tổ chức theo kiểu "xuân thu nhị kỳ". Tương tự, cũng có tới 12,3% số nơi không tổ chức các hoạt động thể thao, 51% chỉ thỉnh thoảng tổ chức (có thể cả năm mới tổ chức 1 lần)... Sau giờ làm hình thức giải trí của CNLĐ chủ yếu vẫn là xem ti-vi, ít được tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Không nhà văn hóa

Có thể nói mặt bằng đời sống tinh thần của CNLĐ trong các KCN vẫn còn rất nhiều hạn chế. Vấn đề này không phải một sớm một chiều có thể khỏa lấp ngay được mà đòi hỏi phải có lộ trình, thực hiện đồng bộ. Những cái mà bản thân các doanh nghiệp làm được là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, để thực sự nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ trong các KCN cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan. Trong đó, trước tiên cần quan tâm xây dựng nhà văn hóa công nhân trong các KCN. Nó sẽ là tâm điểm để thu hút CNLĐ đến giao lưu, tìm hiểu, học hỏi nâng cao trình độ. Nói theo suy nghĩ của một cán bộ công đoàn đang làm việc trong một công ty thuộc KCN Đại An thì bản thân doanh nghiệp cũng như tổ chức công đoàn rất muốn CNLĐ được nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao nâng cao đời sống tinh thần để tái tạo sức lao động. Tuy nhiên, vì thiếu nhà văn hóa, thiếu những địa điểm phù hợp nên công ty dù muốn cũng không thể tổ chức được nhiều sân chơi cho CNLĐ. Để đông đảo CNLĐ có thể tham gia một chương trình bốc thăm trúng thưởng, công ty từng phải thuê Nhà Thi đấu thể thao tỉnh làm địa điểm tổ chức, rất tốn kém. Vì vậy, nếu có nhà văn hóa trong KCN để doanh nghiệp được tổ chức miễn phí hoặc thuê với giá rẻ thì chắc chắn công ty sẽ có nhiều hoạt động nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần cho CNLĐ. Xây dựng nhà văn hóa công nhân trong các KCN còn có ý nghĩa tạo ra một địa điểm, sân chơi lành mạnh cho CNLĐ. Qua đó, giúp nhiều người tránh xa những tệ nạn như chơi game, cờ bạc, lô đề để hướng tới lối sống lành mạnh.

Lợi ích thì đã thấy rõ nhưng khi đặt ra vấn đề xây dựng nhà văn hóa công nhân trong các KCN vẫn có một số ý kiến băn khoăn cho rằng liệu có lãng phí khi mà ở tỉnh ta đã có Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân do Tỉnh đoàn quản lý. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chức năng hoạt động hỗ trợ cho công nhân hoặc tạo ra các sân chơi lành mạnh cho công nhân của trung tâm chưa thực sự rõ nét, chưa lôi cuốn được đông đảo công nhân tham gia. Một trong những nguyên nhân chính là do khoảng cách về địa lý. Sau giờ làm CNLĐ không muốn bỏ công sức để đến nơi quá xa tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Vì vậy, nhà văn hóa ở tại các KCN mới thực sự thu hút và thiết thực với CNLĐ.

Quyết định số 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ công nhân viên chức, người lao động gồm: nhà văn hóa lao động cấp huyện; cung văn hóa lao động, nhà văn hóa lao động cấp tỉnh; trung tâm văn hóa - thể thao ở khu chế xuất, khu công nghiệp và trong các doanh nghiệp lớn. Đối với các khu chế xuất, khu công nghiệp yêu cầu tất cả đều phải có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động. Trong giai đoạn 2013-2020 định hướng đến năm 2030, tối thiểu 30% số khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động phải xây dựng được trung tâm văn hóa - thể thao phục vụ CNLĐ.


NGỌC THANH