Lương y của nhân dân

Việc tử tế - Ngày đăng : 08:40, 05/11/2014

Mặc dù đã 92 tuổi nhưng cụ Thông vẫn giữ trọn đạo y, ngày ngày bắt mạch kê đơn, mang niềm vui khỏi bệnh đến với bao người...




Đã ngoài 90 tuổi nhưng lương y Nguyễn Văn Thông vẫn bắt mạch kê đơn chữa bệnh cho nhân dân


Cụ xuất thân trong một gia đình nhà nho, cha là lương y. Lên 6 tuổi, cụ bắt đầu học chữ Hán, khi gần 20 tuổi thì học Đông y, 5 năm sau đã biết kê đơn, bốc thuốc chữa khỏi bệnh cho nhiều người. Đến nay, khi đã 92 tuổi, cụ vẫn giữ trọn đạo y, ngày ngày bắt mạch kê đơn, mang niềm vui khỏi bệnh đến với bao người. Cụ là lương y Nguyễn Văn Thông ở thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Cẩm Bình.

Suốt gần 70 năm trong nghề, cụ Thông luôn tâm niệm: “Làm nghề y, cái tâm, cái đức của người thầy thuốc phải đặt lên hàng đầu. Cái tâm trong sáng mới không đọc nhầm bệnh, kê nhầm thuốc, từ đó mới có thể chữa khỏi bệnh cho người”. Nếu như Tây y khám và chẩn đoán bệnh nhờ vào sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật chuyên ngành hiện đại, thì Đông y dùng phương pháp bắt mạch, quan sát, lắng nghe chính cơ thể người bệnh, chẩn đoán theo “âm dương ngũ hành”. Đó là căn cứ quan trọng nhất giúp thầy thuốc Đông y tìm ra nguyên nhân gây bệnh để điều trị. Những bài thuốc cổ truyền không có tác dụng ức chế bệnh ngay sau khi sử dụng mà phải qua một quá trình, rất từ từ nhưng chắc chắn. Khi người bệnh khỏi ốm thì cơ thể cũng được phục hồi ngay trong quá trình chữa trị đó, tức là bệnh khỏi, người khỏe. Do đó, cả thầy thuốc và người bệnh đều phải kiên trì và nhẫn nại. Cụ giải thích, không phải mọi thứ bệnh đều có thể chữa khỏi chỉ nhờ vào một phương pháp y học. Những bệnh hữu hình thì nên chữa trị bằng Tây y, những bệnh vô hình thì nên sử dụng Đông y là tốt hơn cả. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh lại cần có sự kết hợp giữa hai phương pháp này. Đó chính là sự kỳ diệu của y học.

Đối với Đông y, như lời cụ nói, người bệnh là gốc, thầy thuốc là ngọn. Vì vậy, muốn có kết quả khả quan nhờ Đông y, thầy thuốc và bệnh nhân cần có sự phối hợp thật chặt chẽ. Thầy thuốc phải thật sự giỏi và tinh thông nghề nghiệp, luôn hết lòng vì bệnh nhân, “lương y như từ mẫu”, có trách nhiệm khi chữa bệnh, chịu khó đọc sách để tìm ra phương pháp chữa trị tối ưu, mục đích là chữa khỏi bệnh. Còn người bệnh phải tin tưởng thầy thuốc, bởi nếu nghi ngờ, bệnh nhân sẽ không đủ và quyết tâm để chữa khỏi bệnh bằng phương pháp Đông y. Bệnh nhân tìm đến cụ để chữa bệnh gần 70 năm qua nhiều lắm, cụ không thể nhớ hết. Không chỉ người địa phương, trong vùng mà còn rất nhiều người ở các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh và cả người ở nước ngoài. Sau khi kiên trì chữa bệnh theo đơn thuốc của cụ, nhiều người khỏi bệnh và không ít người trong số đó vẫn qua lại thăm cụ vì đối với họ, cụ không chỉ là ân nhân mà còn là một lương y đáng kính. Giọng nói vẫn hào sảng, da dẻ hồng hào, đôi mắt tinh tường, cụ khoan thai nói: “Vi ân bất cầu báo” và cụ không cầu kỳ bất cứ điều gì trong cuộc sống hằng ngày.

Hiện nay, cụ có hơn 50 con cháu, trong đó 3 người con trai và một cháu nội nối nghiệp cụ. Cháu nội của cụ là anh Nguyễn Văn Đức đã học 4 năm tại Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, hiện đang tiếp tục học thêm 2 năm tại Trường Đại học Kim Tân (Trung Quốc). Gia đình cụ được Tổ chức Sức khỏe và Môi trường (Tổng hội Y học Việt Nam) tặng bảng vàng lưu danh gia tộc lương y với 4 đời làm nghề thầy thuốc Đông y. Hằng ngày, ngoài việc kê đơn bốc thuốc, chữa bệnh cứu người, cụ vẫn truyền nghề cho các con và những học trò có tấm lòng với y thuật cổ truyền.

Cụ nhớ lại, khi còn trẻ, cụ đã vào làm gia sư chừng hơn một năm ở Hải Phòng, sau đó, cụ về làm việc tại Bệnh viện Y học dân tộc Hải Dương. Thầy dạy của cụ tên là Nguyễn Trường Nghị, người Nam Định. Phát hiện cụ là một học trò có tấm lòng nhân ái, say mê y học dân tộc nên thầy đã truyền lại tất cả kiến thức và đạo nghề y cho cụ. Với lòng biết ơn thầy, cụ quyết tâm giữ trọn đạo y, mang những tinh hoa, tinh túy của y thuật phương Đông chữa bệnh cho nhân dân. Hiện giờ, cụ lại tiếp tục truyền nghề cho các con, cháu của chính thầy dạy mình và những học trò ở khắp nơi. Cụ còn biên dịch sang tiếng Việt nhiều bộ sách quý của y học cổ Trung Quốc, tập hợp những kinh nghiệm nghề nghiệp của mình viết thành sách. Mong muốn lớn của cụ giờ đây là có thể lưu truyền những kiến thức quan trọng của ngành y, xuất bản những cuốn sách, những tài liệu quý về y học cổ truyền, trong đó có một số cuốn do cụ viết và dịch thuật như cuốn “108 bệnh khó”, “Y gia bảo bối”, “Cổ tịch y thư lưu danh thiên cổ tại thế gia”, “Chư gia bảo bối phát triển trường cửu cư Nam địa"... Cụ cũng hy vọng trong tương lai không xa khi y học phát triển hơn có thể phân loại bệnh nào nên chữa bằng Tây y, bệnh nào chữa bằng Đông y để mang lại hiệu quả chữa trị cao nhất.

Năm nay đã 92 tuổi nhưng sức khỏe của cụ Thông vẫn tốt, vẫn thông tuệ. Bí quyết giữ gìn sức khỏe của cụ là dưỡng sinh kết hợp với ăn uống điều độ, cư xử hữu thường, sống giản dị, khiêm nhường, giàu lòng yêu thương. Tâm huyết của cụ là học nghề y đạt mức đắc đạo, chữa khỏi bệnh cho nhiều người, chữa không bị nhầm, y gia phân nội sự, chữa bệnh không vì tiền và quan trọng hơn cả là được nhân dân tin tưởng đến với mình bất cứ lúc nào cần.

Ghi nhận những đóng góp của cụ đối với nền y học dân tộc và công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, Hội Đông y các cấp đã tặng thưởng cụ nhiều bằng khen, giấy khen. Nhà nước phong tặng cụ Thông là lương y giỏi quốc gia, còn người dân gọi cụ là “Lương y của nhân dân”.

ĐỖ THỊ YẾN