Bài học lớn về vay nợ và xử lý nợ
Bình luận - Ngày đăng : 14:12, 29/11/2014
Ngân hàng trung ương Argentina. (Nguồn: AFP)
Những nỗ lực của Chính phủ Argenntina trong việc tái cơ cấu nợ và phục hồi tăng trưởng kể từ sau lần vỡ nợ hồi năm 2001, kể cả việc kiên trì thương lượng với các chủ nợ cho tới phút cuối cùng trước thời hạn chót trả nợ ngày 31-7, đều chưa đủ để giúp xứ sở Tango tránh rơi vào vụ vỡ nợ lần thứ hai trong 13 năm qua.
Sự kiện Argentina vỡ nợ, dù là vỡ nợ trên phương diện kỹ thuật chứ không phải vì bản thân nước này không có khả năng thanh toán nợ, là bài học lớn cho các quốc gia đang “sở hữu” những khoản vay nước ngoài khổng lồ và rút kinh nghiệm trong việc xử lý nợ.
Vỡ nợ và những hệ lụy
Đối với Argentina, “vỡ nợ” không phải là cụm từ quá mới mẻ, bởi trong gần 200 năm qua, nước này vỡ nợ tới 12 lần, trong đó bảy lần vỡ nợ nước ngoài và năm lần vỡ nợ trong nước.
Trên thực tế, vụ vỡ nợ về mặt kỹ thuật năm 2014 của Argentina bắt nguồn từ việc xử lý nợ nần chưa triệt để kể từ sau lần vỡ nợ năm 2001 - thời điểm nước này vỡ nợ thực sự khi không thanh toán được khoản nợ 100 tỷ USD. Tuy nhiên, tính chất của vỡ nợ cũng như thực lực kinh tế của Argentina giữa vụ vỡ nợ năm 2001 và 2014 là khác nhau.
Năm 2014, Argentina vỡ nợ về mặt kỹ thuật do không thanh toán đúng hạn (trước khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm ngày 31-7) khoản nợ đã được tái cơ cấu trị giá 539 triệu USD cho 92,4% số trái chủ tham gia hai chương trình tái cơ cấu nợ của Chính phủ trong năm 2005 và 2010.
Đây là số chủ nợ đã chấp nhận mất 70% giá trị của trái phiếu để được Chính phủ Argentina thanh toán 30% giá trị còn lại.
Vào thời điểm vỡ nợ, số tiền trên bị Tòa án Liên bang Mỹ tại New York “phong tỏa” vì Argentina không tuân thủ phán quyết của Tòa án này hôm 30-6 rằng Argentina phải thanh toán toàn bộ khoản nợ 1,3 tỷ USD, cộng tiền lãi, cho hai quỹ đầu tư còn gọi là hai quỹ "kền kền" là NML Capital và Aurelius Capital Management.
Hai quỹ đầu tư của Mỹ này là hai quỹ đầu tư lớn nhất trong số các chủ nợ không tham gia chương trình tái cơ cấu nợ kể trên (chiếm 7,6% số trái chủ) với mục đích đòi được thanh toán 100% giá trị khoản nợ cộng lãi.
Đối với riêng Argentina, lần vỡ nợ này khiến nền kinh tế Argentina dự báo sẽ khó tránh khỏi tăng trưởng âm trong năm nay, dự trữ ngoại tệ giảm mạnh, đồng peso mất giá trầm trọng do người dân đổ xô đi mua đồng USD.
Lạm phát - “căn bệnh” đau đầu kinh niên của Argentina - sẽ tiếp tục tăng vọt và lòng tin của người tiêu dùng giảm mạnh. Với nền tảng kinh tế như thế, Argentina sẽ gặp khó hơn nữa trong việc tiếp cận với nguồn vốn quốc tế và nếu phải đi vay thì sẽ phải vay với chi phí rất cao.
Vụ vỡ nợ của Argentina cộng thêm lần phá giá đồng nội tệ hồi đầu năm nay đã khiến người dân càng mất lòng tin vào đồng peso cũng như làm tình trạng chảy vốn ra nước ngoài thêm trầm trọng.
Tổng thống Argentina, Cristina Fernandez từ năm 2011 đã bắt đầu kiểm soát tiền tệ để khắc phục tình trạng trên. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để ngăn chặn người dân bán đồng peso và mua đồng USD trên chợ đen.
Do Argentina đối mặt với tình trạng khan hiếm ngoại tệ mạnh ngày càng lớn, chính phủ nước này ngày 17-11 ban hành sắc lệnh thành lập Cơ quan giám sát hoạt động thương mại (TOTU) nhằm giám sát hoạt động xuất-nhập khẩu, dòng tiền trong các giao dịch ngoại thương và ngăn chặn nạn trốn thuế, đồng thời thông báo sẽ duy trì việc kiểm soát tiền tệ và ngăn chặn buôn bán đồng USD trên chợ đen.
Sau khi đồng peso rớt giá mạnh và dự trữ ngoại tệ cạn dần (hiện ở mức khoảng 28 tỷ USD), Chính phủ Argentina đang tiến hành các biện pháp mạnh tay để hạn chế giao dịch đồng USD trên chợ đen và ngăn chặn sự thoái lui vốn.
Bài học lớn về vay nợ và xử lý nợ
Vụ vỡ nợ về mặt kỹ thuật của Argentina năm 2014 bắt nguồn từ những tàn dư của cuộc vỡ nợ năm 2001. Nhìn lại cuộc khủng hoảng nợ năm 2001, Chính phủ Argentina khi đó lâm nạn vì đã tận dụng uy tín quốc gia đang lên lúc đó để liên tục vay nợ nước ngoài.
Các khoản nợ nước ngoài theo đó cứ tăng dần, từ mức tương đương 35% GDP năm 1995 lên gần 65% GDP năm 2001. Trong khi đó, ngưỡng nợ an toàn đối với các nước đang phát triển theo Ngân hàng Thế giới (WB) là nợ nước ngoài phải dưới mức 40% GDP.
Việc vay nợ ồ ạt, có phần bừa bãi này dẫn đến hậu quả tai hại là làm Chính phủ Argentina không còn khả năng đối phó trước những rủi ro trong thâm hụt ngân sách, khi nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu giảm sút và nhập khẩu không ngừng tăng.
Bài học rút ra cho chính Argentina và từ Argentina là sự chủ quan dựa vào những thành công về tăng trưởng và đầu tư, trong khi bỏ qua những vấn đề thực tại (đáng lưu ý là tham nhũng, cổ phần hóa ồ ạt, thất thoát, hệ thống thu thuế yếu kém, vay nợ nước ngoài thiếu kiểm soát, cơ chế giám sát việc vay nợ nước ngoài không hiệu quả) sẽ dẫn tới kết cục khủng hoảng tài chính.
Theo các chuyên gia kinh tế, lần vỡ nợ năm 2014 của Argentina vì sai sót kỹ thuật là không đáng có trong quá trình xử lý vụ vỡ nợ năm 2001. Xét cho cùng, vào thời điểm Argentina vỡ nợ hồi cuối tháng Bảy vừa qua, số nợ của nước này mới chỉ ở ngưỡng 59% GDP, trong khi mức nợ nguy hiểm là tương đương 100% GDP.
Argentina sẽ là bài học lớn cho các nước trong việc dàn xếp nợ nần, bởi nước này đã vô tình “quên” đưa vào thỏa thuận một điều khoản gọi là điều khoản “hành động tập thể.” Điều khoản này quy định rằng nếu đa số những người tham gia hợp đồng chấp nhận những thỏa thuận dàn xếp tái cơ cấu nợ thì thiểu số còn lại phải tuân theo không điều kiện.
Nếu Argentina không bỏ sót điều khoản này thì họ đã không bị các quỹ “kền kền” tận dụng kẽ hở pháp lý để ra điều kiện, gây sức ép thông qua uy lực của Tòa án Mỹ đòi thanh toán 100% giá trị nợ. Kết quả là nước này bị vỡ nợ vô lý khi mà số tiền nợ không quá lớn so với dự trữ ngoại tệ và nước này hoàn toàn có thể chi trả khoản nợ đó.
Điều mà Việt Nam và các nước có lẽ sẽ phải lưu ý rất nhiều sau bài học Argentina là tốc độ nợ và cách dùng nợ. Việc tốc độ nợ tăng nhanh, trong khi cơ sở để trả nợ kém đi kèm với tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu sa sút vô hình chung đặt nền kinh tế trước những nguy cơ và rủi ro vô cùng lớn.
Vụ vỡ nợ lần này của Argentina khiến người ta phải thực sự dè chừng về sự nguy hiểm của các “quỹ kền kền” chuyên “hút máu” các con nợ. Các “quỹ kền kền” này là những công ty chuyên mua nợ với giá rẻ hay nhiều chuyên gia kinh tế gọi là mua “rác”, sau đó thông qua các công cụ pháp lý đòi “con nợ” thanh toán 100% giá trị tài sản cộng thêm lãi.
Thực tế, giá trị của số nợ bị ép bởi số ít chủ nợ này không quá lớn (như trường hợp Argentina vừa qua), nhưng rủi ro này sẽ trở nên cực lớn nếu tất cả các chủ nợ khác vì cảm thấy bị thiệt thòi mà quay sang đòi được đối đãi tương tự.
Thiệt hại khi đó, ví dụ như tại Argentina vừa qua, sẽ không phải là 1,3 tỷ hay trên 1,5 tỷ USD (cộng cả lãi) mà là một con số khổng lồ, lên tới 100 tỷ USD hoặc hơn thế nữa theo ước tính của giới chuyên gia.
Sau trường hợp Argentina, Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9 đã thông qua một dự thảo nghị quyết về việc thúc đẩy thiết lập một khuôn khổ pháp lý đa phương về tái cơ cấu nợ quốc gia, trong khi IMF hối thúc sửa đổi các thỏa thuận thanh toán nợ.
Trên thực tế, vụ vỡ nợ của Argentina vừa qua không phải là nhân tố có thể tác động mạnh hay làm chao đảo thị trường tài chính, tiền tệ hay thị trường kim loại quý thế giới, bởi sau vụ vỡ nợ năm 2001, Argentina bị “cách ly” khỏi thị trường tài chính thế giới, tức là nước này đã không còn được đi vay nợ.
Vụ vỡ nợ này cũng không khiến nhiều nước trên thế giới, những nước nằm ngoài Mỹ Latinh như Việt Nam phải lo ngại quá nhiều về ảnh hưởng của nó đối với kinh tế, thương mại, hay dòng lưu chuyển vốn. Có lẽ điều khiến người ta quan tâm tới vấn đề này là vì sự kiện Argentina vỡ nợ là giọt nước tràn ly sau cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Cuộc khủng hoảng nợ Argentina được ví như hồi chuông cảnh báo về vấn đề nợ nước ngoài, đồng thời là bài học kinh nghiệm về xử lý nợ cho nhiều nước nhất là những nước vay nợ nhiều.
Nó đòi hòi các nước phải ngay và lập tức đưa ra giải pháp, những điều chỉnh về luật để lấp những kẽ hở trong các thỏa thuận mua bán nợ nhằm tránh rơi vào vỡ nợ dù chỉ về mặt lý thuyết như Argentina năm 2014.