Điều kiện đối với cơ sở dạy nghề thuyền viên
Tư vấn - Ngày đăng : 07:27, 03/12/2014
Theo quy định tại thông tư này, phòng học dạy nghề thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa phải có diện tích tối thiểu 48 m2/phòng, định mức chung phải đạt ít nhất 1,5 m2/học sinh; có không gian thông thoáng, xa nơi có tiếng ồn và nơi môi trường bị ô nhiễm; đủ tiêu chuẩn ánh sáng tự nhiên và có các thiết bị chiếu sáng nhân tạo; có đủ trang thiết bị kỹ thuật, mô hình học cụ, đồ dùng giảng dạy theo yêu cầu của từng môn học. Với các phòng học chuyên môn, phải có hệ thống loa, đài, đầu đĩa phát băng, đĩa ghi âm để học phát âm và nghe các bài khóa (nếu là phòng học ngoại ngữ); có ít nhất 5 máy vi tính đang hoạt động, được lắp đặt trên các bàn chuyên dùng (đối với phòng tin học) hoặc có các bản vẽ về báo hiệu đường thủy nội địa, bản đồ hệ thống sông ngòi và các tuyến đường thủy nội địa Việt Nam; có sa bàn đắp nổi hay sơ đồ khu vực luồng điển hình, mô hình hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa... trong trường hợp phòng học pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
Về đội ngũ giáo viên, Thông tư quy định, cơ sở dạy nghề phải bảo đảm đủ giáo viên giảng dạy các môn theo đúng chương trình, có phân công, công bố lịch lên lớp theo từng học kỳ hoặc toàn khóa học; số giáo viên thỉnh giảng không vượt quá 50% số giáo viên tham gia giảng dạy từng chương trình. Đặc biệt, giáo viên phải có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề trở lên đúng chuyên ngành hoặc tương đương chuyên ngành được phân công giảng dạy; có tiếng Anh và tin học trình độ A trở lên trường hợp là giáo viên dạy lý thuyết hoặc phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất và có thời gian đảm nhiệm chức danh này từ 36 tháng trở lên nếu là giáo viên dạy thực hành...
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015.