Hơn 60 năm trước đã có sân bóng đá
Trong nước - Ngày đăng : 09:41, 13/12/2014
Hiện nay, Thanh Giang là một trong những xã có phong trào thể dục, thể thao quần chúng nằm trong nhóm đầu ở huyện Thanh Miện.
Cụ Phạm Đắc Nhỡn, một trong những người đầu tiên xây dựng sân bóng đá
thôn Tiêu Sơn cách đây hơn 60 năm
Năm 1943 ở thôn Tiêu Sơn có 4 anh em ông Phạm Đắc Nhỡn, Phạm Đắc Thự, Phạm Đắc Giám và Phạm Đắc Khiết, cùng các ông Nguyễn Khắc Thạo, Nguyễn Thế Liêm… khởi xướng phong trào tập luyện thể dục, thể thao. Ban đầu phong trào chỉ phát triển ở làng Tiêu Sơn, rồi lan rộng sang thôn Phù Tải, Đan Giáp... Cùng với ôn luyện môn võ, vật, đánh gậy, các ông vận động cha, chú dành ra 6 sào ruộng hậu (2.160 m2) của dòng họ Phạm Đắc và đề nghị chức dịch của làng giúp đỡ xây dựng sân bóng đá. Công trình thể thao ở thôn Tiêu Sơn tuy đơn giản, nhưng là sân bóng đá đầu tiên của cả vùng. Thời kỳ ấy, sân bóng đá thôn Tiêu Sơn rất sôi động, thu hút cả thanh niên các xã của huyện Ninh Giang, các xã ở phía tỉnh Hưng Yên sang đá. Đội bóng đá của làng thi đấu giao hữu với các đội bóng tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, thị xã Hải Dương. Từ đội bóng đá, họ tham gia tổ chức Việt Minh rồi trở thành cán bộ cách mạng, nhưng không vì thế mà bỏ tập luyện môn bóng đá và bỏ sân bóng đá.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, hoạt động thể dục, thể thao thôn Tiêu Sơn và toàn xã Thanh Giang có thêm điều kiện phát triển, không chỉ môn bóng đá mà còn phát triển cả bóng chuyền. Đội bóng chuyền của xã Thanh Giang thi đấu ở đâu cũng đoạt giải cao. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), kinh phí cho lĩnh vực nào cũng khó khăn, trong đó để duy trì môn bóng đá và các môn thể thao khác, đội bóng đá phải dựa vào nhân dân, đặc biệt là các nhà tài trợ. Ông Nhỡ vừa là người chỉ huy dân quân, vừa hướng đạo phong trào tập luyện thể dục, thể thao của xã. Thiếu lưới, thiếu bóng, anh em ông bỏ tiền ra mua cho đội bóng. Để đi thi đấu, nhiều khi anh em ông cáng đáng luôn cả chi phí sinh hoạt. Ngoài việc dạy bóng đá, ông Nhỡn kiêm cả dạy võ, dạy bơi. Ông là một điển hình về thể dục thể thao quần chúng thời kỳ 1945-1954 ở huyện Thanh Miện.
Cụ Nhỡn năm nay đã 91 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Vừa qua chúng tôi tới thăm cụ Nhỡn, nói chuyện về bóng đá của thôn Tiêu Sơn thời xưa, cụ vẫn nói rõ ràng từ việc xin đất làm sân bóng đá, tổ chức đá bóng đến huấn luyện đội bóng. Cụ nói như một huấn luyện viên nhà nghề. 91 tuổi đời nhưng cụ còn say mê theo đội bóng đá nhi đồng của xã thi đấu trên sân huyện. Cụ đóng góp nhiều ý kiến xây dựng đội bóng đá “nhí”. Đưa chúng tôi ra sân bóng đá thôn Tiêu Sơn, cụ chỉ: Ngày xưa chúng tôi đá sân rộng 6 sào ruộng, lính Pháp còn phải mê vào đá, chức dịch trong làng tôi còn phải nể. Nay chỉ còn chừng 2 sào ruộng căng lưới bóng chuyền, có lúc xã định bỏ sân truyền thống của làng làm việc khác. Chúng tôi nói, nếu bỏ sân, chúng tôi bảo nhau không bỏ phiếu bầu cho cán bộ nữa. Thế là sân truyền thống được giữ lại cho con cháu. Các cháu chơi thể thao khỏe mạnh, chúng tôi cũng thấy khỏe ra.
QUANG MINH