Viết và vẽ giữa chiến trường

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 11:43, 29/12/2014

Mười năm làm báo giữa đạn bom, vũ khí của ông là cây bút, trang giấy và máy ảnh. Hơn trăm số báo qua tay ông đã trở thành người bạn tinh thần cùng các chiến sĩ đi đến ngày chiến thắng.



Ở tuổi 70, họa sĩ Vũ Đình Trọng vẫn miệt mài sáng tác


Từ trong khói lửa

Chiều mùa đông có nắng, trong căn nhà nhỏ ở phố Đinh Văn Tả (TP Hải Dương), người đàn ông có mái tóc bạc trắng đang lụi cụi xếp giá vẽ, pha màu. Trên tường, bức tranh tái hiện giờ nghỉ giải lao của các chiến sĩ giữa rừng Trường Sơn vẫn còn tươi mới, như thể ông vừa trải qua khung cảnh ấy ngày hôm qua. Ông khoe: “Bức này tôi sáng tác năm 2014, được Hội Mỹ thuật Việt Nam hỗ trợ kinh phí sáng tác, nhưng tranh ký họa thì tôi đã vẽ cách đây hơn 40 năm rồi”.

Ông được biết đến với tên gọi họa sĩ Vũ Đình Trọng. Với nhiều thế hệ học sinh nuôi ước mơ thi đỗ các trường mỹ thuật, kiến trúc trong tỉnh thì ông là thầy dạy vẽ có uy tín. Không phải ai cũng biết, bên cạnh cây cọ vẽ, ông từng có mười năm làm báo giữa chiến trường. “Tôi nhập ngũ khi đang là nhân viên đo đạc, vẽ bản đồ ở tận Hà Giang. Năm 1964, khi vừa trở thành anh bộ đội, tôi được cử đi học viết báo ở Tổng cục Chính trị 3 tháng. Sau đó, tôi được điều về làm báo cho Đoàn 509, Bộ Tư lệnh Trường Sơn và gắn bó với công việc này cho đến ngày giải phóng”, ông bồi hồi nhớ lại. Làm báo ở chiến trường, trong điều kiện sơ khai và thiếu thốn, chỉ có một mình là chuyên trách, ông phải đóng đủ các vai trò: tổ chức tờ báo, tiếp nhận tin bài, làm phóng viên, biên tập, họa sĩ trình bày. Những công việc ấy gắn bó với quãng đời gian khổ nhưng hào hùng và đầy niềm tin nên sau 40 năm ông vẫn nhớ rõ về “đứa con tinh thần” của Đoàn 509 ngày ấy. Đó là tờ báo khổ A3, 8 trang, mỗi tháng ra một số, được phát tới các tiểu đội của Đoàn 509 và những đơn vị đóng xung quanh.

"Không còn nhiều những kỷ vật hữu hình nhưng mười năm sống và chiến đấu bằng ngòi bút luôn sống động trong tâm khảm ông, để rồi lại hóa thân thành những bài thơ, những bức tranh"…
Một tháng mới có một số báo nhưng chỉ có mình ông làm chuyên trách nên công việc lúc nào cũng bận rộn. Những khi ở nơi đóng quân, cứ từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng là ông trực điện thoại, tiếp nhận tin bài từ các đơn vị gửi về. Gửi bài lúc nửa đêm là khoảng thời gian đường dây điện thoại rảnh rỗi nhất. Ghi không xuể, ông phải dùng máy ghi âm rồi sau đó ngồi nghe và viết lại ra giấy. Khi đi thực tế viết bài, cũng trong khoảng nửa đêm rạng sáng ấy, ông phải tìm nơi có điện thoại để gửi tin bài về. Tờ báo in ty-pô nhưng chỉ có vài ba mẫu chữ nên các tít phải vẽ tay, khắc gỗ để in. Không thể in được ảnh nên các tranh minh họa cũng khắc gỗ. Thiếu thốn đủ bề như thế song tờ báo vẫn có chế độ nhuận bút cho người làm. Viết một bài báo, các chiến sĩ được nhận 10 tập giấy, 1 lọ mực và 1 cây bút kim tinh. Những cộng tác viên tích cực, có nhiều bài chất lượng tốt thì 6 tháng được thưởng 1 cái đài Nhật 3 băng hoặc 1 đồng hồ Senko. Đó là những vật dụng rất quý giá giữa chiến trường nên cách tưởng thưởng cho người làm báo cho thấy món ăn tinh thần này được coi trọng tới mức nào.

Họa sĩ Vũ Đình Trọng nhớ nhất những chuyến đi công tác xuống các đơn vị chiến đấu lấy thông tin. Hành trang lên đường của ông lỉnh kỉnh những giấy, bút, máy ghi âm, máy ảnh. Ảnh chụp ra không in lên báo được nhưng ông vẫn chụp, tự in tráng rồi treo cho các chiến sĩ xem. Không chỉ làm nhiệm vụ của một phóng viên, với ngọn lửa đam mê hội họa, ông tranh thủ vẽ ký họa ở khắp nơi. Biết bao lần ngay sau trận đánh, ông ngồi vẽ giữa ngổn ngang cát đá, cây rừng, xung quanh mịt mù khói lửa. Lần nào cũng phải vẽ thật nhanh bởi trang giấy trắng giữa rừng có thể trở thành mục tiêu cho quân địch. Những bài báo, những bức tranh ký họa của ông đã ra đời như thế, trong điều kiện đặc biệt đến khó tin. Chiến thắng cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được làm nên bởi muôn vàn những điều khó tin như thế.

Ám ảnh khôn nguôi

“Ngày đầu tiên hành quân vào tới nơi đóng quân là ngầm Ca Tang ở miền tây Quảng Bình, tôi chứng kiến khung cảnh chiến trường ngay sau trận đánh thật rùng rợn. Xe ô-tô cháy nghi ngút dưới ngầm. Phía bờ bên kia, một đoàn văn công vẫn đang biểu diễn. Ngay lập tức tôi tách khỏi đoàn, lấy giấy bút vẽ cô văn công đang múa hát ấy”. Đó là kỷ niệm đầu tiên ở chiến trường ghi dấu ấn trong ký ức họa sĩ Vũ Đình Trọng. Sự bi tráng của cuộc chiến được khắc họa bằng hình ảnh đầy ám ảnh: tiếng hát, cái đẹp đồng hành cùng khói bom. Những tiết mục biểu diễn của các cô văn công ấy cũng như những tờ báo ông làm là món ăn tinh thần tiếp sức cho các chiến sĩ đi đến ngày chiến thắng.

Trong mười năm ở chiến trường, họa sĩ Vũ Đình Trọng đã vẽ hàng trăm bức ký họa, hàng trăm bản khắc gỗ để in. Không có điều kiện dựng tranh hoàn chỉnh, ông muốn lưu giữ những khoảnh khắc khó quên bằng ký họa để sau này sẽ dựng thành tranh. Ý định ấy chưa bao giờ nguội tắt trong ông bởi ông tin kết cục cuối cùng của chiến tranh sẽ là chiến thắng. Ông đã gửi về nhà một hòm tranh ký họa và bản khắc gỗ. Tiếc là trận lụt lịch sử năm 1971 đã phá hủy hoàn toàn chỗ “của để dành” này của ông. Những gì còn lại là một số tranh ký họa ông mang bên người và ký ức về cuộc chiến, là thứ không dễ dàng bị phá hủy hay lãng quên. Từ trong trí nhớ, với những nỗi ám ảnh khôn nguôi, ông tiếp tục tái hiện những khoảnh khắc đầy ấn tượng của những năm tháng hào hùng trên các cung đường Trường Sơn ngày ấy. Ông đã tham gia 2 triển lãm tranh của các cựu chiến binh để gây quỹ “Nghĩa tình đồng đội”. Một số kỷ vật đem về từ chiến trường của ông được Bảo tàng đường Hồ Chí Minh sưu tầm để lưu giữ và trưng bày. Đó là những vật dụng gắn bó với công việc làm báo và sáng tác của ông như vỏ đựng máy radio tự tạo bằng mảnh xác máy bay, máy ảnh, hộp thuốc cá nhân, tranh vẽ… Không còn nhiều những kỷ vật hữu hình nhưng mười năm sống và chiến đấu bằng ngòi bút luôn sống động trong tâm khảm ông, để rồi lại hóa thân thành những bài thơ, những bức tranh…

Chỉ lên bức tranh đang vẽ dở, ông giới thiệu: “Bức này tôi vẽ cảnh đảo cò Chi Lăng Nam. Nhìn quê hương, đất nước mình tươi đẹp, thanh bình thế, những người lính một thời như chúng tôi cảm thấy thanh thản và tự hào vì mình đã cống hiến một phần vào công cuộc bảo vệ sự thanh bình, tươi đẹp ấy”.


VIỆT HÒA