Ấn tượng Ban nhạc Anh Em

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 07:39, 30/12/2014

Nói là “ban nhạc”, nhưng không phải ban nào cũng được đầu tư về nhạc cụ và có phong cách riêng như Ban nhạc Anh Em ở thôn Phương Quất (xã Lạc Long).



Một buổi tập luyện của Ban nhạc Anh Em

Huyện Kinh Môn hiện có hơn 60 ban nhạc đám cưới. Nói là “ban nhạc”, nhưng không phải ban nào cũng được đầu tư về nhạc cụ và có phong cách riêng như Ban nhạc Anh Em ở thôn Phương Quất (xã Lạc Long).

Anh Phạm Đình Luyện, trưởng ban nhạc, tóc buộc túm, quần bò mài, áo phông đen, không chỉ giỏi về tay trống, tay đàn mà giọng hát cũng rất “chất”. Năm 1992, Ban nhạc Anh Em ra đời gồm 5 anh em trong nhà. Nay thay thế bằng đàn con cháu trẻ hơn, người nhiều tuổi nhất cũng chỉ ngoài 40. Anh Luyện bồi hồi kể lại: “Ngày đó tôi 12 tuổi, thấy bố và các chú đi biểu diễn cho đám cưới, tôi cứ đòi đi theo. Bố và các chú chỉ làm đồng ruộng, biết đàn biết hát chủ yếu do tự học lẫn nhau. Vào nghề, cả nhà gom tiền mua được dàn trống, ghi ta rẻ tiền, lúc tập chỉ dám đem xoong, chậu nhôm ra sân khua gõ rỉnh rảng, hát hò ầm ĩ, hàng xóm thích thú xem chật cả sân". Như có duyên, nhiều đám cưới trong làng, xã mời các anh đến hát. Đám mời xa nhất là bên Chí Linh. Xe máy chưa có, các anh đi bằng mấy cái xe đạp cũ. Trống buộc đằng sau, gió mạnh thổi tung xuống chân đê. Nay đã khác, mặc dù còn khó khăn, vẫn phải mưu sinh thêm bằng nhiều nghề như làm nông nghiệp, làm cơ khí nhưng các thành viên vẫn hết lòng đầu tư cho nghề diễn. Ban đã sắm về bộ nhạc cụ và sân khấu trị giá 600 triệu đồng, tất cả sẵn sàng cho một sân khấu hoành tráng. Nhạc cụ mới giúp các anh phát huy hết khả năng chơi nhạc. Hiện ban nhạc gồm 1 người dẫn chương trình, 4 thành viên vừa đàn vừa hát là 1 trống cơ, 1 organ, 2 ghi ta. Hằng tuần, hằng tháng, các thành viên lại họp nhau trao đổi kỹ thuật chơi nhạc cụ, luyện tập bài tủ, cập nhật ca khúc mới. Các ban khác lúc biểu diễn có thể chỉ một “que” (tức là một nhạc công), nhưng Ban nhạc Anh Em lúc nào cũng đủ 4 “que”, không bao giờ tách rời nhau dù sự kiện nhỏ hay lớn. Đầu tư hoành tráng, biểu diễn chuyên nghiệp, cát-sê vừa phải so với các ban nhạc khác nên Anh Em được nhiều nơi yêu mến mời diễn. Khách hàng lan ra toàn tỉnh và ngoài tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng. Hầu như tháng nào ban cũng bận “chạy sô”, cao điểm từ 18-20 đám cưới, ít cũng từ 8-10 đám. Các lễ hội trong làng, xã, Anh Em đều là chủ công đạo diễn các tiết mục, kể cả dân ca, quan họ...

Anh Em đang từng bước rèn luyện tay nghề để mong ước ngày gần nhất tiếng hát của mình nhân dân mến mộ hơn. Chứng minh cho điều đó, ngày 22-11, Anh Em tổ chức “Đêm giao lưu văn nghệ cho những người yêu nhạc huyện Kinh Môn”. Đêm giao lưu có sự hội ngộ của một số ban nhạc trong huyện, trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đêm diễn được đông đảo nhân dân đến xem. Vừa được uống trà, ăn bánh kẹo, người xem lại được nghe nhạc miễn phí. Sân khấu thiết kế hoành tráng, âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp. Các tiết mục đan xen nhạc trẻ, nhạc cách mạng, dân ca. Anh Nguyễn Văn Doanh, thôn Trung Hòa, xã Thăng Long nhận xét: “Ở nông thôn có ít chương trình giải trí như này. Có thì cũng mất tiền mua vé, mà tiết mục thì lèo tèo. Buổi diễn hôm nay ấn tượng và giàu cảm xúc”. Anh Phạm Văn Thành, trưởng một ban nhạc đánh giá: “Chương trình giao lưu này đã từng tổ chức hai lần năm 2012 và 2013 ở xã An Phụ và Thái Thịnh nhưng lần này chuyên nghiệp hơn, hấp dẫn hơn. Qua đêm diễn, anh em được học hỏi nâng cao nghiệp vụ, gắn kết những người yêu nhạc với nhau”. Còn với Ban nhạc Anh Em, đây là lời cảm ơn của ban đối với sự yêu mến của nhân dân dành cho họ trong suốt những năm qua.

NGÔ HUỆ