Dẫu đi đâu vẫn nhớ…

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 16:46, 08/01/2015

Bài thơ “Nỗi nhớ những chân trời” của Trần Mai Hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng, tạo nên một dư âm, ám ảnh trong lòng người đọc tình yêu và trách nhiệm với quê hương, đất nước. Sau mỗi chuyến đi dài tới những vùng đất khác nhau trên trái đất, tác giả càng thấm thía quy luật vận động của trái đất, của mỗi đất nước và của mỗi con người: “Trái đất bay theo  quỹ đạo muôn đời”. Câu thơ hàm ý sâu rộng làm sáng lên một hiện thực: “Sau mỗi vạch địa cầu vô thức/Nhân loại đêm ngày trăn trở, sinh sôi...” và: “Ở đâu con người cũng lo toan tần tảo/Khao khát tự do hạnh phúc yên bình”. Đó phải chăng là lẽ sống của mỗi con người, mỗi dân tộc trên trái đất này. Điều đó chỉ có được khi con người nỗ lực phấn đấu không ngừng phù hợp với xu thế của thời đại. Từ cảm nhận mang cấp độ toàn cầu ấy, tác giả trải lòng với nhân vật trữ tình “Em” và thao thức cùng mỗi nhịp đập của trái tim Tổ quốc.

Từ những chuyến đi dài đã: “Nên quen”, thân thuộc, tác giả có một sự liên tưởng thật độc đáo: “Những kinh tuyến như chỉ màu ngũ sắc”. Chính sợi “chỉ màu ngũ sắc ấy”: “Buộc hồn ta bên những  nẻo trời”. Cứ ngỡ bài thơ sẽ dẫn người đọc tới những bến bờ xa đầy hoa thơm cỏ lạ nhưng tác giả lại thấy thấm thía hơn quy luật của con người trong sự vận động khách quan của nhân loại, tuy khác nhau về địa lý, dân tộc nhưng chung nhau niềm: “Khao khát tự do hạnh phúc yên bình”. Dẫu mỗi dân tộc, mỗi đất nước có một số phận cùng sự may rủi và thăng trầm riêng nhưng từ trong trái tim mỗi người vẫn ngân lên khúc ca khát sống, khát yêu. Vâng! Tôi đồng cảm cùng tác giả, con người ta lao động, chiến đấu, anh dũng hy sinh phải chăng chỉ để vươn tới một cuộc sống ngày một tươi đẹp hơn, điều tưởng như đơn giản ấy chính là lẽ sống của mỗi dân tộc, mỗi con người.

Khi đã thấu hiểu chân lý của cuộc sống, tác giả hướng về đất mẹ xa xôi nơi “cuối trời”, đấy là “quê mình” thân thương, nơi “Có nỗi nhớ chia đôi bờ nhật nguyệt” và thật bất ngờ khi tác giả trải lòng với nhân vật trữ tình “Em” với một câu hỏi trống: “Hồn viễn xứ về nẻo cũ không em”. Câu hỏi mà lời đáp dành cho không chỉ riêng “Em” và tác giả.

Bài thơ khép lại với hình ảnh: “Giấc mơ bay về miền xanh thẳm/Cánh khép rồi lòng chẳng chịu yên...”. Giấc mơ mang đôi cánh lung linh sắc màu của tinh thần lãng mạn, của niềm tin yêu trăn trở với vận mệnh của Tổ quốc vỗ cánh mãi trong lòng người đọc, khơi gợi ý thức công dân với quê hương, đất nước, với những người thân yêu nhất, mở ra những sáng tạo nghệ thuật đa chiều.

Bài thơ có kết cấu khá chặt chẽ, mạch thơ tự nhiên cùng những hình ảnh nghệ thuật khá đắt và tư tưởng, tình cảm với quê hương, đất nước làm cho bài thơ mang một diện mạo mới. Phải có một tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước, tác giả mới viết được những câu thơ như vậy. Cảm ơn tác giả Trần Mai Hưởng đã bằng một lời tâm tình nhỏ nhẹ thủ thỉ nhưng đã nói được một tình cảm lớn.

Nỗi nhớ  những chân trời


Tạm biệt nhé, những miền xa xôi lắm
Đã nên quen qua mỗi chuyến đi  dài
Những kinh tuyến như chỉ màu ngũ sắc
Buộc hồn ta  bên những  nẻo trời

Từ Đông sang Tây từ Nam lên Bắc
Trái đất bay theo quỹ đạo muôn đời
Sau mỗi vạch địa cầu vô thức   
Nhân loại đêm ngày trăn trở, sinh sôi...

Ở đâu con người cũng lo toan tần tảo
Khao khát tự do hạnh phúc yên bình
Mỗi dân tộc riêng từng  số phận
Những rủi may và bao nỗi thăng trầm

Từ nơi xa  ngoảnh  nhìn  đất nước
Cuối trời kia nơi ấy quê mình
Có  nỗi nhớ chia đôi bờ nhật nguyệt
Hồn viễn xứ về nẻo cũ không em

Những chân trời chập chờn thao thức
Vầng sáng muôn màu vẫy gọi đêm đêm
Giấc mơ bay về miền xanh thẳm
Cánh khép rồi lòng chẳng chịu yên...


TRẦN MAI HƯỞNG


 TRẦN VÂN HẠC