Chuyển động 24h gây tranh cãi khi ví người mua vé bóng đá như "hổ đói"
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 09:50, 22/01/2015
Cụ thể, phần lời bình trong phóng sự có đoạn: “Bàn bán vé nhỏ, hai nhân viên ngồi sau song sắt. Cảnh tượng này khiến quý vị liên tưởng đến điều gì? Nếu những chiếc vé là miếng mồi ngon thì có lẽ phải ví những người chen chúc mua vé là những chú hổ đói. Một so sánh vui để thấy rằng, nhu cầu mua vé để xem trận đấu ngày mai tại sân Lạch Tray đang lớn thế nào. Một cảnh tượng hiếm thấy trong vài năm gần đây tại Hải Phòng”, trích lời bình được đọc trong clip phóng sự.
Để khán giả truyền hình có thể "hiểu rõ" ý tứ của cách so sánh “mồi ngon – hổ đói”, phóng sự còn lồng ghép ảnh những người bám vào song sắt chờ mua vé với ảnh một con hổ bị nhốt trong chuồng.
Ngay sau khi chương trình được phát sóng, rất nhiều khán giả đã lên Facebook, các diễn đàn để bày tỏ sự bất bình với cách so sánh của Chuyển động 24h.
Nickname Lubu bức xúc: “Nhà đài lại ví con người với con vật, mà ở trạng thái con vật nhất, bản năng nhất: đang đói. Nói thôi đã đủ xúc phạm, lại còn thêm phần hình ảnh minh họa cho sinh động. Tôi không biết đó là phe vé hay người đi mua vé vì muốn xem một trận đấu hay, dù là ai thì họ cũng không đáng bị xúc phạm như vậy”.
Nickname Vũ A bày tỏ: “Tôi cũng đang cố suy ngẫm để hiểu dụng ý của phương pháp so sánh này, quả thực thì báo chí, đặc biệt là truyền hình, ít khi dùng thủ pháp so sánh con người với thú vật”.
Nickname Ngô Trung V. giải thích vấn đề theo góc nhìn đa chiều hơn: “Chuyển động 24 giờ muốn so sánh cơn khát vé (của dân phe) giống như con hổ đói đang thèm miếng ăn. Họ không có ý so sánh con người với con thú. Tuy nhiên cách nói kiểu này phù hợp với trà đá vỉa hè chứ không thể đưa lên sóng truyền hình quốc gia và cũng không thể đưa hình ảnh ra để so sánh”.
Dễ nhận ra trong văn hóa người Việt, việc đánh đồng con người và một đối tượng khác thấp hơn là khó chấp nhận. Dẫu rằng ở một lát cắt nào đó, việc xem xét cảm xúc - phản ứng và biểu hiện của hành vi ở con người có thể bị đẩy lên cao cũng không thể được đặt trong sự so sánh đau xót như thế... Và sự xúc phạm dù cố tình hay vô tình cũng đã tồn tại! Nếu đó là ngôn từ, thì có thể sự ví von hay sự diễn cảm mang tính hài hước có thể làm nhẹ đi vấn đề. Và nếu có sai sót thì đó chỉ là sai sót về ngôn từ trong biên tập - thể hiện lời dẫn - lời bình... Nhưng nếu cái sai được cộng hưởng bởi hình ảnh thì có lẽ sai sót này có phần "non cơ". Dẫu sự phản ánh có thể thẳng thắn, dẫu sự 'công kích" một thói xấu hay một chuỗi hành vi thiếu cân bằng... nhưng đừng đẩy vấn đề quá mức và thiếu tính giáo dục... Cái nhìn nhân văn và giáo dục nếu có trong kiểu đưa tin hay bình luận này đã thiếu cân bằng, cân nhắc. PGS TS Huỳnh văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam |
Theo Ihay