Quy định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến
Tin tức - Ngày đăng : 16:04, 28/01/2015
Từ ngày 15-1, Quy định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 1362-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có hiệu lực thi hành.
Theo đó, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy các cấp; các đảng đoàn, Ban Cán sự đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cơ quan đảng các cấp; chi ủy, chi bộ; HĐND, UBND các cấp; các cơ quan của HĐND, UBND các cấp; lãnh đạo Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có trách nhiệm tiếp thu ý kiến đóng góp của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tôn trọng và tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý; công khai, phản hồi việc tiếp thu ý kiến với chủ thể góp ý kiến; cam kết, sửa chữa, giải trình những vấn đề cần làm rõ hoặc những vấn đề không tiếp thu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến góp ý.
Cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp thu ý kiến định kỳ, thường xuyên và đột xuất. Hằng tháng, các cơ quan nhà nước các cấp tổng hợp các ý kiến góp ý thường xuyên, báo cáo công khai tại cuộc họp, thảo luận, trả lời việc tiếp thu, sửa chữa và gửi ý kiến đó đến các chủ thể có văn bản chuyển đến.
Khi có những ý kiến góp ý đột xuất vào các văn bản dự thảo do cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước gửi đến MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội hoặc đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thì cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước phải thảo luận, tiếp thu ý kiến đóng góp, đồng thời trả lời bằng văn bản việc tiếp thu, sửa chữa, bổ sung.
PV