Côn Sơn suối chảy rì rầm

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 17:35, 14/02/2015




Thảm rừng gồm cả thông cổ thụ và cây mới trồng đã bao phủ rộng khắp núi Ngũ Nhạc
 và núi Côn Sơn sẽ tạo nên nguồn sinh thủy cho suối


Sinh thời Nguyễn Trãi, dù bị giặc Minh quản thúc giam lỏng trong thành Đông Quan hay mười năm kháng chiến gian khổ cùng Lê Lợi, cả trong giấc chiêm bao ông luôn tưởng nhớ về núi nhà - Côn Sơn, Chi Ngãi. Trở về Côn Sơn ngay sau ngày chiến thắng, câu thơ Nguyễn Trãi thốt lên niềm ao ước:


Bao giờ nhà dựng đầu non
Pha trà nước suối gối hòn đá ngơi (*)


Rừng suối Côn Sơn với ông thật hợp cảnh hợp người

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm
Giữa rừng thông mọc như nêm...


Cùng núi mây, thông, trúc, suối Côn Sơn chảy giữa thung lũng một bên là núi Kỳ Lân một bên núi Ngũ Nhạc không chỉ tạo nên cảnh quan ngoạn mục, mà từ lâu dòng suối được coi như nguồn mạch của sự sống, của tâm linh, tưởng không bao giờ bị vơi cạn. Vậy mà mùa này suối đã khô cạn đến mức khó tìm được một vũng đọng để có thể múc nước pha trà! Tôi chậm bước lên núi theo từng bậc đá, nghĩ mà thương cho những cây thông, khóm trúc, cuối đông lá vẫn xanh tươi nhưng không còn được ngả bóng xuống dòng nước trong. Dưới lòng suối chỉ thấy phơi ra những hòn đá mấp mô, hòn to hòn nhỏ đều tròn nhẵn. Đáng buồn thay cho cây cầu bê tông cốt thép cong cong mới dựng qua suối. Kiểu dáng thượng gia hạ kiều, cũng mang tên là cầu Thấu Ngọc như cầu gỗ ngày xưa của cụ Trần Nguyên Đán mà dưới cầu chỉ là những hàng cột bê tông cắm vào lòng suối cạn! Con đường lát đá lượn trên bờ suối lên tới thượng nguồn thì phía trái rẽ lên đỉnh Bàn Cờ Tiên núi Kỳ Lân, phía phải rẽ qua cây cầu nhỏ lên đỉnh núi Ngũ Nhạc. Đường xây đá Ninh Bình rộng trên dưới hai mét, thật tiện cho khách du lịch, đỡ mỏi chân trèo núi, nhất là người già, trẻ em. Nhưng trong tôi không còn thấy rung động như trước đây, vén cây lựa đá leo theo lối mòn sỏi đá lạo xạo với cảm xúc bồi hồi mình đang bước theo dấu chân của người xưa. Tôi cảm thấy có sự mất mát, nuối tiếc, vì nó hiển diện cụ thể với hình hài khác, nó án ngữ trí tưởng tượng từ lâu trong tôi về cảnh cũ, người xưa.

Dấu người đi là đá mòn
Đường hoa vấn vít trúc luồn
Cửa song rãi xâm hơi nắng
Tiếng vượn vang kêu cách non
Cây rợp tán che am mát
Hồ thanh, nguyệt hiện bóng tròn
Rùa nằm, hạc lẩn nên bầu bạn
Ủ ấp cùng ta làm cái con. (*)


Cái hồn của Côn Sơn là thiên nhiên thơ mộng, một không gian thanh vắng, u tịch, nói theo cụ Trần Nguyên Đán là Thanh hư - trong xanh và hư vô. Do vậy Côn Sơn không thích hợp với những gì ồn ào, phô trương, tô vẽ. Đây là nơi chốn để người ta đến chiêm nghiệm, thanh lọc, dưỡng tâm... Đây là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn như nguồn suối trong lành...

Sau nhiều năm bền bỉ trồng cây, bảo vệ, thảm rừng gồm cả thông cổ thụ và cây mới trồng đã bao phủ rộng khắp núi Ngũ Nhạc và núi Côn Sơn. Nguồn sinh thủy cho suối đã tốt lên. Theo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Chí Linh, nguyên nhân suối cạn có thể do thảm thực vật còn mỏng, do sự giảm sút mực nước nền của vùng này, đã thấp hơn 30 cm so với mức nước thủy triều cách đây khoảng hai chục năm. Thế kỷ thứ 14, thời cụ Nguyễn Trãi chưa có đê ngăn chắn, thủy triều vào sông Kinh Thày dâng nước lên tận sông Đông Mai, lưu vực xã Cộng Hòa bây giờ, nơi suối Côn Sơn đổ ra. Người xưa đậu thuyền rồi lên đi bộ vào chùa Hun. "Nước biếc, non xanh thuyền gối bãi" - câu thơ Nguyễn Trãi chắc là tả cảnh ấy. Còn theo một nhà khoa học về địa chất thủy văn thì do chuyển động địa tầng của vòng cung núi Chí Linh - Đông Triều bị đứt gãy, nên nước ngầm các sông suối - bị tiêu thoát. Nếu quả như vậy, nói theo ngôn ngữ thời buổi công nghệ thông tin thì chỉ còn biết... botay.com!

Nhưng suối Côn Sơn dường như đã mách bảo tôi không hẳn là như vậy. Sự cạn kiệt của dòng suối cần tìm nguyên nhân cả ở những cây cọc bê tông chịu lực cắm xuống lòng suối đỡ cầu Thấu Ngọc và cầu ở thượng nguồn nối sang đường lên núi Ngũ Nhạc. Liệu rằng việc khoan, đào các hố móng cọc có làm tổn thương đến nền địa chất của lòng suối như lòng máng dẫn nước vốn đã ổn định hàng nghìn năm rồi? Qua cầu một đoạn vẫn nghe có tiếng nước chảy róc rách. Trong vắng lặng của rừng chiều tiếng suối càng rõ, vang vọng đâu đó dưới thung sâu. Thoạt nghe như tiếng kêu than khắc khoải, lại như lời nhắn nhủ rằng vẫn đang hiện diện của sự sống ngọn nguồn. Không phải chờ đến mùa hạ mưa rào, khi xuân sang mưa phùn đủ ướt rừng thì nước cũng thấm đẫm lòng suối...Đứng trên đỉnh Bàn Cờ Tiên núi Côn Sơn nhìn về hướng đông bắc là thấy dãy núi Đá Bạc tên chữ là Tam Tiêm, nơi có phần mộ Nguyễn Phi Khanh. Tương truyền khi Nguyễn Trãi và em là Nguyễn Phi Hùng theo cha cùng với quan quân nhà Hồ bị giặc Minh bắt giải về Kim Lăng (Trung Quốc), đến ải Nam Quan ông bảo Nguyễn Trãi quay về tìm kế đuổi giặc cứu nước trả thù cho cha, chỉ để Nguyễn Phi Hùng theo cha chăm sóc. Nguyễn Phi Khanh qua đời nằm lại ở xứ người. Mấy năm sau Nguyễn Phi Hùng đã đưa hài cốt của cha về nước đặt phần mộ ở chỗ thế đất có hình đài sen trên một đỉnh núi Đá Bạc. Từ đó, dân gian gọi là núi Báo Đức. Nguyễn Thiện Thuật, lãnh tụ khởi nghĩa Bãi Sậy chống thực dân Pháp cuối thế kỷ 19 người huyện Mỹ Hào (Hưng Yên), là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Trãi. Một lần do việc quân gấp gáp không thể lên núi viếng mộ tổ, ông bày lễ vật ở dưới chân núi vái vọng lên. Từ đó núi Đá Bạc có thêm tên là núi Bái Vọng. Các cụ ta từ xưa vẫn bảo: Có đức mặc sức mà ăn. Đức lớn của

Các cụ ta từ xưa vẫn bảo: Có đức mặc sức mà ăn. Đức lớn của Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" (Bình Ngô Đại Cáo)

Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" (Bình Ngô Đại Cáo). Ông về hưu ở Côn Sơn nhưng vua Lê vẫn giao công việc triều chính và rồi ông bị thảm án tru di tam tộc. Người có đức lớn như ông thì kẻ tiểu nhân độc ác đã không thể tận diệt. Trong cuộc triệt hạ bất ngờ, một người học trò của ông bí mật đưa bà vợ thứ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Mẫn đang mang thai trốn sang đất Lào. Bà sinh Nguyễn Anh Vũ. Hai mươi năm sau vua Lê Thánh Tông nhận ra lòng dạ trung thần Nguyễn Trãi sáng như Sao Khuê, xóa án oan cho ông thì Nguyễn Anh Vũ xuất lộ, được mời ra làm quan. Lần này về Chi Ngãi chúng tôi mới biết hóa ra Nguyễn Trãi còn một người con trai nữa, với bà trẻ là Lê Thị Hà. Ông trưởng họ mở tộc phả cho biết, ngay sau hôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cùng con cháu bị hành quyết ở Thăng Long, quan quân triều đình ập về làng Chi Ngãi. Chúng lục tìm con cháu họ hàng nội ngoại của ông giải lên cánh rừng thuộc khu vực Bến Tắm bây giờ giết hết rồi quẳng xác xuống cái hố đào sẵn chất củi đốt. Từ đó chỗ ấy có tên là Hố Gồm! Bà Hà có lẽ chưa có danh phận nên đã chạy thoát xuống làng Hoa Quất (Kinh Môn), sống lẩn tránh trong một bãi sông hoang vắng! Bà sinh con trai, đổi họ là Nguyễn Đăng Đoán. Ông Đoán có cả thảy bảy người con trai, sau này trở thành bảy chi họ Nguyễn Trãi ở Kinh Môn. Bây giờ hậu duệ dòng họ Nguyễn Trãi tính từ cụ tổ Nguyễn Phi Khanh đã có hơn 20 chi từ khắp mọi miền đất nước. Hằng năm, con cháu vẫn về Chi Ngãi họp mặt giỗ tổ vào mồng 5-11 ta. Trong đó có đại diện ngành họ của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ở Phù Khê (Bắc Ninh)... Cuộc khảo cổ dưới nền nhà Tổ ở chùa Côn Sơn vừa phát hiện chân đế của tháp Cửu phẩm liên hoa. Các mảnh vỡ của cổ vật bằng đất nung rõ nét văn hoá thời Lý -Trần, đã xác định ngôi tháp được dựng vào thời Thiền sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Minh, Trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, căn cứ vào kích thước từ chân đế mà suy ra thì ngôi bảo tháp khá lớn: Chín tầng, cao khoảng 10 m, tọa trong ngôi nhà cao khoảng 12 m...Chúng tôi có lời mừng sư ông Thích Thanh Viễn, trụ trì chùa Côn Sơn. Sư ông rót mời nước chè xanh hãm trong cái tích sứ, chế thêm nước sôi từ phích, không ủ nóng như vẫn thường thấy. Nhìn qua cốc thủy tinh, màu nước chè không xanh đậm sóng sánh mà chỉ trong xanh nhè nhẹ, vị trà cũng không đậm chát nhưng dư vị thanh khiết thì lưu mãi trong cổ họng. Ông giới thiệu đây là chè xanh trồng ở vườn chùa, hái vào mỗi sớm trước lúc mặt trời mọc, được chọn lựa từng phiến lá mà ông gọi là "hoàn hảo". Điều đặc biệt là chè được pha hãm bằng nước của giếng Ngọc - giếng cổ bên tháp mộ Huyền Quang, ở chân núi phía sau chùa. Tương truyền giếng được làm theo ý nguyện của thiền sư. Tôi đề nghị sư ông giải thích vì sao cùng một nguồn sinh thủy, một tầng địa chất, giếng Ngọc ở độ cao hơn nhiều so với con suối dưới thung lũng, mà mùa này nước giếng vẫn đầy trong khi suối lại cạn?- Thưa vâng, từ xưa đến giờ giếng Ngọc bên tháp mộ sư Tổ quanh năm vẫn đầy nước...Sư ông thư thả đáp, giọng nhẹ nhàng, cười nhã nhặn, thoáng một vẻ an nhiên và bí ẩn. Chúng tôi thắc mắc vì sao đã vào cuối chiều mà cánh rừng bên suối không thấy có chim về ngủ, không nghe tiếng thú kêu, vườn cây trong chùa chỉ nghe có tiếng chim sẻ? Anh bạn nhà thơ cùng đi đọc bài thơ của Nguyễn Trãi vịnh cảnh Côn Sơn (mà tôi đã chép ở phần trên). Thơ ông nhắc đến tiếng vượn kêu cách non, nhắc đến rùa nằm, hạc lẩn vui đùa bầu bạn. Ngày xưa Côn Sơn đúng là chốn tiên cảnh!Sư ông vẫn cười nhã nhặn, mắt nhìn xa xôi:- Thưa, đêm xuống nhà chùa vẫn nghe vọng đến tiếng chim từ quy, chim bắt cô trói cột đấy chứ! Tết Vu Lan rằm tháng bảy năm nào nhà chùa cũng làm lễ phóng sinh...Tôi hiểu sư ông cũng có nỗi niềm, nhưng kiệm lời. Tôi chắc sư ông cũng đã có dịp hành hương đến Nê-pan, nơi khởi nguồn đạo Phật. Ông cũng đã nghe câu chuyện về nhà sư Thích Huyền Diệu, từ Pari (Pháp) quyên cúng nguồn tiền lớn sang đất Phật dựng một ngôi chùa Việt Nam. Nơi đây từng là nơi sinh sống của chim hồng hạc, loài chim lớn gần gũi với chùa chiền, cổ dài, chân cao, sải cánh rộng, có bộ lông màu hồng tuyệt đẹp. Nhưng chúng đã vắng bóng từ lâu do nạn săn bắn và tàn phá môi trường. Với nhiệt tâm và kiên trì, nhà sư đã cảm hóa được cả quan chức chính quyền và dân chúng ở đây bảo vệ rừng và tự nguyện từ bỏ săn bắn chim thú. Lâu dần điều lành kỳ diệu đã hiện diện: Chim hồng hạc trở về! Chúng làm tổ, đẻ trứng sinh sôi ngay tại rừng cây quanh chùa.Rừng Côn Sơn lâu nay chim thú đã tuyệt chủng vì nạn săn bắn. Đàn cò chiều chiều vẫn kéo về đậu trắng cả đảo trồng tre giữa hồ, nay chúng cũng đã bỏ đi, có lẽ di tản nhập bọn với rừng cò An Lạc dưới kia? Môi trường sống thân thiện, con người nhân ái, có tâm Phật thì tâm linh - một nguồn năng lượng bí ẩn vô hình nhưng vô cùng huyền diệu dường như đá núi, cây rừng, nguồn nước, chim muông... cũng đều cảm nhận được?Vào hội mùa xuân này, chùa Côn Sơn sẽ khởi công tôn tạo công trình tháp Cửu phẩm liên hoa. Một biểu tượng cao quý linh thiêng của nhà Phật sắp phục hiện. Liệu rồi điều huyền diệu với rừng suối Côn Sơn có trở lại?


(*) Thơ trích trong bài rút từ Ức Trai thi tập, Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi


NGUYỄN PHÚC LAI