Nhớ Phùng Quán
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 10:53, 18/02/2015
Chuyện dễ đến ba bốn mươi năm rồi. Hồi ấy Phùng Quán chắc là xuống Hải Dương chơi. Tôi khi đó đã phụ trách mảng văn hóa - văn nghệ của báo Lao Động, anh em Hải Dương vẫn gửi thơ, tranh biếm góp cho trang của tôi. Còn với nhà văn Phùng Quán tôi quen từ trước, mỗi lần sang Bộ Văn hóa họp báo đều hay ra quán chè chén 5 xu ngay cổng bộ hàn huyên với anh. Anh biên chế và ăn lương bộ, ở một vụ phong trào nào đó. Ai cũng biết anh là người có tài nhưng bị "thất sủng" từ hồi "Nhân văn". Về bộ chắc cũng ngồi chơi xơi nước là chính. Bởi lẽ tôi sang bộ làm tin, viết bài xoành xoạch mà chả thấy anh làm gì. Tuy nhiên ngồi trà lá với anh tôi lại có nhiều tài liệu để... "tư duy văn hóa" hơn là ngồi họp.
Một lần bộ tổ chức đoàn báo chí đi thực tế miền núi. Đợt ấy tôi bận không đi. Khi về, một nhà báo nữ (bạn tôi) kể cho nghe về chuyến đi. Cô này kể chuyện Phùng Quán tán mình. Tôi nghe thấy nóng tai...
Chuyện cũng đơn giản. Mấy nữ ký giả lần đầu nhìn thấy hoa chuối rừng nở đỏ rực bên sườn núi đều ồ lên thán phục. Phùng Quán đi bên, ghé vào tai cô nàng: Không phải hoa đâu, đó là trái tim Đan Kô cháy rực tình yêu đấy! Một câu tán đầy hình tượng văn chương, điển tích, cô nàng cũng có máu văn chương làm gì chả động lòng. Tôi hơi cáu, hỏi: "Có chuyện gì không?". Cô nàng cười: "Làm gì có, nhưng tán khéo lắm". Tôi yên tâm. Mấy hôm sau lại ngồi quán 5 xu với anh. Có một cô nàng áo đỏ đạp xe qua, ai cũng nhìn cánh "nhạn lai hồng". Tôi trêu Phùng Quán: "Như trái tim Đan Kô". Anh giật mình, trố mắt nhìn tôi: "Mẹ... Nó kể với mày thế à?". Rồi chúng tôi cùng cười xòa. Kể từ hôm ấy Phùng Quán vốn "mục hạ vô nhân", nhìn tôi có vẻ hơi nê nể.
Cuối năm 1973, tôi được tổ chức phân công đi học tiếng Nga để sang Liên Xô 5 năm, lấy thêm một cái bằng chuyên gia cao cấp về văn hóa để chuẩn bị cho sau này. Vợ tôi không khóc như hồi tôi đi Trường Sơn. Đúng là "Ba lô con cóc, anh đi em khóc/Va ly chữ nhật, anh đi em gật". Tuy nhiên, việc đi Tây thời chiến vẫn không được khoe. Thế mà không hiểu sao Phùng Quán biết. Hôm ngồi quán cóc 5 xu ở phố Ngô Quyền, Phùng Quán bảo tôi: "Mày được đi, còn tao...". Tôi biết, anh buồn với giấc mơ Đan Kô từ khi tôi còn học cấp 3. Nhưng mỗi người một số phận. Tôi lặng lẽ mời anh chén rượu suông: Hẹn khi về, anh Quán nhé!
Cuối năm 1979, tôi mới về, lại lao đi Campuchia ngay. Không gặp được Phùng Quán ở Hà Nội. Anh về miền Nam, cho ra đời "Tuổi thơ dữ dội". Vẫn là chuyện cũ. Nếu "Vượt Côn Đảo" làm nên tên tuổi Phùng Quán thì "Tuổi thơ dữ dội" đã vãn hồi tên tuổi của anh sau mấy chục năm trường chìm đắm. Phùng Quán viết "Vượt Côn Đảo" khi anh còn chưa qua tuổi thiếu thời. "Tuổi thơ dữ dội" là "ông già tuổi cao" vẫn chỉ viết về thời trai trẻ. Anh là nhà văn Việt Nam trẻ mãi...
Nhiều lần sau này bọn tôi hay đến nhậu tại quán cá Hồ Tây của gia đình anh bên cạnh Trường Chu Văn An, nhưng không gặp anh. Anh lang thang đâu đó, có thể là đang xuống Hải Dương uống rượu và hút thuốc lào với bạn văn tỉnh Đông. Rồi anh mất, mất là hết. Nhưng những ai biết anh, kể cả các bạn văn Hải Dương và tôi (quê Thanh Miện) vẫn nhớ anh. Anh như ngôi sao chổi bay qua bầu trời văn Việt Nam ít mà nhiều, nhiều mà ít. Không hiểu sao Tết này dở hơi thế nào khi nhớ quê, lại nhớ anh quá!
TRẦN ĐỨC CHÍNH