Lạm dụng rượu, bia, hiểm họa tai nạn giao thông
Tin tức - Ngày đăng : 07:52, 20/02/2015
Thử nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông
Từ ngày 15-12-2014 đến 28-2-2015, lực lượng công an sẽ triển khai ba đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trên toàn quốc. Đây là nội dung trọng tâm của hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
An toàn giao thông nói không với rượu bia! Đã lái xe - không uống rượu bia! Đã uống rượu bia - không lái xe! Uống rượu, bia và lái xe - Giá đắt phải trả... Những khẩu hiệu đã trở nên quen thuộc trong các chiến dịch bài trừ rượu bia khi tham gia giao thông. Tuy hoạt động tuyên truyền rầm rộ là vậy, nhưng tỷ lệ người lạm dụng rượu, bia trong đời sống vẫn không ngừng tăng. Say rượu, bia vẫn chiếm tỷ lệ 70% trong các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông trên toàn quốc. Nhận thức rõ trách nhiệm, để đẩy lùi tai nạn giao thông, lực lượng chức năng đã và đang quyết liệt hơn nữa xử phạt đối với việc vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.
Trong các chiến dịch, khuyến khích các địa phương áp dụng quy trình kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên theo kinh nghiệm quốc tế. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tăng cường biện pháp kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải khi xuất bến. Theo một kết quả nghiên cứu, rượu là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 đến 30%, ngoài ra rượu còn làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực. Rượu, bia gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác và quá trình xử lý, truyền tải hình ảnh tới não bộ, gây ước tính sai về khoảng cách... Người say rượu, bia dễ gây ra lỗi nguy hiểm, như chạy xe quá tốc độ quy định, vượt ẩu, đi sai phần đường; ngủ gật... hành vi của họ bất thường làm gia tăng mức độ rủi ro cho bản thân và những người người tham gia giao thông chung quanh.
Rượu, bia là thói quen, là thú vui ẩm thực truyền thống của người Việt, cho nên trên thực tế, cấm sử dụng gần như là điều không thể. Cần đưa ra những biện pháp linh hoạt nhằm phòng tránh, hạn chế người tham gia giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn, đó mới là điều khó. Mô hình kinh doanh bia, rượu an toàn giao thông sẽ được triển khai thí điểm tại ba đô thị lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới đây. Những điểm kinh doanh này sẽ là nơi trực tiếp tuyên truyền, vận động khách hàng không lái xe sau khi uống rượu, bia; bố trí các điểm trông giữ xe qua đêm cho khách và kết nối các dịch vụ vận tải công cộng an toàn để đưa khách về nhà sau khi uống rượu, bia... Bên cạnh đó, các cơ quan đơn vị có thể đưa ra quy định cấm cán bộ, công chức uống rượu buổi trưa trong các ngày làm việc, đề cao vai trò của tổ dân phố, khu dân cư, các dòng họ... có những bản cam kết mang tính chất khế ước xã hội như cam kết giảm khẩu phần rượu, bia khi tổ chức ma chay, cưới xin; sử dụng rượu, bia đúng mực, nhất là đối với nam giới...
Chiến dịch cưỡng chế đối với người vi phạm nồng độ cồn được công bố rộng rãi và thời gian thực hiện được thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Sẽ xử lý nghiêm người vi phạm không phân biệt người đó là ai, cán bộ hay dân thường, học sinh, sinh viên hay phu hồ khuân vác... Mới đây, ngay tại Thủ đô Hà Nội, một lái xe gây tai nạn sau khi uống rượu, bia, khi cơ quan chức năng tuýt còi, sẵn có hơi men, người vi phạm đã văng tục, mắng chửi, rồi có hành động “lạ”, rút thẻ chuyên viên ra “dọa” người thi hành công vụ! Thiết nghĩ, các chế tài luật cần mạnh hơn nữa để đủ răn đe đối với người phạm luật, bất kể họ là ai - đó là điều toàn dân thiết tha mong muốn, để đem đến môi trường giao thông an toàn cho cả cộng đồng.
Theo Nhân dân