"Rồng xanh" xuống núi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:21, 27/02/2015

Không chỉ được trồng nhiều ở vùng đất đồi mà giờ đây cây thanh long đã bén rễ đất đồng chiêm, cho hiệu quả kinh tế khá...



Hiện nay, diện tích trồng thanh long của tỉnh đã được mở rộng lên gần 200 ha, tăng gần 30 ha so với năm 2013


Cây thanh long có tên gọi thuần Việt là "rồng xanh" được trồng nhiều ở vùng đất đồi của thị xã Chí Linh và Kinh Môn. Giờ đây cây trồng này lại được đưa về trồng ở đồng bằng, giúp nông dân tăng thêm thu nhập.

Bén rễ đất đồng chiêm

"Tôi cứ tưởng cây thanh long chỉ thích hợp với vùng đất đồi khô cằn, sỏi đá, nhiều nắng, nhiều gió như đặc tính vốn có của loại cây cùng họ xương rồng. Vậy mà, những ngày rong ruổi đi bán hàng ở Thái Bình tôi lại thấy những ruộng thanh long nở hoa, đơm trái sum suê. Ý tưởng đưa cây thanh long về đồng đất quê mình nhen nhóm trong tôi từ ngày ấy”, anh Nguyễn Đình Đản ở thôn Phú Triều, xã Liên Hồng (Gia Lộc) kể.

Sau nhiều lần lân la tìm hiểu cách trồng, chăm sóc loại cây trồng mới này, anh Đản đã quyết định đưa cây thanh long về trồng ở quê mình. Đưa tôi đi thăm khu ruộng trồng thanh long ngay sát đầu làng, câu chuyện về hành trình đưa cây thanh long về đất Phú Triều của anh Đản vẫn chưa dứt. Anh bảo: "Hôm mang hơn 50 khóm thanh long về ươm ở vườn nhà, bố mẹ tôi đã nhất quyết không nghe bởi bao năm qua họ chỉ quen với trồng su hào, cải bắp, su-lơ nên không muốn trồng một loại cây mới lạ vốn có nguồn gốc ở miền Nam. Vậy mà sau nhiều lần đưa bố mẹ xuống Thanh Hà rồi lên Chí Linh tìm hiểu kỹ thuật trồng và hiệu quả kinh tế mà cây thanh long đem lại, tôi cũng thuyết phục được ông bà cho trồng thanh long".

Tháng 3-2013, những trụ thanh long đầu tiên của gia đình anh Đản đã được dựng ngay trên thửa ruộng gần nhà. "Hôm dựng trụ, nhiều người tò mò hỏi han nhưng rồi họ cũng thở dài bỏ đi. Có lẽ họ nghĩ bố con tôi đã làm chuyện lạ đời. Gần 1 năm sương gió nhọc nhằn, vừa làm vừa học, cây thanh long cũng cho quả ngọt đầu tiên vào tháng 6 âm lịch", ông Nguyễn Văn Quang, bố anh Đản nói. Vụ đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, cây thanh long nhà anh Đản chỉ cho quả nhỏ, khoảng 4 lạng/quả, nhưng cũng được tiểu thương tìm đến tận ruộng mua. Thời điểm rẻ nhất cũng bán được 20.000 đồng/kg, lúc đắt lên đến 45.000 đồng/kg. Năm ấy, gia đình anh Đản đã thu lãi 50 triệu đồng/sào. Thấy cây thanh long dễ trồng lại cho hiệu quả kinh tế khá, nhiều người cùng thôn với anh Đản như anh Trọng, anh Khuyến, anh Thao đã tìm đến nhà anh học hỏi kỹ thuật. Diện tích trồng thanh long của thôn tiếp tục được mở rộng.

Những vùng đất phù sa trù phú ở xã Thanh Lang (Thanh Hà) cũng là nơi cây thanh long bén rễ. Về đây tôi thấy từ nhà, ra ngõ đến ngoài đồng đâu đâu cũng thấy những nhánh thanh long uốn lượn như thân rồng ôm chặt lấy trụ đỡ, nảy những mầm xanh non. Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch UBND xã Thanh Lang (Thanh Hà) cho biết: "Cây thanh long được đưa về trồng ở Thanh Lang từ 5 năm trước. Ban đầu cây này chỉ được trồng để làm hàng rào nhưng sau đó được nông dân trồng nhiều trong vườn rồi ra ruộng. Cây thanh long đã có trụ đỡ và được chăm sóc cẩn thận hơn. Hiện toàn xã có khoảng 100 hộ trồng thanh long với diện tích hơn 100 ha". Cây thanh long dễ trồng, ít sâu bệnh, lại cho thu nhập khá nên đã có những gia đình ở đây trồng với quy mô lớn như gia đình ông Tăng Văn Châm, Tăng Bá Trình, Nguyễn Văn Giữa...

Nông dân xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) thường gọi thanh long là "cây trồng của người lười" bởi cây dễ tính, không cần nhiều công chăm sóc như những cây khác, lại rất ít sâu bệnh. "Nếu trồng ổi, cà chua người trồng bận rộn suốt ngày từ tỉa cành, bọc túi cho quả và phun thuốc sâu thì trồng thanh long nhàn hơn nhiều. Vì thế làng tôi bây giờ bạt ngàn thanh long từ ruột trắng, đến ruột đỏ", bà Nguyễn Thị Hạt ở thôn Đông Giàng nói.

Cho quả trái vụ

Mặc dù nông dân Thanh Hà đã quen với trồng ổi trái vụ nhưng để giúp thanh long ra quả giữa mùa đông rét mướt lại không đơn giản. Ông Tăng Văn Châm ở thôn Lang Can 1 cho biết: "Thanh long thường cho quả vào mùa hè bởi đây là cây trồng ưa nắng, cần nhiều nhiệt. Nông dân miền Nam giúp thanh long ra quả trái vụ bằng cách thắp đèn nhưng với mùa đông có những ngày lạnh thấu xương như ngoài Bắc thì thắp đèn chưa chắc đã hiệu quả. Trồng thanh long trái vụ lại cần tỉ mỉ và kiên nhẫn, thậm chí trải qua nhiều thất bại mới có thể thành công".

Nhiều năm trồng thanh long như ông Tăng Văn Trình ở thôn Lang Can 1 cũng phải lặn lội vào tận Bình Thuận để học kinh nghiệm chăm sóc cây thanh long cho quả trái vụ. "Trồng thanh long không khó nhưng để trồng thanh long cho quả trái vụ, đạt tiêu chuẩn lại không dễ. Người trồng phải biết thời điểm nào bón phân, phun thuốc. Ở mỗi giai đoạn, nông dân phải biết điều chỉnh số nhánh phù hợp, sau đó mới thắp đèn, chấm thuốc và giúp thanh long thụ phấn, ra quả trái vụ”, ông Trình cho biết. Đáp lại sự vất vả, kiên nhẫn của những nông dân, thanh long ra quả trái vụ là giá bán thanh long cao gấp đôi, gấp ba chính vụ. Năm nào cũng vậy, thanh long trái vụ ở Thanh Lang chín đến đâu đều được các tiểu thương thu mua hết đến đó.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014, toàn tỉnh có gần 200 ha thanh long, tăng hơn 30 ha so với năm 2013. Ban đầu cây thanh long chủ yếu ở Chí Linh, sau đó được mở rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. Do đây là cây trồng mới, diện tích trồng còn ít nên thanh long vẫn dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành: "Các cơ quan chức năng chỉ khuyến khích nông dân trồng thanh long ở những nơi đất đai khó canh tác không khuyến khích nhân rộng. Bởi nếu để nông dân trồng tràn lan không theo quy hoạch sẽ dẫn tới tình trạng thanh long khó tiêu thụ, giá bán thấp".

HẢI MINH