Dư nợ tăng ngay từ đầu năm
Thị trường - Ngày đăng : 08:06, 11/03/2015
Những tháng đầu năm nay, lần đầu tiên sau nhiều năm dư nợ của nhiều tổ chức tín dụng tăng trưởng dương, thể hiện dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế...
Từ đầu năm đến nay, cho vay công nghiệp hỗ trợ và tiêu dùng cá nhân ở các tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng khá
Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, dư nợ những tháng đầu năm tăng trưởng dương. Mặc dù mức tăng trưởng không lớn, nhưng đây là dấu hiệu khả quan, báo hiệu một năm thuận lợi cho hoạt động của ngành ngân hàng.
Dấu hiệu khả quan
Hết tháng 2 - 2015, dư nợ của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chi nhánh Hải Dương đạt 370 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cuối năm 2014. Đây là mức tăng khá nếu so với mức tăng trưởng âm cùng kỳ năm 2014. Với mức tăng này, ACB Hải Dương đã hoàn thành kế hoạch tăng trưởng dư nợ của 5 tháng năm 2015. Theo đánh giá của ông Trần Công Được, Giám đốc ACB Hải Dương, do năm 2014 là năm nhuận, Tết Dương lịch và Tết âm lịch cách xa nhau cộng với tình hình khả quan của nền kinh tế nên các doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) vẫn duy trì hoạt động bình thường trong tháng 1 - 2015. Ngoài ra, nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân của người dân dịp trước Tết Nguyên đán tăng mạnh cũng là yếu tố thuận lợi để dư nợ của ACB Hải Dương vẫn duy trì đà tăng trưởng như những tháng cuối năm 2014.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BIDV Hải Dương cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và chủ trương của BIDV cùng với những diễn biến tương đối thuận lợi về tình hình kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm, hoạt động tín dụng của BIDV Hải Dương đạt mức tăng trưởng khá. Hết tháng 2, dư nợ của BIDV Hải Dương đạt 4.778 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm cuối năm 2014. Đáng chú ý, dư nợ của BIDV Hải Dương tập trung chủ yếu ở khách hàng doanh nghiệp chiếm gần 80% tổng dư nợ với 3.998 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm 2014. Trong mảng tín dụng doanh nghiệp, BIDV Hải Dương tập trung vốn vào một số ngành chủ lực như công nghiệp chế biến, chế tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa và cho vay xuất khẩu. Đây đều là những lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ, góp phần giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động SXKD.
Theo đánh giá của NHNN chi nhánh Hải Dương, không chỉ ACB và BIDV Hải Dương có dư nợ tăng trưởng dương, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn nếu không tăng trưởng thì cũng duy trì quy mô như thời điểm cuối năm 2014 như BIDV Bắc Hải Dương, Agribank, MHB, Vietcombank Hải Dương... Hết tháng 2, tổng dư nợ của các TCTD trong tỉnh đạt khoảng 39.106 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cuối năm 2014. Mặc dù cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa và cho vay xuất khẩu giảm, nhưng cho vay công nghiệp hỗ trợ và tiêu dùng cá nhân tăng trưởng khá nên dư nợ cũng tăng nhẹ.
Hết tháng 2 - 2015, tổng dư nợ của BIDV Bắc Hải Dương đạt 1.400 tỷ đồng, tăng khoảng 2,5% so với cuối năm 2014
Cần tiếp đà
Theo đánh giá của lãnh đạo một số TCTD, thời điểm sau Tết Nguyên đán đòi hỏi các ngân hàng phải thực sự nỗ lực để tiếp đà tăng trưởng của 2 tháng đầu năm. Ông Trần Công Được, Giám đốc ACB Hải Dương cho biết, 2 tháng đầu năm, dư nợ của ACB Hải Dương tăng trưởng khá cao so với cuối năm 2014. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3, dư nợ có dấu hiệu giảm dần, nguyên nhân là sau Tết, người dân và doanh nghiệp vẫn còn tâm lý "ăn chơi", chưa thực sự bắt tay vào hoạt động SXKD. Thời gian tới, để tiếp đà tăng trưởng của những tháng đầu năm, ACB Hải Dương tiếp tục triển khai nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ nhóm khách hàng truyền thống là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, ACB Hải Dương nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới và chăm sóc tốt khách hàng cũ để họ gắn bó, sử dụng dịch vụ của ACB Hải Dương.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BIDV Hải Dương, thời gian tới, BIDV Hải Dương tiếp tục bám sát các chỉ đạo, định hướng hoạt động tín dụng của Hội sở chính, trên cơ sở nhóm khách hàng và hoạt động tín dụng của chi nhánh để triển khai chỉ đạo cụ thể trong hoạt động cấp tín dụng; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới các khách hàng tốt có năng lực tài chính tốt, dòng tiền ổn định. Đồng thời, BIDV Hải Dương tiếp tục rà soát khách hàng, triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường, tích cực tham gia các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, ngân hàng với trang trại, HTX, nông dân… Tăng cường công tác thẩm định nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm tra, giám sát vốn vay, kiểm soát nội bộ nhằm phát hiện kịp thời, phòng ngừa những rủi ro, bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng.
Theo yêu cầu của NHNN chi nhánh Hải Dương, thời gian tới, các TCTD cần tích cực huy động vốn, mở rộng tín dụng hợp lý, có hiệu quả. Cân đối vốn, tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao… Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Thực hiện nghiêm cơ chế điều hành lãi suất, tỷ giá của NHNN; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng, bảo đảm an toàn tài chính trong hoạt động của TCTD. Các ngân hàng tiếp tục thực hiện phương án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu theo lộ trình đã được phê duyệt; tích cực triển khai thực hiện Đề án "Ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ”...
Với những dấu hiệu khả quan từ những tháng đầu năm cộng với quyết tâm, sự sáng tạo của các TCTD cùng sự chỉ đạo quyết liệt, sát thực tế của NHNN tỉnh, dư nợ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đưa vốn ra thị trường sẽ giúp doanh nghiệp và người dân ổn định hoạt động SXKD.
VỊ THỦY