Đàn ông "tay hòm chìa khóa"
Đời sống - Ngày đăng : 09:37, 16/03/2015
Khi chị Thảo yêu anh Lân, bố mẹ tôi mừng lắm bởi anh Lân có nghề nghiệp đàng hoàng lại chững chạc, không rượu chè, không cờ bạc, rất giản dị và biết quan tâm đến gia đình.
Chỉ có tôi là “lăn tăn” vì thấy anh Lân không hào phóng như những chàng trai khác. Lần nào rủ tôi đi chơi cùng, anh cũng để chị Thảo trả tiền nước. Chị em tôi mua đồ gì anh cũng lảng, không bao giờ rút ví của mình. Tôi cảnh báo chị gái: “Người ta bảo muốn lấy cô chị phải mị cô em, vậy mà anh Lân cứ giả vờ như quên ví ở nhà. Chị cẩn thận kẻo lấy phải loại đàn ông chín xu đổi lấy một hào thì khổ”. Chị tôi cười: “Yên tâm, chị đã có cách”.
Chẳng biết chị tôi có cách gì nhưng khi đã là vợ anh Lân rồi thì thi thoảng chị phải dấm dúi biếu tiền bố mẹ tôi những khi bố mẹ ốm đau và giỗ, Tết. Chị kể với tôi: “Anh Lân bảo không muốn dùng tiền bạc để mua chuộc tình cảm của ai hết. Hằng tháng lĩnh lương được bao nhiêu anh Lân đều đưa cho chị giữ nhưng tháng nào cũng yêu cầu chị báo cáo tài chính một lần. Nếu chị chi tiêu lạm phát là anh ấy không hài lòng”. Tôi đành động viên chị: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Anh Lân làm thế cũng là vì gia đình, vì chị và các cháu thôi”.
Gần đây chị Thảo gặp tôi để mượn tiền mua thuốc rồi than thở một tràng: “Tự dưng anh Lân nhà chị thay đổi chóng mặt, thật đáng sợ em ạ. Ai đời đàn ông mà đòi tay hòm chìa khóa. Anh ấy không những không đưa lương cho chị mà còn bắt chị đưa cả thẻ lĩnh lương của chị để anh ấy cai quản luôn. Rút lương xong anh ấy cho vào két khóa chặt, đặt mã số, ngoài anh ấy ra có thánh mới mở được. Anh ấy tự đi nộp tiền điện, tiền nước, tiền học cho các con, tự mua sắm những đồ dùng cần thiết, chỉ đưa tiền cho chị mua thức ăn hằng ngày thôi. Bây giờ chị cần tiền mua thuốc nhưng anh ấy đi công tác rồi, anh ấy nhất định không nói mã số két sắt. Em cho chị vay tạm một ít”. Tôi đùa chị: “Chị tìm hiểu xem anh ấy có bồ không?”. Chị Thảo trợn mắt, bĩu môi: “Giời ơi! Đàn ông bo bo như anh ấy, không muốn mất đi đâu một xu nào thì gái nó thèm vào”.
Biết chuyện vợ chồng chị Thảo như thế, mẹ tôi không bênh chị mà nhận xét: “Chắc phải có chuyện gì khuất tất thì thằng Lân mới làm vậy. Nó là đứa tiết kiệm thật nhưng không đến nỗi keo kiệt, bủn xỉn đâu. Đàn ông cũng chẳng mấy ai thích tay hòm chìa khóa, bấn cả người, trừ phi người vợ không biết vun vén”. Khi chị Thảo vay tiền tôi đến lần thứ ba thì tôi thắc mắc: “Em hỏi thật chị nhé. Chị có làm gì sai trái không mà đến nông nỗi này? Nếu anh Lân không đưa lương cho chị nữa thì cùng lắm là lương anh anh tiêu, lương chị chị tiêu. Việc gì chị phải đưa cả thẻ lĩnh lương của mình cho anh ấy cai quản rồi lại phải vay chỗ nọ đập vào chỗ kia. Chị có đi vay được mãi không?”. Nghe tôi hỏi dồn, chị Thảo rơm rớm nước mắt: “Em đừng nói cho bố mẹ biết kẻo bố mẹ xót ruột lại sinh bệnh. Tất cả là lỗi tại chị. Tại chị tham lãi suất cao nên có bao nhiêu tiền tiết kiệm chị tự ý đem cho vay hết. Nhưng chủ nợ nó vỡ nợ, bỏ trốn rồi. Anh Lân không mắng chị câu nào, chỉ tuyên bố từ giờ anh ấy sẽ tay hòm chìa khóa”. Tôi lặng người đi: “Thảo nào... Thế là anh ấy còn hiền chán đấy. Thôi! Chị đừng buồn phiền nữa, coi như của đi thay người. Từ nay chị làm gì liên quan đến tiền nong thì chị nên bàn với anh ấy một câu”.
Sau khi cho chị Thảo một “bài học nhớ đời”, anh Lân đã trả lại cho chị cái quyền “tay hòm chìa khóa”. Anh nhỏ nhẹ: “Để em hiểu ra rằng đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình làm ra đáng quý như thế nào và phải biết giữ gìn hay sử dụng đúng mục đích”.
TRẦN THỊ LÀNH