Giàu lên nhờ nuôi cá, chim cút
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:47, 18/03/2015
Dám nghĩ, dám làm, tích cực học hỏi, bà Đỗ Thị Đáng ở thôn Mạc Bình, xã Thái Tân (Nam Sách) đã giàu lên nhờ nuôi chim cút, nuôi cá.
Mỗi năm bà Đáng thu lãi khoảng 150 triệu đồng nhờ nuôi cá, chim cút
Năm 1999, nhận thấy nếu chỉ trông chờ vào vài sào ruộng khoán thì không thể khá hơn, bà Đáng quyết tìm hướng đi mới cho kinh tế gia đình. Khi có người thân nuôi chim cút từ miền Nam ra chơi, bà Đáng tranh thủ học hỏi, từ việc chọn giống, làm chuồng đến phòng, chống dịch bệnh. Sau đó, bà bắt tay vào nuôi 2.000 con chim cút. Thời gian đầu, gia đình bà gặp nhiều khó khăn do chưa nắm rõ đặc điểm sinh trưởng và phát triển của loại chim này. Có thời điểm 1.000 con chim rã cánh và chết hàng loạt. Qua tìm hiểu, bà mới biết nguyên nhân là do chuồng trại chưa được vệ sinh sạch sẽ. Từ đó, cứ 2 ngày bà lại dọn dẹp một lần, hằng tuần đều đặn phun thuốc khử trùng chuồng trại. Bà tham khảo các tài liệu, sách báo... để có thêm kinh nghiệm. Khi chim cút có dấu hiệu bất thường, bà tìm đến những người nuôi nhiều kinh nghiệm để được giúp đỡ. Lúc đầu, bà Đáng phải đem trứng chim cút rong ruổi khắp các xã trong huyện, thậm chí sang cả Chí Linh, Kim Thành để rao bán. Tuy khó khăn là thế nhưng bà không bỏ cuộc vì nghĩ nếu kiên trì sẽ có ngày thành công. Dần dần, bà đã tạo được mối giao trứng đầu tiên. Thấy người tiêu dùng thích trứng chim cút lộn, bà đầu tư hơn 30 triệu đồng mua máy ấp trứng. Với chiếc máy này, mùa hè, khoảng 10-12 ngày, bà Đáng đã có trứng cút lộn, còn mùa đông cần khoảng 13-15 ngày. Nếu muốn để chim giống thì cần thêm khoảng 15 ngày. Khi trứng nở, bà Đáng "úm" chim non rồi tách chim đực và chim cái để nuôi riêng. Có máy ấp trứng, bà Đáng đã chủ động hơn trong việc lựa chọn những con chim cái để làm giống chứ không phải đi mua như trước kia. Khoảng 50 ngày chim cái bắt đầu đẻ, với 8 quả trứng/10 ngày, sau 40 ngày, chim đực đạt trọng lượng khoảng 200 g và có thể bán thịt. Vài năm gần đây, trong thực đơn của một số đám cưới có món chim cút quay. Nắm bắt cơ hội, bà chủ động đi tìm những người có nhu cầu. Bà Đáng đã tìm tòi và thử nghiệm nhiều loại gia vị để chọn ra loại phù hợp nhất cho chim cút quay có hương vị thơm, ngon riêng biệt. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người tìm đến bà để đặt hàng. Vào mùa cưới, trung bình một ngày gia đình bà nhận làm cho 2-3 đám, có khi phải "chạy sô" khoảng 5-7 đám. Giá cả tuỳ từng loại, thường dao động từ 10.000-15.000 đồng/con, có thời điểm lên đến 23.000 đồng/con.
Không chỉ nuôi chim cút, bà Đáng còn bàn với chồng nhận đấu thầu gần 4.000 m2 ao bỏ hoang của xã. Gia đình bà cải tạo ao và thả một số loại cá truyền thống như chép, mè, trôi, rồi thả cả cá rô phi. Mô hình nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao ở một số xã trong huyện thôi thúc bà thử nghiệm. Ý định này của bà bị mọi người trong gia đình phản đối vì vốn đầu tư nuôi cá lồng rất lớn. Sau nhiều lần thuyết phục mọi người, năm 2009, bà sang xã Nam Tân để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, bà đầu tư làm 10 lồng cá trên sông Thái Bình, thả 8 vạn con, trong đó có 2 vạn cá điêu hồng, 2 vạn cá lăng chấm, còn lại là chép, mè, trôi.
Hiện nay, trang trại của bà có khoảng 7.000 con chim cút, mỗi ngày cho thu khoảng 5.000 quả trứng, sau khi ấp, sẽ được cung cấp cho các mối trong tỉnh. Mỗi tháng bà bán được khoảng 3.000 con chim cút quay; mỗi năm thu được 4-5 tấn cá. Trừ chi phí, gia đình bà thu lãi khoảng 150 triệu đồng/năm từ nuôi cá, chim cút.
HUYỀN TRANG