Tỷ giá tăng 1%, nợ Việt Nam tăng 10.000 tỷ

Thị trường - Ngày đăng : 16:20, 25/03/2015

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Anh, Vụ phó Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại cuộc họp giao ban 3 tháng đầu năm của bộ này với các bộ, ngành, địa phương.


Giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại - Ảnh minh họa: TTO

Theo ông Quốc Anh, thời gian gần đây, đồng USD của Mỹ đã tăng giá mạnh, một số quốc gia đã chủ động giảm giá đồng tiền.

Hiện đồng tiền Việt Nam (VND), theo ông Quốc Anh, đang neo giá với  biên độ 1-2%. Vì vậy, so với một số đồng ngoại tệ khác, VND đã tăng giá, như so với đồng EURO, VND đã tăng giá hơn 20%...

Nêu nhiều người đặt vấn đề đã đến lúc tiếp tục phá giá VND chưa, ông Nguyễn Quốc Anh nhắc lại Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng khẳng định năm 2015 chỉ điều chỉnh tỷ giá đến 2% (đầu năm đã điều chỉnh 1% rồi - PV) và cho biết qua tính toán, thực tế, phá giá VND không giúp tăng xuất khẩu nhiều.

Cụ thể, theo ông Quốc Anh, qua tính toán của các chuyên gia, nếu phá giá 1%, Việt Nam tăng được xuất khẩu chỉ 0,2%.

Trong khi đó, hàng nhập khẩu về sẽ tăng giá, ảnh hưởng hiệu quả xuất khẩu khi Việt Nam đang phải nhập nhiều nguyên vật liệu về để sản xuất rồi xuất khẩu.

Ngoài ra, phá giá VND cũng sẽ tác động tới lạm phát và cả niềm tin của dân.

Đặc biệt, ông Nguyễn Quốc Anh nêu việc phá giá sẽ ảnh hưởng đến tình hình vay nợ vì 80% các khoản vay của Việt Nam là bằng USD. “Tăng 1% tỷ giá, nợ sẽ tăng trên 10.000 tỷ” - ông Quốc Anh nói.  

Trong khi đó, theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình doanh nghiệp Việt Nam vẫn khá “căng”. Việt Nam đang tăng xuất khẩu nhưng thực tế  70% xuất khẩu là nhờ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực trong nước chưa được 30%.

Đặc biệt, xuất khẩu của doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa của Việt Nam gần đây đã giảm 5%.

Vì vậy, theo vị đại diện này, gần như doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn, khó tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Tới đây, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cạnh tranh sẽ mạnh hơn, trong khi đó, trên 80% doanh nghiệp trong nước chưa biết đến các hiệp định này. Vì vậy, “đây là điều lo ngại vô cùng”.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cũng bày tỏ lo ngại khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa biết nhiều đến các hiệp định thương mại tự do, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn.

Ông đề nghị cần tập hợp thêm những ý kiến, mời các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia cuộc họp giao ban để tập hợp những khó khăn vướng mắc, trình Chính phủ có biện pháp tháo gỡ, giải quyết...

C.V.KÌNH(Tuổi trẻ)