TP Hải Dương kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Đời sống - Ngày đăng : 08:12, 02/04/2015

TP Hải Dương đã và đang nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...



TP Hải Dương tăng cường các biện pháp truyền thông nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh     

Những năm gần đây, tại TP Hải Dương số trẻ sinh ra là nam luôn cao hơn so với mức giới hạn cho phép, dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Theo báo cáo của Trung tâm Tư vấn dân số - KHHGĐ thành phố, năm 2013 tỷ lệ trẻ sinh ra là 121 nam/100 nữ, năm 2014 là 119 nam/100 nữ (mức giới hạn cho phép là 106 - 108 nam/100 nữ) và còn có chiều hướng tiếp tục gia tăng. Chính vì vậy, để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, ngành dân số thành phố đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Từ năm 2011, TP Hải Dương đã triển khai mô hình “Giảm thiểu MCBGTKS” tại 21 xã, phường. Hoạt động chính là tăng cường tuyên truyền, tư vấn trực tiếp và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; cung cấp thông tin qua tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề về dân số - KHHGĐ. Hầu hết các đơn vị thực hiện mô hình đã thành lập và duy trì Câu lạc bộ Phụ nữ không sinh con thứ ba, tổ chức được hàng trăm buổi truyền thông trực tiếp, buổi sinh hoạt câu lạc bộ phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, giảm thiểu MCBGTKS. Trung tâm cũng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về giới và giới tính khi sinh. Biên soạn, nhân bản và cung cấp các ấn phẩm truyền thông; lắp đặt pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền về giới tính khi sinh tại địa điểm trung tâm…

Đầu năm 2015, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm MCBGTKS. Mục tiêu nhằm tăng cường và nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền; tuyên truyền, vận động các đoàn thể xã hội nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về MCBGTKS, nguyên nhân, hậu quả của tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai. Qua đó từng bước thay đổi hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, nhằm giảm tỷ lệ MCBGTKS, nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Trong năm 2016, thành phố phấn đấu tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn giảm còn 118 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 115 trai/100 gái; có 80% số dân có hiểu biết cơ bản về hậu quả của tình trạng MCBGTKS, biết lựa chọn giới tính khi sinh là bất hợp pháp. 100% các cặp nam, nữ trước khi kết hôn được tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh. Nâng cao chất lượng dân số về thể lực, trí tuệ và tinh thần; bảo đảm cân bằng tỷ số giới tính khi sinh. Thành phố cũng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp về thực hiện bình đẳng giới; kiểm tra, phát hiện, xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm những quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh Dân số... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo dư luận xã hội mạnh mẽ, phê phán hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời nêu gương cá nhân, dòng họ, thôn, khu dân cư không vi phạm các quy định về lựa chọn giới tính thai nhi.

Bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh là một trong những chỉ tiêu rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số - KHHGĐ. Thành phố xác định, bên cạnh những nỗ lực của ngành dân số còn cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân trong việc quyết định sinh con theo tự nhiên.

NGUYÊN THƯƠNG