Tôi lỡ có con "ngoài luồng" chỉ vì... hỏng xe
Đời sống - Ngày đăng : 10:19, 09/04/2015
Ảnh minh họa: Internet
Tôi năm nay 40 tuổi, là lái xe vận tải hàng đông lạnh Bắc – Nam cho một công ty chuyên xuất khẩu thủy, hải sản.Vợ tôi là giáo viên mẫu giáo, nhỏ hơn chồng 3 tuổi.
Chúng tôi đã có hai con gái, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ lên 8, xinh xắn và rất ngoan ngoãn. Dù thu nhập của hai vợ chồng không quá cao nhưng ở thị xã, gia đình tôi cũng thuộc dạng có cuộc sống tương đối ổn định.
Thế nhưng hiềm một nỗi tôi là con trai trưởng, sau lưng còn 3 đứa em gái đều đã đi lấy chồng. Cái trách nhiệm “nối dõi” đã đè nặng lên vợ chồng tôi ngay từ những ngày đầu mới cưới nhau. Khi vợ tôi mang bầu đứa con đầu lòng, bố mẹ tôi và cả họ mạc đã thấp tha thấp thỏm. Đến khi biết đó là bé gái, mẹ tôi dù rất thương con quý cháu nhưng cũng “đánh động” mà bảo vợ chồng tôi rằng “đợi con bé cứng cáp rồi lo mà đẻ thằng cu ngay nhé”.
Nghe mẹ nói vậy, vợ tôi buồn lắm, cô ấy cứ thở ngắn than dài bảo nếu biết bố mẹ chồng nặng nề chuyện cháu đích tôn thế này, cô ấy đã “chả dại” mà lấy tôi.
Dù trong lòng cũng lo sốt vó nhưng tôi vẫn cố gắng động viên vợ. Thế rồi khi con bé đầu mới được hơn một tuổi, vì “áp lực” từ ông bà, vợ chồng tôi lại chuẩn bị đón đứa con thứ hai. Không may mắn là lần mang thai này, vợ tôi được bác sỹ cho biết cô ấy có một khối u đang phát triển lớn dần cùng thai nhi, có thể sẽ phải mổ để bóc tách hoặc cắt bỏ tử cung trong tình huống xấu nhất.
Vậy là ngày chào đời của con gái thứ hai, cũng là ngày vợ tôi vĩnh viễn không thể sinh nở thêm được lần nào nữa. Bế con từ bệnh viện về nhà, nhìn nét mặt chán nản của ông bà nội mà lòng tôi ngao ngán, chẳng biết phải làm sao.
Vợ tôi thì khóc suốt, cô ấy còn bảo sẵn sàng ly hôn với tôi, tự nuôi hai đứa con để tôi đi tìm “người nối dõi” cho ông bà nội.
Tôi thì thực lòng con nào cũng là con, nhưng cứ nhìn cảnh bố mẹ già ra vào héo hắt, thở ngắn than dài rồi so sánh nhà mình với nhà nọ nhà kia trong làng có đến mấy đứa cháu trai, tôi lại thấy thương ông bà vô cùng.
Rồi trong một lần vận chuyển hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh ra cửa khẩu phía bắc, xe tôi bị hỏng giữa đêm khuya. Đường đèo heo hút, vẫy nhờ mấy xe tải qua xin trợ giúp nhưng xe hỏng quá nặng, đành phải chờ đến sáng để gọi cứu hộ.
Đang ngồi hút thuốc cho qua cơn buồn ngủ thì tôi nhìn thấy ánh đèn le lói cách nơi xe hỏng không bao xa. Khóa cửa xe, tôi lần theo ánh đèn đi ngược xuống chân dốc.
Một ngôi nhà lợp tranh nằm giữa một mảnh vườn rộng um tùm cây trái. Phía trước hình như là một quán bán hàng nhưng đã đóng cửa. Lên tiếng gọi chủ nhà, tôi thấy điện bật sáng rồi một người phụ nữ khoảng tầm 30 tuổi ra mở cửa. Cô nhìn tôi ngạc nhiên, tôi vội vàng giải thích cho cô hiểu xe tôi bị hỏng và muốn xin được ngủ nhờ.
Ngần ngại một chút rồi cô gái đẩy rộng cánh cửa, căn nhà nhỏ nhưng gọn gàng và ngăn nắp. Nhà chỉ có duy nhất một chiếc giường, cô gái nhường cho khách còn mình định thu xếp ngủ trên chiếc chõng tre.
Tôi ngăn lại và dành nằm ở chiếc chõng tre. Lạ nhà, khó ngủ, tôi trở dậy ra hiên nhà ngồi châm thuốc hút, ngoài trời bỗng đổ mưa như trút nước. Cô chủ nhà cũng dậy, bảo tôi cứ vào trong nhà ngồi hút kẻo mưa ướt dễ ốm.
Trong màn mưa dày đặc và cái lạnh heo hút của rừng núi, tôi được nghe câu chuyện của cô chủ nhà, về lý do vì sao em một thân một mình giữa rừng vắng.
Ngôi nhà này vốn là của bố mẹ em, hai người anh trai đã lấy vợ và đi làm ăn ở xa, còn mình em là gái, lại bị dị tật bẩm sinh ở chân, đi lại khó khăn nên cũng chẳng lấy được chồng, đành ở vậy cùng bố mẹ già.
Cách đây hai năm, bố em ốm nặng rồi mất, còn mẹ em, hôm ấy bà về xuôi thăm chị dâu của em mới sinh cháu.
Cô gái kể cho tôi mà giọng cứ nghèn nghẹn, nước mắt không ngừng rơi. Cảm thông với hoàn cảnh của em, tôi nắm bàn tay em, động viên. Em ngẩng lên nhìn tôi, giọng ngắt quãng “số phận cho em gặp anh, em muốn xin anh cho em một đứa con. Em hứa không bao giờ làm phiền gì đến anh cả”.
Một đàn ông, một đàn bà giữa đêm khuya thanh vắng, lại cám cảnh người phụ nữ, tôi đã gật đầu chấp thuận ý nguyện của em.
Sau chuyến hàng ấy, vì những trục trặc trong việc ký hợp đồng làm ăn, nên công ty tôi bỏ không đưa hàng qua cửa khẩu đó nữa. Câu chuyện về đêm mưa lỡ độ đường và người con gái kém may mắn cũng nhạt dần trong tâm trí tôi.
Hơn hai năm sau, tôi mới lại có dịp đi lại con đường đó. Qua đúng đoạn dốc năm xưa, tôi ghé xe vào, định bụng hỏi thăm em. Nhà vẫn vậy, chỉ khác là ban ngày nên quán nước mở cửa. Em ngồi bán hàng, gương mặt tròn đầy, béo hơn so với hồi tôi gặp. Ngay cạnh em là một cậu bé chừng hơn một tuổi, bụ bẫm, đang chơi say sưa một chiếc ô tô bằng nhựa.
Nhìn thằng bé, tôi sững người, bởi nó giống tôi như đúc, không khác dù là một nét nhỏ. Sững sờ hồi lâu, tôi lên tiếng gọi tên em, em ngẩng lên nhìn tôi, mừng rỡ.
Dù có ngủ mơ tôi cũng chẳng thể ngờ rằng, chỉ duy nhất một lần “cả nể” do lỡ độ đường ấy, tôi đã có con ngoài giá thú, một đứa con trai kháu khỉnh, giống tôi như đúc, điều mà cha mẹ tôi đã khắc khoải mong ngóng bao năm qua. Giờ tôi phân vân quá, không biết phải làm sao nữa?
Theo Tiền phong