Không né tránh vấn đề Biển Đông
Tin tức - Ngày đăng : 04:26, 12/04/2015
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký
“Điều khoản Tham chiếu Nhóm công tác hợp tác tài chính tiền tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc”. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tiến hành thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ ngày 7 đến 10-4.
Qua chuyến thăm, hai bên đã đạt được những nhận thức chung quan trọng, đề ra phương hướng và biện pháp thiết thực, cụ thể nhằm củng cố, tăng cường lòng tin, tăng cường tình hữu nghị, khôi phục đầy đủ và đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên.
Kết quả chuyến thăm là tiền đề, là nền tảng quan trọng cho quan hệ Việt-Trung tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững, vì lợi ích và sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, đồng thời góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển chung của khu vực và thế giới.
Đó là cảm nhận, đánh giá chung của các thành viên chính thức trong đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Trung Quốc lần này:
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng: Duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích chung
"Qua chuyến thăm, qua các cuộc tiếp xúc cấp cao, tôi cảm nhận một điều là hai bên tăng cường tin cậy hơn, hiểu biết nhau hơn và trao đổi những vấn đề hết sức chân thành, thẳng thắn. Và hai bên đều có một quyết tâm chung: Đó là phải xây dựng tinh thần đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển và hai bên cùng có lợi.
Hai đồng chí Tổng Bí thư cũng như các nhà lãnh đạo cao cấp khác của Trung Quốc đều đánh giá trong 65 năm quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thì tổng thể là tốt đẹp. Quan hệ cũng có lúc thăng trầm, nhưng hai bên đều tìm mọi biện pháp để làm sao tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác và để thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi nước.
Trong chuyến thăm lần này, hai bên đã ký được nhiều văn bản hợp tác rất quan trọng, nhất là hợp tác về kinh tế, kết nối hạ tầng giao thông, rồi tăng cường giao lưu nhân dân để phát triển kinh tế.
Đối với lĩnh vực quốc phòng, chúng tôi đã ký với Bộ Quốc phòng Trung Quốc bản thỏa thuận về hợp tác gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Riêng vấn đề Biển Đông, tôi thấy hai bên không né tránh, đều thừa nhận đây là một vấn đề tồn tại. Bất đồng và những mâu thuẫn đó, hai bên đều thống nhất giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Hai bên cũng đều thống nhất là sẽ thực hiện nghiêm chỉnh hiệp ước DOC, tiến tới xây dựng COC và thống nhất với nhau là sẽ kiểm soát tốt các bất đồng trên biển, để duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích chung của hai nước, cũng như đóng góp chung cho ổn định ở khu vực.
Trong quá trình trao đổi với các đồng chí Trung Quốc, có những điểm như là tăng cường hợp tác về lĩnh vực quốc phòng, nhất là tăng cường giao lưu hợp tác quốc phòng biên giới Việt-Trung, tạo điều kiện thuận lợi thông thoáng tối đa để phát triển kinh tế, nhất là thương mại, rồi xuất nhập cảnh và tăng cường hợp tác trên biển...
Tháng 11 tới, tôi cùng với 10 bộ trưởng Quốc phòng ASEAN sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại Trung Quốc để cùng bàn nhau hợp tác, để tăng cường hợp tác về lĩnh vực quốc phòng, kiểm soát tốt các bất đồng, để giữ gìn môi trường hòa bình ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên biển...”
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng: Thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng hơn
“Về lĩnh vực kinh tế, có rất nhiều nét mới trong chuyến thăm này. Hai bên khẳng định Việt Nam và Trung Quốc là những đối tác hợp tác với nhau rất chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên năm 2014 đã đạt 60 tỷ USD và như vậy đối với Việt Nam, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Kết quả này đã vượt so với kế hoạch đặt ra, đáng lẽ năm 2015 mới đạt kim ngạch thương mại 2 chiều là 60 tỷ USD, nhưng năm 2014 đã đạt được rồi và năm nay khả năng sẽ cao hơn con số 60 tỷ USD.
Hai bên đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ đạt kim ngạch thương mại hai chiều là 70 tỷ USD.
Trong chuyến thăm, hai bên thống nhất tìm mọi biện pháp để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Một là sẽ thúc đẩy thực hiện thỏa thuận về hợp tác trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó có mặt hàng gạo.
Thứ hai là bàn việc triển khai xây dựng các khu hợp tác qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiện nay, hai bên đang nỗ lực, tích cực để xây dựng khung pháp lý cũng như triển khai những bước chuẩn bị cho việc hình thành những khu hợp tác kinh tế này. Chúng tôi tin rằng việc ra đời của những khu hợp tác kinh tế qua biên giới sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên, trước hết là cho những tỉnh biên giới nằm đối diện với nhau.
Thứ ba là cũng đã thống nhất Trung Quốc tạo điều kiện để Việt Nam tiến hành những hoạt động xúc tiến thương mại có hiệu quả hơn. Trước mắt chúng tôi đã hoàn thành thủ tục, đưa văn phòng xúc tiến thương mại đầu tiên của Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh đi vào hoạt động và sắp tới đây sẽ tiếp tục đưa một số văn phòng xúc tiến thương mại tại một số thành phố khác nữa đi vào hoạt động.
Một việc nữa rất quan trọng là năm 1998 hai nước đã ký Hiệp định thương mại biên giới. Sau 17 năm, rất nhiều nội dung đã thay đổi, và hai bên thống nhất là sẽ đàm phán để hoặc là ký kết một hiệp định bổ sung cho hiệp định năm 1998, hoặc là ký kết một hiệp định mới.
Nhưng dù là ký kết mới hay bổ sung, thì rất nhiều nội dung thay cho nội dung năm 1998, trước hết là làm cho cán cân thương mại giữa hai bên sẽ cân bằng hơn, thứ hai là mang lại lợi ích nhiều hơn cho cư dân biên giới vì thủ tục sẽ thuận lợi hơn và việc bảo vệ của các cơ quan chức năng của hai bên đối với hàng hóa của cư dân biên giới hai bên sẽ ổn định hơn, tạo thuận lợi hơn cho nhân dân ở các tỉnh biên giới hai nước.
Trong cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng Bí thư Tập Cận Bình, cũng như Thủ tướng Lý Khắc Cường và các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc, phía Trung Quốc luôn luôn khẳng định Trung Quốc mong muốn có một quan hệ thương mại cân bằng với Việt Nam và sẵn sàng cùng với Việt Nam để tìm những biện pháp phù hợp đạt được mục tiêu này.
Đây là nhận thức chung mà hai bên đã thống nhất với nhau.
Với những kết quả đã đạt được sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như những thỏa thuận giữa chính phủ hai bên đã đạt được trong thời gian vừa qua, chắc chắn rằng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ ngày càng rộng hơn về quy mô và cao hơn về chất lượng”.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Tiền đề quan trọng cho hợp tác phát triển bền vững
“Điều tôi ấn tượng nhất trong chuyến thăm là kết quả đạt được trong hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hai đoàn đại biểu cấp cao của hai nước, hai bên đã đi đến thống nhất nhận định chung về tình hình cũng như những quan điểm, giải pháp để chúng ta cùng nâng cao quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và kiềm chế bất đồng để đi tới việc chúng ta sẽ hợp tác có hiệu quả hơn, bền vững hơn, giữ vững quan hệ truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước.
Đây là tiền đề vô cùng quan trọng cho hai nước có những bước hợp tác phát triển bền vững hơn nữa. Với hai nước láng giềng, cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo nên dấu ấn vô cùng quan trọng, là nền tảng quan trọng cho hợp tác hai nước.
Trong chuyến thăm này, cùng với việc đạt được nhất trí chung về quan điểm hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước thì hai bên đã đạt được nhiều nội dung cụ thể. Một trong những nội dung cụ thể, đã được thể hiện trong Thông cáo chung Việt Nam-Trung Quốc, là hai bên thống nhất tiếp tục có quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, đồng thời trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, có rất nhiều văn bản đã được ký kết. Và một trong những văn bản quan trọng đó là tiếp tục rà soát, xem xét, đánh giá Quy hoạch về hợp tác kinh tế-xã hội hai nước giai đoạn 2012-2016, tiếp tục chuẩn bị những vấn đề cụ thể cho giai đoạn tiếp theo.
Vừa qua, tôi và Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc cũng như Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đã thống nhất nhiều nội dung cụ thể. Hai bên thống nhất tháng 8 năm nay, phiên họp thứ ba (phiên họp đầu tiên sau khi Nhóm công tác hạ tầng được thành lập) sẽ diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tôi sẽ dẫn đầu Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ nước ta sang hội đàm với phía Trung Quốc để thống nhất về những danh mục quan trọng hai bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó có 3 dự án lớn, đó là nghiên cứu khả thi dự án đường sắt cao tốc Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng để kết nối với Vân Nam, Trung Quốc; hỗ trợ xây dựng đường bộ cao tốc Lạng Sơn-Hà Nội; đường cao tốc Móng Cái-Hạ Long. Đó là những dự án quan trọng để kết nối 2 nền kinh tế, tạo ra thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại giữa hai quốc gia.
Ngoài ra, tôi cùng với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành đã có cuộc làm việc riêng, thống nhất ngay sau chuyến thăm này, hai nhóm công tác của hai bên sẽ xem xét lại danh mục các dự án đầu tư trọng điểm của Việt Nam theo Quy hoạch hợp tác phát triển kinh tế-xã hội 2012-2016 đã ký năm 2011 và sẽ chỉnh lại cho phù hợp với giai đoạn hiện nay, để hai nước có thể xúc tiến đầu tư những dự án lớn, có tác động lan tỏa trong kinh tế Việt Nam và liên quan đến hợp tác kinh tế giữa Việt Nam-Trung Quốc.
Thứ hai, chúng tôi cũng thống nhất với nhau rằng phải tìm biện pháp để thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có công nghệ hiện đại của Trung Quốc vào Việt Nam.
Thứ ba là thúc đẩy các công trình mang tính chất biểu tượng hữu nghị, ví dụ như Cung văn hóa hữu nghị Việt-Trung tại Hà Nội. Gần đây, công trình này đã được đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng khá tốt. Đây là hành động thiết thực để cụ thể hóa những quan điểm, đường lối, cam kết mà hai Đảng, hai Chính phủ đã nhất trí trong năm nay và đặc biệt trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
TTXVN