Tiểu, thủ công nghiệp phát triển nhanh

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:40, 18/04/2015

Các cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.



Các cơ sở sản xuất ở Đoàn Tùng đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương

Những năm qua, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) đã quan tâm, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tạo nhiều việc làm

Cơ sở sản xuất áo mưa của chị Trần Thị Huệ ở khu dân cư số 1 là một trong những xưởng sản xuất tiểu, thủ công nghiệp lớn của xã Đoàn Tùng. Chị cho biết, trước khi thành lập xưởng, chị làm nghề buôn bán, đi khắp nơi nên dù vất vả nhưng thu nhập không đáng kể. Sau nhiều năm, chị tìm hiểu được biết sản xuất áo mưa đơn giản, chi phí không cao, trong khi thị trường tiêu thụ lớn. Năm 2006, chị thành lập cơ sở sản xuất áo mưa và đến nay đã xây dựng được 3 nhà xưởng với tổng diện tích hơn 500 m2, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm đạt hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí, chị Huệ thu lãi từ 500-600 triệu đồng.

Bà Hoàng Thị Tràng 76 tuổi ở thôn Đào Lâm, đang làm tại đây cho biết: “Tôi chỉ có một mình nên cuộc sống rất khó khăn. Trước đây, tôi cấy hơn 1 sào ruộng, không đủ ăn nên phải đi mò cua, bắt ốc để kiếm thêm thu nhập. Đã hơn 2 năm nay, tôi vào làm ở xưởng, công việc chỉ gấp áo mưa nhẹ nhàng, mỗi tháng tôi cũng kiếm được 1,5 triệu đồng, đủ tiền thuốc men những lúc ốm đau, cuộc sống bớt khó khăn hơn”. Không chỉ mình bà Tràng mà có trường hợp lớn tuổi hơn vẫn được tạo điều kiện vào đây làm việc.

Cơ sở sản xuất diều của gia đình anh Nguyễn Văn Quý, thôn Đào Lâm mới được thành lập từ tháng 11-2014. Trước đây, anh Quý cũng làm nghề buôn bán nhỏ lẻ, trong một lần vào miền Nam chơi, anh được một người quen dạy nghề làm diều rồi về quê mở xưởng. Ban đầu, xưởng diều của anh gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, được anh em, bạn bè giúp đỡ cho vay vốn anh đã  dần vượt qua khó khăn. Đến nay, xưởng của gia đình anh được xây dựng rộng hơn 200 m2, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 người, thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. “Vào dịp gần hè, nhu cầu chơi diều tăng cao hơn nên số lượng công nhân tăng lên hơn 20 người. Phần lớn lao động ở đây tuổi từ 25 đến trên 40, công việc nhẹ nhàng nên mọi người vẫn tranh thủ thời gian làm việc đồng áng và chăm lo việc gia đình. Trừ chi phí, mỗi tháng gia đình tôi cũng thu lãi từ 50-60 triệu đồng”, anh Quý cho biết.

Hiện nay, toàn xã Đoàn Tùng có hơn 100 hộ sản xuất áo mưa, keo dính ruồi, làm nghề may mặc… Ngoài ra, tại xã có nhiều ngành nghề khác tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Đòn bẩy để phát triển kinh tế


Năm 2000, lao động nông nghiệp của xã Đoàn Tùng chiếm tỷ lệ khoảng 50% tổng số lao động, đến nay giảm còn 25%, lao động trong lĩnh vực tiểu, thủ công nghiệp chiếm 52%, còn lại là làm dịch vụ, thương mại. Toàn xã hiện có hơn 6.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó có hơn 5.000 người có việc làm thường xuyên, chiếm khoảng 95%. Bên cạnh lực lượng trong độ tuổi lao động, còn có một số người ngoài độ tuổi lao động vẫn tích cực tham gia làm việc. Ước tính, giá trị sản xuất tiểu, thủ công nghiệp đạt trên 20 tỷ đồng/năm. Năm 2014, thu nhập bình quân đạt 26 triệu đồng/người, xã phấn đấu đạt bình quân 30 triệu đồng/người trong năm nay.

Thời gian qua, ngoài sự nỗ lực, nhạy bén của chủ các cơ sở sản xuất, cùng với nguồn lao động tại chỗ dồi dào, xã Đoàn Tùng đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển tiểu, thủ công nghiệp. Nhờ vậy, các cơ sở sản xuất đã không ngừng phát triển, mở rộng quy mô, cải tiến công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, xã đã có trên 5.000 lao động có việc làm mới tại các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp tại xã và trên địa bàn huyện Thanh Miện. Thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Viết Hà, Chủ tịch UBND xã Đoàn Tùng cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng của việc phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, hằng năm, các ngành, đoàn thể của xã tích cực phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở lớp đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó, xã đã quy hoạch được một vùng tiểu, thủ công nghiệp rộng hơn 20 ha nằm ở cạnh đường 293A. Việc quy hoạch các hộ vào trong khu sản xuất sẽ giúp địa phương giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

PV