Nghe mẹ, đánh vợ
Đời sống - Ngày đăng : 09:45, 20/04/2015
Nghe tiếng kêu thất thanh của Nụ bên hàng xóm: “Ối! Cứu tôi với! Cứu tôi với!”, tôi vội vàng chạy sang.
Khi tỉnh lại, nước mắt lưng tròng, Nụ nức nở: “Có khi vợ chồng em tan mất chị ạ”. Tôi sửng sốt: “Sao lại đến nông nỗi ấy? Vợ chồng con cái em cứ ríu ra ríu rít, hạnh phúc lắm cơ mà?”. Được dịp trải lòng, bao nhiêu bức xúc bấy lâu Nụ chia sẻ hết: “Từ ngày mẹ chồng em sang ở cùng, nhà em lúc nào cũng như địa ngục. Chỉ vì cả đời không được quản tài chính mà bây giờ thấy em ngày ngày cầm cả cọc tiền đi lấy hàng, mẹ chồng em không chấp nhận chuyện đó. Nhà mẹ rộng rãi nhưng mẹ không ở, cũng chả muốn nấu cơm cho chồng mà tuyên bố ra nhà em để trông nom hàng hóa và quán xuyến tiền bạc cho vợ chồng em. Bố chồng em vốn chiều vợ, lại không muốn làm phiền con cái nên cứ thui thủi đi chợ nấu ăn một mình. Em thì làm việc ở cơ quan cả ngày, cửa hàng điện tử do chồng em phụ trách. Anh ấy chê lương ba cọc ba đồng nên tự ý xin về một cục rồi chuyển sang kinh doanh để có đồng ra đồng vào. Mẹ chồng em cứ nghĩ em bắt chồng thôi việc nhà nước để ở nhà phục vụ vợ con nên cứ nhìn thấy em là mẹ ngấm nguýt. Chị tính, ở nhà thì ăn mặc thế nào cũng xong nhưng em đi làm công sở nên cũng phải ăn vận đàng hoàng. Mẹ chồng em không hài lòng, cứ nói đổng: Hết mốt nọ mốt kia, chỉ biết diện cho mình. Em cũng sắm cho chồng con đấy chứ nhưng anh ấy bảo ở nhà bán hàng việc gì phải ăn mặc cầu kỳ, còn bọn trẻ thì chủ yếu là mặc đồng phục. Hôm nay chỉ vì chuyện em mặc cái váy mới, vừa về đến nhà là chồng em đã gây sự. Em đi làm mà anh ấy cứ khăng khăng bảo em đi chơi thì mới diện như thế, chị thấy có tức không chứ. Vừa đói vừa mệt, lại bị nghi oan, em đã cãi lại chồng trước mặt mẹ chồng. Bị mẹ xúi bẩy: Đàn bà cãi chồng thì phải dạy cho một bài học, thế là anh ấy tát em. Có lẽ em tránh nên cái tát như trời giáng không vào mặt mà vào đầu nên em bị choáng ngất đi”.
Tôi không ngạc nhiên về bà mẹ chồng của Nụ bởi thi thoảng bà ấy vẫn sang hàng xóm nói xấu con dâu, rằng: “Con Nụ lười nhác, chỉ phó mặc mọi việc cho chồng, đã không biết kiếm tiền lại chỉ giỏi tiêu tiền thôi...” Tôi bất ngờ về cách xử sự của Sơn. Trước đây, Sơn rất yêu vợ, chăm con. Lúc nào cửa hàng vắng khách là Sơn lại làm việc nhà, thậm chí cả đi chợ, nấu cơm nếu Nụ đi làm về muộn. Tôi từng bảo Nụ: “Em thật tốt số, có được người chồng biết chia sẻ việc nhà với vợ thì còn gì bằng”. Vậy mà hôm nay chứng kiến cảnh Nụ bị chồng đánh, tôi chỉ biết an ủi: “Thôi! Đừng nghĩ ngợi gì nữa. Một sự nhịn chín sự lành em ạ. Lần sau chồng nóng thì em đi chỗ khác”. Nụ thở dài: “Em đã nhịn nhiều rồi chị ạ. Mẹ chồng em sợ em rút ruột chồng, mang tiền về cho bố mẹ đẻ nên xúi con trai quản tài chính gia đình, hằng ngày chỉ đưa em tiền chợ búa thôi. Từ ngày mẹ em ở cùng, chồng em tuyệt nhiên không mó tay vào việc nhà nữa, rảnh rỗi chỉ ngồi gác chân xem ti vi thôi, mặc kệ em muốn thức khuya, dậy sớm, làm gì thì làm. Em không dám kêu ca phàn nàn nửa lời nhưng đến cả chuyện ăn mặc mà cũng cấm đoán, xét nét em thì em không chịu được”.
Sau khi ra viện, Nụ dẫn hai con về nhà mẹ đẻ ở. Một tuần, hai tuần, Sơn cứ ra ra vào vào, ngóng vợ ngóng con. Anh cứ định dắt xe đi đón vợ con thì mẹ anh lại gàn: “Có chân đi thì có chân về, cứ để đó xem nó đi được bao lâu”. Cửa hàng ngày một vắng khách, Sơn chả thiết buôn bán. Nhà vắng tiếng trẻ con buồn hơn bao giờ hết. Biết chuyện, bố Sơn bắt anh đi đón vợ con về ngay và tổ chức buổi họp gia đình. Ông nói với vợ: “Bà chính là trung tâm gây rắc rối ở cái gia đình này. Bà đến ở với vợ chồng đứa nào là y như rằng chúng nó có nguy cơ tan vỡ. Chúng nó tan vỡ thì bà hả dạ lắm à? Bà nghĩ lại xem bổn phận làm vợ của bà đã tròn chưa mà cứ xét nét con dâu? Từ nay bà về nhà cơm nước cho tôi nhờ, để chúng nó còn làm ăn, buôn bán”. Ông quay sang con trai: “Bố ăn ở với mẹ con gần hết đời người rồi, cũng có nhiều lúc cơm không lành canh chẳng ngọt nhưng chưa bao giờ bố thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với bà ấy. Vì vậy trước mặt cả nhà, con phải xin lỗi vợ vì hành động vũ phu của mình. Nghe mẹ là tốt, nhưng phải biết đâu là đúng, đâu là sai, không phải cái gì cũng nghe”. Ông dịu giọng nói với con dâu: “Còn Nụ, ăn ở sao cho trên thuận dưới hòa. Chồng con đã biết lỗi rồi thì cũng nên bỏ qua”.
Từ đó vợ chồng con cái Nụ lại vui vẻ như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Gặp tôi, Nụ hồ hởi: “Như một cơn ác mộng chị ạ. Nếu bố chồng em không lên tiếng thì có lẽ giờ này em đã gửi đơn ly hôn ra tòa rồi bởi chồng em lúc nào cũng nghe mẹ”.
TRẦN THỊ LÀNH