Phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:09, 20/04/2015

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, từ ngày 18 đến 31-3, nhiệt độ tăng không đáng kể, trời âm u, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm dao động từ 86 - 94%.


Đây là điều kiện lý tưởng để bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại chủ yếu trên các giống lúa BC15 và Q5.

Triệu chứng và tác hại:

Bệnh thường xuất hiện gây hại trên lá thời kỳ đẻ nhánh được gọi là bệnh đạo ôn lá; bệnh gây hại ở thời kỳ trỗ bông phơi mà gọi là bệnh đạo ôn cổ bông. Đạo ôn cổ bông trên thân và cổ bông vết bệnh ban đầu cũng có màu xanh thẫm, sau chuyển sang nâu, do nấm tấn công vào mạch dẫn gây cản trở việc vận chuyển các chất dinh dưỡng nuôi lá, thân và hạt... làm cho thân dễ gãy, hạt lép, lửng. Trên hạt bệnh xảy ra vào giai đoạn trỗ, vết bệnh trên hạt cũng có dạng hình thoi, viền nâu, tâm có màu xám trắng.
Nếu bị bệnh đạo ôn nặng ở giai đoạn trỗ bông phơi màu nấm bệnh tấn công sẽ làm hạt thóc bị lép, lửng gây hiện tượng bông bạc, ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và chất lượng.
Nguyên nhân:

Do nấm Pyricularia oryzae Cav phát sinh gây hại. Bệnh được lan truyền bằng bào tử, bào tử của nấm đạo ôn có hình trái lê rất nhỏ. Vụ chiêm xuân bệnh thường phát sinh từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm; bệnh liên quan mật thiết đến điều kiện thời tiết, giống và chế độ chăm sóc, thời gian đẻ nhánh, trỗ bông phơi màu.

Nhiệt độ thích hợp cho bệnh phát sinh, phát triển là từ 16 - 28 độ C, nhiệt độ tối thích là từ 18 - 22 độ C, ẩm độ > 90% (trời âm u, mưa phùn, mưa nhỏ kéo dài là điều kiện thích hợp cho bệnh đạo ôn phát sinh, phát triển).

Các giống nhiễm là BC15, Q5, nếp, BT7...; các ruộng chăm bón không cân đối, bón nhiều đạm, bón đạm lai rai thường bị bệnh nặng.

Khi lúa trỗ bông, phơi màu gặp điều kiện thời tiết âm u, có mưa phùn, mưa nhỏ kéo dài bệnh thường phát sinh gây hại cổ bông.

Ngoài nguyên nhân do thời tiết, giống nhiễm làm cho bệnh phát sinh gây hại nặng thì trong thời gian qua việc tổ chức phòng trừ bệnh đạo ôn lá của nông dân thường bị muộn (khi bệnh nặng mới trừ) nên hiệu quả thấp. Dự báo trong thời gian tới khi lúa trỗ bông, phơi màu có khả năng sẽ gặp không khí lạnh gây mưa phùn, mưa nhỏ tạo thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại.

Để giúp nông dân phòng trừ tốt bệnh đạo ôn cổ bông, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn biện pháp phòng trừ như sau:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là chương trình dự báo thời tiết của báo, đài, kết hợp với thăm đồng để chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa trỗ bông, phơi màu.

- Chú ý trên các giống nhiễm, trên những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá và cả trên những diện tích không nhiễm bệnh đạo ôn lá đều cần phải chú ý và chủ động phòng trừ khi lúa trỗ bông, phơi màu gặp điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh.

- Điều tiết nước từ 2 - 5cm để giúp cây lúa trỗ bông, phơi màu được thuận lợi và tăng hiệu lực của thuốc.

- Khi lúa trỗ bông, phơi màu gặp điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh thì phải tiến hành phòng trừ. Thời gian phun thích hợp khi lúa nứt ne đòng báo trỗ; trên diện tích lúa đã bị bệnh đạo ôn lá phải tiến hành phun kép; phun 1 lần khi lúa nứt ne đòng, phun lần 2 khi lúa trỗ thoát hoàn toàn (lần 2 cách lần 1 từ 5 - 7 ngày), có thể lựa chọn 1 trong các loại thuốc đặc hiệu sau: Beam 75WP, Bump 650 WP, Katana 20 SS, Fu - Army 40 EC...

Chú ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:

- Từ khi lúa trỗ bông đến trước khi thu hoạch cần chú ý rầy nâu. Nếu mật độ rầy cao, đến ngưỡng (từ 2.000 con/m2 trở lên ở giai đoạn trỗ đến trỗ thoát) có thể kết hợp một trong những loại thuốc đặc hiệu như: Penalty Gold 50EC, Winter 635EC, Chatot 600 WG... để phòng trừ rầy nâu. Liều lượng các loại thuốc phải giữ nguyên theo hướng dẫn để hạn chế công phun.

- Khi sử dụng thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, chấp hành nguyên tắc "4 đúng". Nên phun vào sáng sớm và chiều mát, tránh phun khi lúa trỗ bông, phơi màu. Sau phun thuốc gặp mưa rào, mưa lớn cần phải phun lại. Phun đúng nồng độ khuyến cáo, phun ướt đều trên lá...

(Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh)