Bóc trần thủ đoạn chuyển giá của Metro Việt Nam

Công nghiệp - Ngày đăng : 10:10, 22/04/2015

Tổng cục Thuế đã vạch ra các chiêu chuyển giá của Metro, trong đó, nổi cộm là hoạt động “gửi” giá ở công ty mẹ và các công ty liên kết tại Đức.



Nghi án chuyển giá của Metro đã có câu trả lời


Tổng cục Thuế ngày 21-4 đã chính thức công bố kết quả thanh tra thuế tại doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro) thực hiện vào cuối năm 2014. Kết quả này lý giải vì sao trong 13 năm hoạt động tại Việt Nam, Metro chỉ có 1 năm có lãi (173 tỷ đồng).

Mẻ lưới lớn nhất trong chống chuyển giá

Theo Tổng cục Thuế, qua thanh tra, đã yêu cầu Metro điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng cộng 507 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm lớn nhất là số tiền điều chỉnh giảm lỗ đối với các chi phí nhượng quyền thương mại, không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa bảo đảm các điều kiện, thủ tục lên tới 335 tỉ đồng.

Tiếp theo là 110 tỷ đồng điều chỉnh giảm khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với khoản thu hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi từ các nhà cung cấp. Còn lại 62 tỷ đồng là điều chỉnh thuế nhà thầu nước ngoài đối với các khoản chi phí bồi hoàn tiền lương trả cho công ty mẹ ở Đức để trả cho các nhân viên nước ngoài làm việc tại Metro ở Việt Nam.

Như vậy, đây là “mẻ lưới” lớn nhất trong hoạt động chống chuyển giá của Tổng cục Thuế tại Metro Việt Nam trong 13 năm DN này hoạt động tại Việt Nam.

Trước đó, từ năm 2003-2011, cơ quan thuế đã 4 lần thanh tra, kiểm tra tại Metro với kết quả điều chỉnh giảm lỗ hơn 500 tỉ đồng; xác định lãi 2 năm (2010, 2011) 234,8 tỷ đồng để bù vào số lỗ của 3 năm trước. Ngoài ra, kết quả thanh tra cũng xác định số lỗ không được chuyển do quá hạn 5 năm là 272,6 tỷ đồng…

Thủ đoạn tinh vi

Trong đợt thanh tra này, Tổng cục Thuế đã chỉ rõ các chiêu chuyển giá tinh vi của Metro với 4 nhóm hành vi. Trong đó, đứng đầu là hoạt động “gửi” giá ở công ty mẹ và các công ty liên kết tại Đức. Theo sổ sách của Metro, chi phí trả cho các công ty liên kết ở Đức từ năm 2001-2013 được hạch toán khá lớn, riêng chi phí nhượng quyền thương mại đã lên đến 731 tỷ đồng.

Vì Metro và công ty mẹ tại Đức có ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu từ khi đầu tư ở Việt Nam nên hằng năm, Metro phải trả chi phí này cho công ty mẹ. Chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho ban giám đốc và chuyên gia nước ngoài trả cho các cá nhân thông qua Metro Cash & Carry tại Đức (chi phí bồi hoàn) cũng lên đến 699 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các khoản chi này đã bị đoàn thanh tra loại khỏi chi phí khi tính thuế thu nhập DN hoặc thu thuế đối với những khoản không có chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định.

Lập lại công bằng trong môi trường đầu tư

Bình luận về việc vạch mặt, chỉ tên DN chuyển giá của Tổng cục Thuế, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng cơ quan này cần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo đảm công bằng cho môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Từ lâu, những nghi vấn về hành vi chuyển giá ở một số DN lớn, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được đặt ra nhưng số bị vạch mặt, chỉ tên rất ít. Hàng loạt nhà đầu tư ở Việt Nam làm ăn thua lỗ triền miên nhưng vẫn rót vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh là hiện tượng hết sức vô lý.

Theo TS Lê Đăng Doanh, trước thủ đoạn chuyển giá tinh vi của các tập đoàn xuyên quốc gia, hoạt động chống chuyển giá của Việt Nam còn nhiều hạn chế do hệ thống pháp luật chưa chặt chẽ cũng như sự hạn chế về nghiệp vụ của cơ quan thuế. “Không thể tạo thiên đường cho những kẻ trốn thuế đến Việt Nam làm ăn. Đó không phải mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam” - TS Lê Đăng Doanh bày tỏ.

Theo Người lao động