Gánh gồng những xác nhà
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 10:20, 27/04/2015
Bất chấp nguy hiểm, họ vẫn làm công việc này để có thêm “đồng ra, đồng vào” cho cuộc sống.
Đã từ lâu, phá dỡ nhà cũ trở thành một nghề mà nhiều nông dân chọn trong những dịp nông nhàn. Bất chấp nguy hiểm, họ vẫn làm công việc này để có thêm “đồng ra, đồng vào” cho cuộc sống.
Thợ phá dỡ nhà thường làm việc trong môi trường độc hại và không bảo đảm an toàn
Nghề nguy hiểm
11 giờ trưa một ngày cuối tuần, khi nắng hè bắt đầu rát mặt, đội thợ phá dỡ nhà của anh Phạm Văn Thắng (35 tuổi, ở xã Hồng Lạc, Thanh Hà) vẫn miệt mài với công việc. Áo đẫm mồ hôi, anh Thắng loay hoay sửa lại mấy chiếc máy khoan bê-tông nằm la liệt trên sân. Anh bảo: “Hôm nay đen quá chú à. Mang đi mấy chiếc máy khoan bê-tông mà cái nào cũng hỏng cả. Đang bị ép tiến độ thế này thì có khi anh em lại phải làm không công mất”. Nhìn anh đang cố gắng tháo từng bộ phận của máy khoan, tôi hỏi: “Sao anh không mang ra thợ sửa cho nhanh? Mày mò thế này mất thời gian lắm!”. Anh Thắng cười: “Việc hỏng máy là chuyện thường ngày ấy mà. Những lỗi hỏng nhỏ như cháy chổi than, đứt dây trong… thì mình có thể sửa ngay để còn kịp làm”.
Hôm nay, đội thợ của anh Thắng gồm 3 người đang làm việc tại một công trường ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương). Nhiệm vụ của các anh là phá dỡ hàng mi dài gần 50m trên mái tầng 2 của dãy nhà 3 tầng đang được cải tạo. Tôi ngỏ ý với anh Thắng được lên tận nơi để xem, tìm hiểu công việc của họ. Đứng trên tầng 2, anh Đào Văn Hiện (42 tuổi, cũng ở Hồng Lạc, Thanh Hà) đang đấu vật với từng mét bê-tông. Anh Hiện than: “Từ sáng đến giờ mới phá chưa được 4 m dài. Cái nhà này xây lâu mà chắc quá”. Cả tòa nhà cao hơn 10m chỉ có một mình anh làm. Không mũ, không quần áo bảo hộ, dây an toàn là đoạn ống nước buộc quanh bụng, một đầu buộc vào bộ cửa sổ mới được lắp. Nhìn người thợ đang chênh vênh đứng trên hàng mi dài 20m, rộng 40cm, dầy 10 phân, xung quanh không có một tấm lưới bảo vệ mà tôi thấy thót tim. Không có người hỗ trợ, anh Hiện phải cố xoay xở trên phạm vi hẹp để cắt từng thanh sắt. Mỗi khi dùng máy khoan để đục vỡ lớp bê-tông ở ngoài, đoạn mi dài rung lên bần bật trong làn bụi tung tóe của xi-măng và cát. Đứng phía trong hành lang, tôi còn cảm nhận được độ rung của ngôi nhà. Mất 20 phút, anh Hiện mới phá được đoạn bê-tông dài 15cm. Thấm mệt, anh Hiện nghỉ tay uống nước. Chắc vì công việc vất vả nên trông anh già hơn so với cái tuổi 42. Chia sẻ công việc nặng nhọc với anh, tôi hỏi: “Làm việc trên cao vậy, anh không sợ à?”. Anh Hiện vô tư: “Tôi đã làm việc này được mấy năm nên cũng quen dần. Nếu làm ở dưới thấp thì còn có giàn giáo để đứng. Gặp những công trình cải tạo nhỏ lẻ thì phải chấp nhận thôi. Tùy tình hình mà nghĩ cách xử lý. Vậy mà nhiều lúc cũng không tính được đâu”.
Theo lời kể của anh Hiện thì người làm công việc phá dỡ nhà thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm. Chân tay xây xát, gạch, bê-tông bắn vào mắt, dập ngón tay… là chuyện thường ngày. Có lần, các anh nhận phá dỡ một ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ rất lâu ở phố Canh Nông (TP Hải Dương). Ngôi nhà có diện tích nhỏ nên nhóm thợ phải phá bằng tay. Đang làm việc thì người dân xung quanh phát hiện ngôi nhà bị nứt cột trụ nghiêng sang một bên. Mọi người hò hét, gọi báo. Chưa đầy 5 phút,
"Mọi người hò hét, gọi báo. Chưa đầy 5 phút, ngôi nhà sụp đổ hoàn toàn. May mà 2 anh em đang làm ở trong nhà kịp chạy ra ngoài". |
Nhiều rủi ro
Lâu nay, nghề phá dỡ nhà được so sánh như những người “thợ săn”. Việc săn tìm những ngôi nhà cũ luôn tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Ngoài việc phải có quan hệ trong giới xây dựng, lời lãi từ các công trình đều do người thợ tự tính toán, quyết định. Mỗi đội thợ có từ 5 đến hơn 10 người. Đa phần là anh em cùng quê, cùng nhà tranh thủ lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Do tính chất công việc khá nguy hiểm nên rất cần sức khỏe. Và nghề này cũng không gắn bó được lâu.
Anh Thắng đã có thâm niên gần 10 năm trong nghề. Thời gian ấy, anh đã đi không biết bao nhiêu nơi trong tỉnh để kiếm tìm nhà cũ. Tính đến nay, đội thợ của anh đã phá dỡ hàng trăm ngôi nhà lớn, bé. Anh Thắng cho biết, mỗi khi nhận được công trình, công việc đầu tiên sẽ là khảo sát hiện trường để lên phương án phá dỡ. Việc khảo sát rất quan trọng giúp người thợ đánh giá được lượng sắt thép tận thu trong mỗi xác nhà. Những căn nhà được xây kiên cố, có nhiều sắt thép thường mang lại cho anh một khoản thu nhập khá nhờ bán phế liệu. Có nhiều gia đình, khi phá dỡ nhà còn để lại cho đội của anh các thiết bị vệ sinh, cửa nhà, khung nhôm, trần nhựa, mái tôn… để các anh mang về sử dụng hoặc bán lại cho người có nhu cầu. Sau khi khảo sát, thợ phá dỡ mới tính giá phá dỡ với chủ nhà. “Bây giờ có nhiều đội phá dỡ nhà nên đã có giá chung. Thường một căn nhà 3 tầng có diện tích khoảng 50 m2 khoảng hơn 20 triệu đồng”, anh Thắng cho biết.
Tuy nhiên, người thợ cũng không thể quyết định được 100% công việc và tiền lãi vì còn phải phụ thuộc vào công thợ, tiền thuê máy móc, thuê đổ phế liệu… Chính vì vậy, người quản lý thợ phải nhanh nhẹn, biết tính toán. Trong trường hợp có nhiều hợp đồng hoặc nhìn thấy khả năng “có lãi”, nhóm thợ có thể bán hợp đồng cho nhau để hưởng chênh lệch. Nói là vậy nhưng nghề này cũng có nhiều rủi ro. Anh Thắng chia sẻ thêm: “Trước khi làm nghề này tôi là thợ xây. Khi nhận thấy nhu cầu phá dỡ nhà tăng và nhiều đội phá dỡ làm ăn được nên tôi quyết định đổi nghề. Thời gian đầu vất vả lắm. Do chưa có kinh nghiệm nên chuyện lỗ vài chục triệu đồng là bình thường. Sau này, đã có thâm niên trong nghề, rủi ro cũng ít đi”.
Rủi ro lớn nhất đối với nghề phá dỡ nhà là tai nạn lao động. Những người thợ phá dỡ nhà thường xuyên phải làm việc trong môi trường độc hại và không có bảo hiểm. May mắn là cho đến nay đội thợ của anh Thắng chưa trường hợp nào bị tai nạn. Nhưng đã có người ở đội thợ khác phải bỏ mạng dưới những “xác nhà”. Nhiều thợ mới vào nghề, khi nghe được thông tin này đã bỏ việc luôn. Anh Thắng kể: “Gia đình tôi có 4 người. Vợ tôi làm công nhân may, hai cháu thì nhỏ đang tuổi ăn học. Nhiều khi nghĩ đến cảnh nguy hiểm cũng thấy sợ nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên đành phải cố gắng tự nhắc nhở mình cùng anh em trong đội phải cẩn thận”.
Hiện nay, mỗi người thợ phá dỡ nhà được trả tiền công khoảng 300.000 đồng/ngày. Theo mặt bằng chung, thu nhập như vậy là khá cao nhưng mức độ rủi ro cũng quá lớn. Việc phá dỡ nhà được thực hiện trong mọi điều kiện thời tiết. Nhiều khi bị ép tiến độ, thợ phải làm cả ngày lẫn đêm, trời nắng cũng như trời mưa và đối mặt với nguy hiểm… Vì vậy, để tồn tại với nghề, ngoài sức khỏe và trông vào sự may mắn, họ phải tự biết cách bảo vệ chính mình.
ĐỨC TÂM