Bảo đảm thông tin cho mặt trận
Tin tức - Ngày đăng : 09:06, 29/04/2015
Chúng tôi về thăm thủ trưởng cũ của mình hiện đang ở thôn Trác Châu, xã An Châu (TP Hải Dương).
Đó là đồng chí Phạm Luân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 đã chỉ huy đơn vị dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, bảo đảm thông tin cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Quân giải phóng tiến vào ngã tư Bảy Hiền ngày 30-4-1975 Ảnh: TTXVN
Giữa lúc toàn đơn vị đang vật lộn với núi cao vực thẳm, với thời tiết khắc nghiệt, với khó khăn thiếu thốn, ngày đêm bám trụ để sớm nối thông liên lạc, thì Chiến dịch Tây Nguyên đã nổ ra và giành thắng lợi vang dội. Chấp hành mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các binh đoàn chủ lực của ta thần tốc tiến về Sài Gòn.
Do tình hình phát triển nhanh chóng, sáng 26-4-1975, đồng chí Hoàng Niệm, Phó Tư lệnh Binh chủng Thông tin ra lệnh cho Tiểu đoàn 7 chuyển ngay sang phục vụ thông tin cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cụ thể: kéo một đường dây bọc dài 72 km từ Lộc Tấn đến cụm pháo binh đặt tại Bầu Cá Trê được bố trí ở Bắc Sài Gòn. Tổ chức triển khai đồng bộ cả ba phương tiện thông tin: Vô tuyến điện, hữu tuyến điện và truyền đạt tới Quân đoàn 1.
Chưa bao giờ không khí của đơn vị lại sôi nổi, khẩn trương như vậy. Đúng 12 giờ ngày 26-4-1975, các đơn vị hữu tuyến điện hành quân cấp tốc.
Bằng ý chí và quyết tâm cao nhất, 72 km dây được tiểu đoàn triển khai nhanh chóng và thông suốt. Việc củng cố đường dây là bước tiếp theo. Đại đội 2 vừa rải dây vừa soi đường, tìm phương hướng đạt độ chính xác cao, chẳng đồng chí nào bị lạc. Các đại đội 1 và 3 hoạt động liên tục, nâng dây, chôn dây, ngụy trang dây và canh gác bảo vệ đường dây tuyệt đối an toàn. Khó khăn nhất là kỹ thuật sử dụng máy tải ba. Cán bộ, chiến sĩ đại đội 4 chỉ trong vài tiếng đồng hồ chớp nhoáng thục luyện lại động tác, đã làm chủ được phương tiện có trong tay.
Đúng 9 giờ ngày 29-4-1975, đường dây bọc Lộc Tấn - Bầu Cá Trê sau 3 ngày nóng lòng chờ đợi, nay vang lên mệnh lệnh nã pháo vào sân bay Tân Sơn Nhất và căn cứ Đồng Dù, mở đầu đợt tấn công cuối cùng vào Sài Gòn - Gia Định.
Tiểu đoàn trưởng Phạm Luân cùng các chiến sĩ bám sát quân đoàn, đánh chiếm Phú Lợi và giải phóng
Niềm hạnh phúc nhất là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7, trong đó có anh được đứng trong dàn hợp xướng vĩ đại cất lên bản hùng ca lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. |
Tối 29-4-1975, Ban Thường vụ Đảng ủy Tiểu đoàn hội ý nhanh đề ra một số biện pháp cấp bách trước mắt. Trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, tiểu đoàn trưởng Phạm Luân xúc động phát biểu:
- Mọi đảng viên, đoàn viên, mọi cán bộ, chiến sĩ chúng ta đã trải qua thử thách gian khổ, ác liệt đều vững vàng. Họ đã hứa danh dự sẵn sàng chờ đón sự hy sinh trước giờ chiến thắng. Những người lãnh đạo chúng ta phải tiếp thêm sức mạnh cho họ, giúp họ lạc quan, tin tưởng, sống chết đều phải đàng hoàng, trong tư thế của người chiến thắng. Tình hình này, rất có thể chỉ trong thời gian ngắn nữa chúng ta sẽ có mặt tại Sài Gòn. Vì vậy tôi đề nghị, từ sáng sớm ngày mai, toàn đơn vị thay những bộ quân phục cũ kỹ, sờn rách, đầy bụi đất bằng những bộ quân phục đẹp đẽ sạch sẽ, tươm tất nhất.
Ý kiến của anh được hội nghị đánh giá cao. Thế là từ sáng sớm ngày 30-4-1975, tất cả cán bộ, chiến sĩ gọn gàng, tươi trẻ trong những bộ quân phục còn nguyên nếp gấp. Một không khí sôi động, một tinh thần phấn chấn tràn ngập tiểu đoàn. Quân đoàn 1 đánh địch ở Lái Thiêu, Gò Vấp rồi đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Cán bộ chiến sĩ thông tin nhanh nhạy, xử lý tốt nhiều tình huống phức tạp, được cơ quan thông tin Bộ Tư lệnh chiến dịch biểu dương. Đến Lái Thiêu, do tốc độ phát triển quá nhanh lại không có bản đồ nên chiến sĩ hữu tuyến điện bị lạc lối. Tiểu đoàn trưởng Phạm Luân chỉ thị cho anh em chuyển sang làm thông tin vận động, đi trước tìm phương hướng dẫn đường. Giữa lúc đang gặp khó khăn ấy thì xuất hiện hai thanh niên trong bộ sắc phục sinh viên phật tử tự nguyện hướng dẫn cho đơn vị. Tiểu đoàn trưởng Phạm Luân mời họ lên chiếc xe Jeep của mình mới thu được. Thật là một hình ảnh đẹp đẽ và cảm động. Qua Gò Vấp, gặp một tên lính ngụy bị thương nặng gãy chân, đang quằn quại giữa đường, y lạy van được cứu sống. Anh cùng mọi người nhanh chóng đưa hắn vào Quân y viện 75 ngụy. Viên trung tá bác sĩ và các nhân viên y tế ở đây từ chỗ hoảng hốt sợ hãi đến chỗ cảm phục, kính nể. Trước lúc lên xe, anh ôn tồn nhắc nhở mọi người yên tâm làm tròn phận sự của mình, giữ gìn nguyên vẹn máy móc và tài sản của bệnh viện, chờ người vào tiếp quản.
Theo hướng dẫn của hai sinh viên phật tử, anh giục chiến sĩ lái xe tăng tốc độ chạy về hướng Bộ Tổng tham mưu ngụy. Lúc này toàn thành phố đã tràn ngập bộ đội từ nhiều hướng tràn vào nội đô trong niềm hân hoan chưa từng có của nhân dân Sài Gòn đã suốt mấy chục năm trông đợi. Họ kéo nhau đổ ra đường, chào đón, tặng quà và tiếp tế cho quân giải phóng.
Tổng kết cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Tiểu đoàn 7 và cá nhân Tiểu đoàn trưởng Phạm Luân vinh dự được trao tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Nhưng theo anh, niềm hạnh phúc nhất là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7, trong đó có anh được đứng trong dàn hợp xướng vĩ đại cất lên bản hùng ca lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
LÊ ĐÌNH VƯỢNG