Thí sinh cần chủ động
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:42, 02/05/2015
Những ngày thi tốt nghiệp THPT quốc gia đang đến gần. Hàng vạn học sinh lớp 12 trong tỉnh đang ráo riết chuẩn bị cho kỳ thi với hy vọng đem lại chiến thắng cho bản thân, tạo đà cho sự phát triển trong thời gian tới. Có nhiều việc các em cần làm, một trong những yếu tố có thể mang lại kết quả cao trong kỳ thi đó là việc xây dựng cho mình một thái độ chủ động đối với kỳ thi.Bởi vì, những người nắm thế chủ động có thể làm bất cứ việc gì cần thiết, phù hợp với các nguyên tắc đúng đắn để hoàn thành công việc. Trước hết, các em cần có thái độ chủ động trong việc lựa chọn các môn thi. 12 năm học ở trường phổ thông, đặc biệt là trong 3 năm họcTHPT đã cho các em nhận biết được năng lực học tập của mình. Những tư chất và thiên hướng, sở trường của mỗi em cũng đã được bộc lộ. Đó là một trong những dấu hiệu quan trọng cho phép các em chủ động đưa ra quyết định lựa chọn những môn nào để thi. Hãy tin tưởng vào sự lựa chọn đúng đắn đó.Các em cần chủ động sử dụng các phương pháp ôn tập để bảo đảm hiệu quả. Khoa học giáo dục tiên tiến đã chỉ ra cho các em thấy có nhiều cách khác nhau để nâng cao hiệu suất quá trình ghi nhớ tài liệu. Ví dụ sử dụng sơ đồ tư duy, sự hình dung, liên tưởng, tái hiện, tưởng tượng, sử dụng màu sắc, âm điệu... Kinh nghiệm thực tế cho thấy, trong khi ôn tập, các em phải biết chuyển kiến thức thành hình ảnh để lưu vào bộ nhớ một cách dễ dàng; cần tạo ra chuỗi liên kết các sự kiện, hiện tượng cần nhớ; dùng nhiều giác quan để tưởng tượng; xác định các "từ khóa" trong từng ý chính, chuyển từ khóa thành hình ảnh tượng trưng; sắp xếp các từ khóa thành một câu chuyện hài ước; vẽ lại câu chuyện ra giấy...Trong khi sử dụng các biện pháp trên, các em cần phối hợp các giác quan "mắt nhìn, miệng nhẩm, tai nghe, tay viết".Cần chủ động sử dụng thời gian trong quá trình ôn tập. Các môn thi nhiều, thời gian có hạn và khi đã trôi qua thì không thể nào kéo lại được. Bởi thế, cách tốt nhất là căn cứ vào tính đặc thù của môn học, khả năng trí nhớ của bản thân, tính chất thi trắc nghiệm hay biện luận, vốn kiến thức đã tích lũy được để phân chia thời gian ôn tập cho từng môn một cách hợp lý với ý thức tận dụng mọi hoàn cảnh và biết tiết kiệm thời gian, tuy không thay đổi được, nhưng chúng ta có thể kiểm soát, điều tiết được cách sử dụng nó. Chính vì thế người ta thường nói: làm chủ được thời gian là làm chủ được cuộc sống.Việc bố trí chỗ ăn, ở, lệ phí các môn thi, phương tiện đi đến phòng thi, các giấy tờ cần thiết mang theo như: chứng minh thư, giấy báo thi, tài liệu, bút, thước, compa, máy tính... cũng quan trọng. Tất cả đều phải ghi ra giấy để kiểm tra, không được tùy tiện, đại khái cho đó là những chuyện vặt để rồi có thể xảy ra những chuyện không đáng có.Chủ động tạo ra tâm thế quyết tâm mạnh mẽ trước khi bước vào phòng thi. Đây là bước cuối cùng quyết định kết quả của kỳ thi. Vì thế, mỗi thí sinh cần đến phòng thi sớm ít phút để thư giãn, tự tạo ra sự hưng phấn trong từng môn thi, dứt bỏ tâm trạng lo âu, sợ hãi. Khi làm bài thi mỗi thí sinh cần đọc kỹ các câu hỏi của đề thi, dự kiến thời gian làm từng phần, dành thời gian dự phòng, câu dễ làm trước, câu khó làm sau, tránh sự quá đà đối với những nội dung có ưu thế. Tuyệt đối không được bỏ cuộc, tận dụng đến phút cuối cùng. Trong suốt thời gian làm bài, mỗi thí sinh phải luôn luôn tâm niệm bài học kinh nghiệm của các thế hệ đi trước: "Bình tĩnh thì đúng; lúng túng thì sai; bất cứ ai ai: chủ quan là hỏng".
TS. PHẠM TRUNG THANH