Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 13:54, 07/05/2015
Chiến thắng Điện Biên Phủ là điểm hội tụ, kết tinh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ chín năm gian lao mà anh dũng của dân tộc ta.
Lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries
Thu đông 1953, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho ra đời kế hoạch Navarre với hành động và ý đồ tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, tăng thêm quân ngụy, xây dựng lực lượng cơ động mạnh, tập trung quân cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ, mở những chiến dịch lớn ra vùng căn cứ kháng chiến, giành thắng lợi có tính quyết định trong vòng 18 tháng để hướng tới một giải pháp chính trị trên thế mạnh.
Mặc dù quân số, vũ khí của địch hơn ta nhiều nhưng Bộ Chính trị đã đề ra phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” với nguyên tắc chỉ đạo về quân sự là “tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt”. Giữa tháng 11-1953, Đại đoàn 316 lên đường theo hướng Lai Châu. Không thể để mất toàn bộ vùng địa quân sự quan trọng Tây Bắc - Thượng Lào, ngày 20-11-1953, Navarre cho 6 tiểu đoàn cơ động tinh nhuệ nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí 49 cứ điểm, tổ chức thành tám cụm cứ điểm liên hoàn. Mỗi cụm cứ điểm là một khu vực phòng thủ, một trung tâm đề kháng, có lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động, có hỏa lực mạnh, có các hàng rào kẽm gai và bãi mìn dày đặc xung quanh ngăn chặn đường tiến công từ ngoài vào. Navarre còn dành 80% số máy bay của Pháp ở Đông Dương xuất phát từ sân bay Cát Bi, Gia Lâm và có sự chi viện của máy bay Mỹ từ tàu sân bay ở Vịnh Hạ Long thường xuyên bắn phá ác liệt vào đội hình chiến đấu và các tuyến đường vận tải tiếp tế của Việt Nam. Chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ gồm các sĩ quan được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm chiến trường.
Phía ta, từ khi địch nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh đã củng cố quyết tâm xác định Tây Bắc là hướng tác chiến chính và dự kiến phương án tác chiến tiến công Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị đánh giá Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng lại có cái yếu cơ bản là bị cô lập, ở rất xa hậu phương địch, mọi tiếp tế vận chuyển đều phải dựa vào đường không. Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tương quan lực lượng, điều kiện thực tại và triển vọng tình hình của 2 bên, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy và chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh chiến dịch.
Thực hiện trận đối đầu lịch sử này, suốt mấy tháng trời chuẩn bị chiến dịch, Trung ương Đảng, Chính phủ, Hội đồng cung cấp mặt trận, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận đã huy động, tổ chức, chỉ huy quân và dân ta ngày đêm bạt rừng, xẻ núi, mở hàng nghìn km đường giao thông cho bộ đội ta chuyển quân, kéo pháo, chuẩn bị trận địa. Một lực lượng quân sự lớn chưa từng có được huy động cho chiến dịch: 55.000 quân thuộc năm đại đoàn, nhiều trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh chủ lực và các binh chủng kỹ thuật, cấp tập hành quân, tập kết siết chặt vòng vây, chuẩn bị giáng đòn sấm sét vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Để bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, hơn 260.000 dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong đã ngày đêm vừa làm đường, vừa vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm dưới làn bom đạn địch đáp ứng yêu cầu của mặt trận. Với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, đồng bào và chiến sĩ ở các địa phương, các chiến trường đã đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch và đẩy mạnh tiến công làm cho địch bị tổn thất nặng nề, hình thành thế trận phối hợp tuyệt vời với Điện Biên Phủ.
Lúc đầu, Bộ Tham mưu chiến dịch với sự tham gia ý kiến của đoàn cố vấn bạn, xác định phương án tác chiến là “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”, nhưng Đại tướng Tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp tổng kiểm tra lần cuối và nhận định phương án này bộ đội sẽ thương vong nhiều mà không bảo đảm chắc thắng nên thay đổi phương án tác chiến sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Vì tình hình cấp bách, ông quyết định triển khai rồi mới cho người về báo cáo với Bộ Chính trị và Bác Hồ. Phương án này được giấu kín, nghi binh khiến cho địch bất ngờ. Đó là sự thể hiện bản lĩnh và trí tuệ hòa quyện nhuần nhuyễn với nhau.
Ngày 13-3-1954, quân ta khai hỏa tiến công như vũ bão vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm với ba đợt chiến đấu vô cùng dũng cảm, gan dạ, mưu trí, chiều 7-5-1954, lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của quân ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc thắng lợi chiến dịch. Toàn bộ quân địch gồm 16.200 tên và Bộ Chỉ huy do tướng De Castries cầm đầu đã bị tiêu diệt và đầu hàng. Điện Biên Phủ được giải phóng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ do nhiều nguyên nhân cụ thể từ phía ta, cả từ những toan tính sai lầm của địch, nhưng quy đến ngọn nguồn thì đó là chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ của Bác Hồ, của Đảng, của những vị chỉ huy tài ba cũng như của toàn thể quân và dân Việt Nam. Bản lĩnh và trí tuệ ấy luôn là tiềm năng quý giá của dân tộc ta, biết khơi dậy, phát huy sẽ thành sức mạnh vĩ đại trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
TTXVN