Từ Chế Lan Viên đến Viên Tĩnh Viên

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 07:46, 09/05/2015

Nhà thơ Chế Lan Viên có tên thật là Phan Ngọc Hoan (1920-1989), quê Đông Hà (Quảng Trị). Ông làm thơ từ năm 16 tuổi, khi còn học ở bậc thành chung tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Tại đây ông đã kết nghĩa tâm giao với các bạn thơ: Yến Lan, Bích Khê, Nguyễn Viết Lãm, Hàn Mặc Tử. Thời kỳ này Chế Lan Viên chưa lấy bút danh Chế Lan Viên mà vẫn ký tên thật là Phan Ngọc Hoan dưới các bài thơ của mình gửi ra Hà Nội đăng ở báo Tin Văn, Tiểu thuyết thứ bảy. Năm 1937, được sự động viên của các thành viên nhóm thơ Bình Định, Chế Lan Viên tập hợp bản thảo cùng các bài thơ đã đăng báo lấy tên là Điêu tàn. Trước khi gửi ra Hà Nội nhờ Nguyễn Xuân Sanh in, bạn bè trong nhóm thơ ấy bàn bạc chọn cho Chế Lan Viên một bút danh. Hàn Mặc Tử gợi ý lấy bút danh Chế Bồng Hoan vì Tử biết Chế Lan Viên ảnh hưởng văn hóa lịch sử dân tộc Chàm, ông tôn vinh Chế Bồng Nga là thần tượng của Chiêm Thành. Chế Lan Viên cũng nghĩ như vậy, nhưng ông còn muốn thêm hai chữ Yến Lan đằng sau họ Chế. Vì mấy lẽ: Một lần ông đến nhà Yến Lan chơi, nghe Yến Lan đọc bài thơ về vườn lan nhà mình thấy hay. Theo chữ Hán vườn là viên. Lan còn là tên người yêu lúc đó của Yến Lan, sau này là vợ của Yến Lan. Sau một hồi bàn đi tính lại, trên cơ sở những tình tiết trên, Phan Ngọc Hoan vui vẻ quyết định lấy bút danh Chế Lan Viên ghi trên tập thơ đầu tay “Điêu tàn”. Khi Điêu tàn ra đời, tác giả mới 17 tuổi, tập thơ đã gây được sự chú ý đến kinh ngạc của bạn đọc và giới phê bình văn học, tài năng của Chế Lan Viên được coi như một thần đồng, thần tượng thơ thời đó. Và từ đó bút danh Chế Lan Viên theo suốt cuộc đời sáng tác của ông trên từng tác phẩm thơ văn, lý luận phê bình văn học, giới thiệu thơ.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông tham gia hoạt động văn học, báo chí ở Bình Trị Thiên, Khu 4… Thời kỳ này Chế Lan Viên chủ yếu làm báo. Suốt 9 năm kháng chiến hầu như Chế Lan Viên không làm thơ. Mãi đến năm 1955 ông mới cho xuất bản tập thơ “Gửi các anh”. Tuy không gây được tiếng vang, nhưng theo cách nói của ông là tác phẩm “nhận đường”- chuẩn bị cho một phong cách thơ mới, hiện đại, trí tuệ. Quả nhiên 5 năm sau (1960), tập thơ “Ánh sáng và phù sa” xuất hiện, tài năng của Chế Lan Viên lại nổi lên vượt hơn cả Điêu tàn… Liên tiếp sau đó ngót chục tập thơ của ông ra đời… tập nào cũng xuất sắc, có tầm trí tuệ và khái quát cao như: Hái theo mùa, Hoa ngày thương và Chim báo bão, Hoa trước lăng Người, Đối thoại mới, Hoa trên đá… Bên cạnh đó là những tập văn xuôi, phê bình văn học: Bút ký thăm Trung Quốc, Những ngày nổi giận, Nghĩ cạnh dòng thơ, Từ quán trung tâm đến gác khuê văn… Những năm thập kỷ 60, 70, 80 của thế kỷ trước, Chế Lan Viên được mùa lớn: tập thơ Hoa trên đá năm 1984 được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Trên lĩnh vực chính trị, văn hóa ông cũng có tiếng vang và vị trí xã hội nhất định, nhà thơ từng là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội, được tham dự hội nghị chính trị đặc biệt do Bác Hồ triệu tập. Chế Lan Viên đã dự các hội nghị quốc tế bàn về thơ và văn hóa ở một số nước Đông Âu và Pháp. Khi còn ở Hà Nội, với một cương vị như thế, Chế Lan Viên ở trong một gian nhà nhỏ cấp bốn (phía sau biệt thự 51 Trần Hưng Đạo) với diện tích hẹp. Nhiều vị khách quốc tế hoặc nhà thơ nước ngoài đến thăm Hội Nhà văn Việt Nam yêu cầu muốn đến thăm Chế Lan Viên tận nhà riêng nên Chế Lan Viên rất ngại mà đợi mãi cơ quan vẫn chưa cấp nhà cho ông.

Với ít tiền tích lũy và vay bạn bè, người thân, Chế Lan Viên đã mua nhà ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Nhà có vườn tược, ao cá, cây trái sum suê, tuy cách xa trung tâm thành phố hàng chục cây số. Chế Lan Viên đã đặt tên cho nơi này là Viên Tĩnh Viên.

Cũng từ Viên Tĩnh Viên này, sau một thời gian mắc bệnh phổi ông đã ra đi vĩnh viễn (ngày 24-6-1989).

LÊ HỒNG BẢO UYÊN