Giáo dục Việt Nam xếp thứ hạng 12 trên thế giới: Đừng vội mừng

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:01, 17/05/2015

Kết quả này chỉ khẳng định việc truyền thụ kiến thức là tốt nhưng chưa phải thước đo phát triển phẩm chất và năng lực của người học.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố bảng xếp hạng toàn cầu về chất lượng giáo dục dựa trên bài kiểm tra môn Toán và Khoa học của 76 quốc gia trên thế giới với các điều kiện kinh tế khác nhau. Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới, cao hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và các cường quốc như Mỹ, Anh, Thụy Điển. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho biết, Việt Nam đừng vội mừng về kết quả này mà cần nhìn vào thực chất nền giáo dục hiện nay.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kết quả khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ở 76 quốc gia trên thế giới là rất khách quan. Tuy nhiên, kết quả này không thể khẳng định chất lượng giáo dục của Việt Nam tốt hơn nhiều nước phát triển vì Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế chỉ đánh giá bài kiểm tra của 2 môn Toán và Khoa học chứ không đánh giá toàn diện giáo dục Việt Nam. Vì vậy, đừng lấy kết quả đó làm vui mừng hay phủ nhận mà chỉ để tham khảo và nhìn lại thực chất của giáo dục hiện nay.

“Thực tế, nền giáo dục của ta có nhiều điều thấp kém so với các nước. Cho nên, nếu căn cứ vào đó xếp mình hơn Australia, hơn Mỹ, hơn Anh và nhiều nước khác thì điều đó không thể nào tin tưởng được. Nếu chúng ta có phương pháp giáo dục con em của chúng ta, biết cách giáo dục thì chắc chắn Việt Nam cũng không kém ai. Xếp hạng đó đừng làm cho các bậc phụ huynh, rồi những người lãnh đạo cảm thấy hài lòng mà phải nhìn vào thực tế nền giáo dục còn rất nhiều yếu kém”.

 Theo Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, kết quả đánh giá học sinh của chúng ta có khả năng về Toán và Khoa học là rất tốt. Bởi lẽ, các bài khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế là Toán và Khoa học thuộc về phạm vi “dạy chữ”, đúng vào điểm mạnh trong việc dạy và học của Việt Nam hiện nay là chú trọng về truyền thụ kiến thức. Chương trình bậc phổ thông quá nhiều kiến thức hàn lâm, không chú trọng đến phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia phát triển thì chú trọng nhiều đến kỹ năng sống cho học sinh từ nhỏ đến lớp 12 và làm hướng nghiệp rất tốt cho học sinh. Do vậy, qua kết quả điều tra, khảo sát so sánh số liệu với các nước là một dịp tốt để Việt Nam nhìn lại nền giáo dục để có những đổi mới cho phù hợp.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: “Nếu chỉ bằng 2 chỉ số thì không đánh giá được gì cả ngoài việc đánh giá được tiềm năng học sinh của chúng ta có, ngoài việc chúng ta thấy rằng việc truyền thụ kiến thức khoa học không đến nỗi tồi. Nhưng đây không phải là chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng nguồn nhân lực chúng ta đào tạo. Từ đánh giá của quốc tế, Bộ nên tự đo thử ở nhiều tỉnh, thành, nhiều khu vực hơn nữa để biết thực chất nhận thức học sinh của mình ở mức độ nào. Cái đó cũng đánh giá được là hiệu quả giáo dục ở các vùng miền, các đối tượng học sinh khác nhau để từ đó chúng ta có cái nhìn thực tế hơn”.

Một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, những khuyết điểm của nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang được toàn ngành giáo dục- đào tạo, xã hội nhìn nhận để đổi mới toàn diện và căn bản. Việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế xếp Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới về chất lượng giáo dục dựa trên bài kiểm tra môn Toán và Khoa học là điều đáng mừng, không nên phủ nhận kết quả mà ngành giáo dục đã làm được trong việc truyền thụ kiến thức cơ bản cho học sinh. Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần làm gì để kiến thức của học sinh toàn diện hơn, đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao của xã hội hiện nay.

MINH HƯỜNG (VOV)