Bác Hồ sửa thơ Tố Hữu
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 09:38, 17/05/2015
Bác Hồ là một chính trị gia, một danh nhân văn hóa thế giới. Người là nhà báo giỏi - sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Qua các bài viết, bài nói của Bác, ta thấy Bác còn là một nhà ngôn ngữ học tài ba, sử dụng ngôn ngữ chuẩn xác. Bác luôn cẩn trọng trong từng bài viết của mình, có bài Bác sửa đến ba, bốn lần…
Là một nhà thơ, nhưng Bác không bao giờ nhận mình là nhà thơ chuyên nghiệp. Qua tập thơ “Ngục trung nhật ký” cũng như các bài thơ Bác viết, ta đã thấy tài thơ của Người. Không chỉ giỏi làm thơ, Bác còn rất “sành” trong việc thẩm thơ, sửa thơ của các nhà thơ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, khiến những tác giả thơ đó phải ngả mũ.
Chuyện Bác sửa thơ cho nhà thơ Tố Hữu dưới đây là một ví dụ về điều này. Do cương vị công tác, nhà thơ Tố Hữu thường xuyên được gần gũi Bác. Những lúc rảnh, Bác và nhà thơ Tố Hữu thường bàn luận về thơ. Năm 1961, miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Tết năm ấy nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Bài ca mùa xuân 61”. Tố Hữu đọc bài thơ này cho Bác nghe:
Tôi viết bài thơ xuân
Nghìn chín trăm sáu mốt
Lá bàng đỏ rụng ngoài sân
Cành dâu xanh rờn trước ngõ...
Nghe xong 4 câu đầu, Bác liền góp ý luôn: “Thơ chú sái lắm. Mới vào đầu năm 1961, cái “lá bàng đỏ rụng ngoài sân” thế này là không được. Dẫu chú dùng “cành dâu xanh rờn trước ngõ” cũng không bù lại được”.
Tiếp thu ý kiến của Bác. Về nhà, Tố Hữu ra vào ngẫm nghĩ mãi, chợt nhìn lên cây táo trước vườn nhà, Tố Hữu mừng quá, reo lên rồi vào phòng sửa lại câu thơ mà sáng nay đã bị Bác “phê”. Tố Hữu viết:
Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt
Nắng soi sương giọt long lanh…
Quả là tuyệt, câu thơ có hình ảnh, có sức sống của mùa xuân. Câu thơ sửa lại đã góp phần làm cho bài thơ “Bài ca mùa xuân sáu mốt” trọn vẹn, là một trong những bài thơ hay của Tố Hữu (in trong tập Gió lộng 1961). Nhờ sự góp ý của Bác mà bài thơ toàn bích từ đoạn mở đầu đến xuyên suốt bài thơ.
LÊ HỒNG BẢO UYÊN